Thứ ba 05/11/2024 00:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Gọi từ thơ ấu

19:02 | 27/05/2021

(Xây dựng) - Ngan ngát gió đồng bên Lâu Thượng - Hạc Trí. Lúa vừa bén chân lả lướt mềm tóc ruộng. Cỏ nhọ nồi nở hoa trắng muốt li ti như những hạt muối rắc xuống từ trời. Hoa xuyến chi mong manh trắng trên đê đỏ bụi. Vãn trưa, sông Lô ngái ngủ vắt mình qua bến vắng. Những con thuyền chở cát cặm cụi ngược dòng tĩnh lặng. Lùm tre dày bối rối, mơ màng, lọc nắng trong veo.

goi tu tho au
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Có tiếng xôn xao bầy sáo mỏ nghệ quanh quẩn bên đàn trâu nằm nghỉ trong lũng cỏ xanh rì. Tiếng thở phì phò con trâu già sứt mũi nằm ghếch mõm bên gờ đất lốm đốm vết chân. Tiếng nhai chậm rãi khoan thai nếm náp sực nước hương cỏ mới. Tiếng gió qua vòm tre tơ tóc tuốt từng chiếc lá khô giòn. Xa xa, cuối tầm mắt, những lò gạch đỏ au vấn vít làn khói mỏng. Chớm hè, sông Lô vẫn y như vài chục năm trước. Người thành phố thấy mình như bớt đi vài chục tuổi đời, vài chục tuổi lo âu hờ hững với đất trời, cây cỏ.

Hàng cây gạo trên bến sông hừng hực khoe sắc. Những cành khúc khuỷu phong ba như từng nét khắc khoẻ khoắn lên nền trời nhàn nhạt mây. Bầy sáo trên lưng trâu nghe tiếng động từ xa rủ nhau tung cánh cất mình vào trong những vòm hoa đỏ rực. Những đốm trắng trên cánh chim đen xôn xao như giấy xé lên trời. Ríu ran. Nghe như hoa hát. Lời thiết tha gọi tuổi thơ về.

Người Hà Nội nhiều năm nay gần như đã không còn nhớ gì về những cây hoa gạo khổng lồ nằm trong khuôn viên nhà Bác Cổ phía bờ sông. Lững thững mà đi trên mặt đê lam nham cỏ may tháng Ba nhìn về hoa gạo rực rỡ vươn mình lên khỏi toà nhà bát giác lung linh sang trọng bậc nhất kinh kì. Tường vàng ngói nâu ấm áp những gờ nóc con triện. Lã chã rơi từng bông gạo đỏ miệt mài. Những đàn sáo đen mỏ nghệ, sáo đá long nâu từ bên bờ bắc sông Hồng kéo nhau sang huyên náo suốt ngày.

Tháng Ba, những chùm hoa gạo vẫn bền bỉ đỏ rực quanh toà nhà. Vắng tiếng chim sáo. Cứ như vắng cả dòng sông cồn cào nước mới ngoài kia. Xe cộ gầm rú nhả khói trên con đường đê một chiều đi như lũ cuốn. Dòng sông người cuộn chảy. Không một ánh nhìn. Chẳng thể dừng chân. Người Hà Nội mới hững hờ đi ngang qua kỷ niệm xao xuyến ngày xưa, giờ đã nhạt nhoà trong bóng những toà cao ốc sặc sỡ dị hợm ven sông. Không còn lối cỏ mòn trên mặt đê thư thái bộ hành. Triền đê mướt cỏ như một sợi chỉ xanh căng ngang thành phố đã biến mất, nhường chỗ cho nguệch ngoạc bức tranh dằng dặc ghép bằng mảnh gốm. Không nghiêm mặt hào hùng, giục giã như tranh cổ động ngày nào. Cũng chẳng đủ bông lơn cười cợt như những bức Graffiti lũ trẻ nửa đêm mang bình sơn xì ra vẽ trộm.

Người Hà Nội nương theo tiếng gọi từ ấu thơ trong lòng mình mà đi. Ngược mãi lên thượng nguồn sông Lô, sông Hồng. Tháng Ba, lại bắt gặp những bãi phù sa, bãi bờ ngô non lấm tấm xanh. Những khoảng trời lành lặn nắng. Những gốc gạo hoang dã buông hoa sục sôi thắp lửa bến sông. Và tiếng chim sáo ríu rít gọi bầy vọng lại từ phía bờ bên kia. Bên ấy cũng hoa gạo.

Người Hà Nội còn phải chờ đợi thêm vài trăm năm nữa, cây gạo trước đền Ngọc Sơn trên hồ Hoàn Kiếm mới đủ lớn như trong kỷ niệm. Thiếu vắng những chùm hoa đỏ rực tháng Ba bên Tháp Bút, Đài Nghiên là một hao khuyết không gì bù đắp được. Cũng sẽ chẳng bao giờ còn hy vọng được ngắm nhìn một gốc gạo đại thụ uy nghi ở góc vườn Văn Miếu chỗ đường Nguyễn Thái Học giao cắt với Tôn Đức Thắng. Dưới gốc gạo khổng lồ ấy là miếu Hai Cô quanh năm hương khói lễ lạt. Gọi là miếu nhưng chẳng có một công trình kiến trúc nào cả. Nó chính là cây gạo. Và cũng hình như không có tên tuổi “Cô” nào cụ thể được thờ. Thần cây đa, ma cây gạo, ở đâu chẳng có. Góc đường ấy được lát gạch phẳng lì sau khi cây gạo chết. Người ta đã rời miếu Hai Cô dưới gốc gạo đi chỗ khác. Chỉ còn lại mờ nhạt hoang mang sắc hồng thơ ấu gọi về…

Đỗ Phấn

Theo

Cùng chuyên mục
  • Khám phá 8 di sản thế giới trên vùng đất Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Cố đô Huế với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, là tỉnh duy nhất của Việt Nam sở hữu 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và Di sản khu vực. Trong đó, có 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác.

  • Vĩnh Long: Di sản làng nghề trăm tuổi bên dòng Cổ Chiên

    (Xây dựng) - Nhằm bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến trên bản đồ du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Ðề án “Di sản đương đại Mang Thít” với diện tích 3.060ha, thuộc 4 xã: Mỹ Phước, Mỹ An, Nhơn Phú và Hòa Tịnh, với sản phẩm du lịch trọng điểm là “Vương quốc lò gạch”.

  • Thái Nguyên: Khánh thành công trình di tích đền thờ Lý Nam Đế

    (Xây dựng) - UBND thành phố Phổ Yên vừa tổ chức cắt băng khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lý Nam Đế (đền Mục), tại phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

  • Mê Linh (Hà Nội): Lấy ý kiến về dự án Khu công viên thể dục, thể thao rộng hơn 60ha

    (Xây dựng) - Dự án Khu công viên thể dục, thể thao huyện Mê Linh được kỳ vọng sẽ trở thành tổ hợp thể thao hiện đại tầm cỡ khu vực, sẵn sàng trở thành một địa điểm cho thi đấu Olympic trong tương lai.

  • Lập hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích làng cổ Phước Tích

    Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ vừa có công văn số 4769/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thống nhất lập hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích Làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền.

  • Hội chợ Ấn Độ 2024 - Lễ hội tôn vinh sự đa dạng của Ấn Độ

    (Xây dựng) – Ngày 2/11, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội đã tổ chức "Hội chợ Ấn Độ - Lễ hội tôn vinh sự đa dạng của Ấn Độ" tại khuôn viên Đại sứ quán. Lễ hội nhằm mục đích tăng cường mối quan hệ văn hóa trong cộng đồng người Ấn Độ, quảng bá về Ấn Độ đến cộng đồng người Việt Nam và tôn vinh tình hữu nghị truyền thống sâu sắc giữa nhân dân hai nước.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load