Thứ năm 28/03/2024 20:54 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Giao Thủy (Nam Định): Chợ Bể cần được bảo tồn kiến trúc chợ cổ gần 700 năm tuổi

21:50 | 01/06/2021

(Xây dựng) - Chợ Bể nằm tại xóm Duyên Sinh, xã Giao Nhân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Chợ Bể là nơi buôn bán tập trung các sản phẩm nông sản, thủy hải sản, sản phẩm thủ công, đan lát… của người dân địa phương. Mặc dù đã trải qua hàng trăm năm lịch sử, đã nhiều lần cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang song, Chợ Bể vẫn còn lưu giữ lại những nét đẹp cổ kính, truyền thống, mộc mạc cả trong văn hóa giao thương lẫn kiến trúc chợ cổ có gần thế kỷ trường tồn và phát triển.

giao thuy nam dinh cho be can duoc bao ton kien truc cho co gan 700 nam tuoi
Chợ Bể họp chính theo phiên vào các ngày tư, tám âm lịch hàng tháng.

Hàng trăm năm về trước, khu vực Chợ Bể là vùng đất cửa biển, chợ được nằm cạnh bến sông để thuận tiện giao thương, bà con đi lại vận chuyển hàng hóa bằng thuyền bè chiếm số lượng lớn vì ngày đó đường đất, phương tiện vận tải không được tiện lợi như bây giờ. Cũng chính vì là chợ giáp biển, các sản phẩm thủy hải sản do bà con ngư dân đánh bắt được tập trung buôn bán ở chợ nên người dân lấy tên là Chợ Bể (Bể tức là biển). Cho đến nay, không ai biết rõ Chợ Bể có từ bao giờ nhưng theo người dân địa phương ước chừng, chợ có đến gần 700 năm tuổi.

Chợ Bể nằm ở vị trí trung tâm của huyện Giao Thủy, chợ nằm cạnh Quốc lộ 37B, cách Sông Hồng chỉ khoảng 4 – 5km, bên kia Sông Hồng là tỉnh Thái Bình. Vì vậy Chợ Bể không chỉ thuận tiện cho việc giao thương của người dân các xã, thị trấn xung quanh trên địa bàn huyện mà còn thu hút hàng trăm thương lái, từ các huyện lân cận và một số tiểu thương, người dân tỉnh Thái Bình sang buôn bán, mua sắm, trao đổi hàng hóa.

giao thuy nam dinh cho be can duoc bao ton kien truc cho co gan 700 nam tuoi
Chợ Bể được xây dựng từ hàng chục năm về trước theo kiến trúc cổ.

Với quy mô lên đến gần 4 mẫu, Chợ Bể thu hút hàng trăm gian hàng lớn nhỏ với đủ các mặt hàng từ nông sản, thủy hải sản như: lúa, gạo, rau củ quả, cho đến quần áo, đồ thủ công, đan lát, dụng cụ, phương tiện hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, phục vụ cơ bản đầy đủ nhu cầu mua, bán trao đổi hàng hóa của người dân địa phương. Chợ Bể họp 6 phiên buổi sáng vào các ngày tư, tám âm lịch trong tháng, cụ thể vào các ngày mùng bốn, mùng tám, mười bốn, mười tám, hai mươi bốn và hai mươi tám âm lịch thì chợ họp các phiên lớn vào buổi sáng với đầy đủ các gian hàng. Buổi chiều chợ họp hàng ngày với quy mô nhỏ hơn, chủ yếu phục vụ nhu cầu mua bán thực phẩm của người dân địa phương.

Chợ Bể được giao cho Hội cựu Chiến binh của xã làm Ban quản lý, tổ chức sắp xếp, vận hành, đảm bảo các hoạt động họp chợ, duy tu, bảo dưỡng, an ninh trật tự. Chợ chia khu vực bán hàng rất quy củ, ngăn nắp, có trật tự và khoa học.

Đối với người dân ở các vùng nông thôn, chợ không chỉ là nơi tập trung buôn bán, giao thương hàng hóa mà còn là nơi giao lưu văn hóa vùng miền, đến với chợ phiên người dân không chỉ mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi để gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chia sẻ tình cảm trong cuộc sống. Chợ được xây dựng và phục vụ chủ yếu là người dân vùng văn hóa lúa nước đồng bằng Sông Hồng, vì vậy trong xây dựng, kiến trúc cũng mang hơi hướng của văn hóa lúa nước, văn hóa vùng miền. Theo đó, Chợ Bể được xây dựng thành nhiều dãy quán cổ, nguyên bản chợ được xây dựng bằng gạch đất nung sản xuất thủ công, người ta dùng gạch đỏ để xây cột dạng kiến trúc vòm, dùng hỗn hợp vữa (vôi, cát, nước trộn lẫn) làm chất kết dính, dùng tre, luồng, nứa mua từ vùng cao về làm khung để lợp mái bằng ngói đỏ. Mỗi dãy quán cổ phục vụ cho mấy chục bà con tiểu thương bày biện hàng hóa buôn bán tránh mưa tránh nắng.

Ông Đỗ Trung Hậu, người dân sống cạnh Chợ Bể hàng chục năm chia sẻ: Gia đình ông đã sống và gắn bó với Chợ Bể 4 - 5 thế thệ, từ đời ông bà, bố mẹ cho tới đời con cháu, với hàng chục năm gắn bó. Theo ông Hậu, khi ông sinh ra chợ đã có từ lâu rồi, các công trình chợ cũng đã được xây dựng từ rất lâu trước đó, đến giờ có lẽ không ai biết chợ được thành lập, xây dựng từ khi nào.

Theo ông Đỗ Công Phúc – Thành viên Ban quản lý Chợ Bể cho biết: Chợ Bể sau một thời gian dài hoạt động, các công trình, dãy nhà mái ngói cổ, truyền thống theo thời gian đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều vị trí mái tre, nứa mục, sập sệ, giột nát không còn sử dụng được nữa, sau nhiều lần sửa chữa, cải tạo chợ nay đã không còn được nguyên bản như xưa, nhiều dãy nhà đã phải đập đi, xây lại, lợp tôn chứ không giữ được thiết kế của quán cổ. Hiện nay, chỉ còn lại 6 dãy nhà ngói cổ còn tạm sử dụng được nhưng cũng đã xuống cấp nghiêm trọng, mỗi mùa mưa gió, bão bùng đến thì nguy cơ sập bất cứ lúc nào nhất là những hôm chợ phiên có nhiều tiểu thương đến buôn bán, ngồi phía trong dãy nhà ngói rất nguy hiểm.

giao thuy nam dinh cho be can duoc bao ton kien truc cho co gan 700 nam tuoi
Theo thời gian, các khu quán cổ đã xuống cấp nghiêm trọng, cần được trùng tu, sửa chữa.

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Đặng Xuân Nghị - Chủ tịch UBND xã Giao Nhân cho biết: Chợ Bể hiện nay chỉ còn lại 6 dãy quán cổ, các dãy quán cổ này đã được xây dựng từ hàng chục năm trở về trước, vật liệu xây dựng chủ yếu được làm thủ công, do bà con tự bảo nhau gom góp tiền của xây dựng nên. Đến giờ này chắc cả huyện không chợ nào có các dãy quán cổ như Chợ Bể nữa. Tuy nhiên, theo thời gian chợ đã hư hỏng và được các cụ sửa chữa, trùng tu lại trên nền của công trình cổ ngay xưa, nhưng cũng đã hơn 60 năm rồi. Hiện nay, các dãy quán cổ này đã xuống cấp lắm rồi, nhiều vị trí cột bị sói mòn theo thời gian, mái ngói mọt, sập sệ, sắp không sử dụng được nữa, xã đang muốn cho đập đi xây lại để đảm bảo an toàn cho bà con tiểu thương.

Chợ quê là nơi sinh hoạt, buôn bán, trao đổi tập trung chủ yếu của bà con nông thôn từ bao đời nay. Có thể nói, ở vùng đồng bằng Sông Hồng, đi đâu cũng có chợ, chợ quê có ở các xã, các huyện. Thế nhưng, tùy vào lịch sử hình thành, vị trí địa lý, quá trình hoạt động mà có quy mô khác nhau. Chợ gắn liền với cuộc sống người dân, với văn hóa cộng đồng dân cư nông thôn. Ngày nay, mặc dù tốc độ đô thị hóa ngày càng phát triển, xuất hiện thêm nhiều hình thức mua bán, giao thương mới như siêu thị, mua bán online nhưng những phiên chợ quê vẫn gắn liền với cuộc sống và in đậm trong tâm trí mỗi người dân đã từng lớn lên ở vùng nông thôn. Vì vậy, chợ có vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư nông thôn.

Qua đó để thấy rằng, việc trùng tu, sửa chữa những dãy quán cổ thuộc Chợ Bể cần phải quan tâm, gìn giữ lối kiến trúc cổ nhằm đảm bảo giữ gìn bản sắc riêng có, nét đẹp văn hóa đặc trưng của khu chợ cổ có gần 7 thế kỷ hình thành và phát triển. Đây cũng chính là nguyện vọng, tâm tư của nhiều người dân địa phương nói chung khi nhắc đến việc tu tạo, chỉnh trang lại Chợ Bể.

Đỗ Quang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load