Thứ tư 05/02/2025 14:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Gian nan vật liệu xây không nung

18:02 | 04/09/2017

Phát triển vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung là một chủ trương đúng của Chính phủ, đặc biệt là sản phẩm này góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, sau 7 năm thực hiện, Chương trình Phát triển vật liệu xây không nung vẫn chưa như kỳ vọng và hành trình tìm đường tới “đích” vẫn gian nan.


Sản xuất gạch không nung thân thiện với môi trường. Ảnh: Bùi Đức Hiếu/TTXVN

Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 (Chương trình 567). Mục tiêu đặt ra là phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lượng thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường. Cùng với đó là giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả chung cho xã hội.

Theo Quyết định, lộ trình phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ từ 20 - 25% vào năm 2015; từ 30 - 40% vào năm 2020.

Các chuyên gia tính toán, hàng năm cần sử dụng khoảng từ 15 - 20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao...) để sản xuất vật liệu xây không nung. Như vậy sẽ tiết kiệm được khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công… Đích đến vẫn đang thử thách với dòng sản phẩm mới mẻ này.

Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), ông Phạm Văn Bắc cho biết, hiện hệ thống cơ sở các văn bản pháp lý nhằm khuyến khích sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung cơ bản đã được xây dựng đầy đủ. Hệ thống các tiêu chuẩn về sản phẩm, hướng dẫn thi công, định mức cơ bản đã được xây dựng, bổ sung, soát xét. Bởi vậy, tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình đang từng bước nhích dần lên.

Nhiều công trình lớn đã sử dụng từ 80 - 100% vật liệu xây không nung như dự án nhà ở xã hội Ecohome, dự án nhà ở thương mại tại ngõ 102 Trường Trinh (Hà Nội). Thế nhưng, đối với các công trình xây dựng nhỏ, riêng lẻ, Chương trình 567 chưa thực sự được hưởng ứng, do hiệu quả kinh tế chưa cao, nhận thức của chủ đầu tư về loại vật liệu này chưa đầy đủ.

Giai đoạn mới triển khai, các doanh nghiệp theo đuổi hướng sản xuất mới này gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn kiên định đến cùng và đồng hành với chương trình. Đặc biệt, một số doanh nghiệp tư nhân rất tích cực trong việc chủ động tìm hiểu công nghệ, đầu tư sản xuất, cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm chất lượng và từng bước đa dạng hóa các sản phẩm…

Thương hiệu gạch Khang Minh nổi lên như một ví dụ điển hình. Công ty cổ phần Gạch Khang Minh đã đầu tư 6 dây chuyền gạch xi măng cốt liệu (gạch bê tông) với tổng công suất 270 triệu viên QTC/năm. Mới đây, công ty này tiếp tục đầu tư mới nhà máy thứ 2 với công suất tương tự, cũng trên địa bàn Hà Nam. Hay như, Công ty Gạch khối Tân Kỷ Nguyên cũng đã đầu tư dây chuyền 2 sản xuất gạch bê tông khí chưng áp…

Tính chung toàn quốc, hiện tổng công suất thiết kế của 3 loại sản phẩm gạch không nung chính, gồm gạch block xi măng cốt liệu (gạch bê tông), gạch bê tông khí chưng áp, gạch bê tông bọt đạt khoảng 7 tỷ viên quy chuẩn (QTC)/năm; sản xuất đạt 5,8 tỷ viên QTC/năm, chiếm khoảng 25% so với tổng sản lượng vật liệu; tiêu thụ tổng các loại trên 5,5 tỷ viên QTC/năm…

Với sản lượng này, ước tính, hàng năm tiết kiệm được 8,5 triệu m3 đất sét (tương đương 412 ha đất khai thác ở độ sâu 2m), 825 nghìn tấn than và giảm thải ra môi trường 3,1 triệu tấn CO2.

Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Phạm Văn Bắc, tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung tại các công trình xây dựng thực tế vẫn chưa đạt mục tiêu kỳ vọng của chương trình. Một trong những nguyên nhân dễ nhận thấy là nhiều chính sách đưa ra chưa cụ thể nên khi áp dụng vào thực tế, địa phương không thực hiện được. Ví dụ, cơ chế ưu đãi chỉ áp dụng với các dự án đầu tư mới còn các dự án đầu tư mở rộng thì không được hưởng thụ - ông Bắc dẫn chứng.

Cùng đó, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến chương trình, hoặc chưa có giải pháp hữu hiệu nhằm tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung.

Như tỉnh Bình Thuận là địa phương có sẵn nguồn nguyên liệu để sản xuất vật liệu xây không nung và đã có nhà đầu tư. Thế nhưng, địa phương này vẫn xin lùi thời gian thực hiện Thông tư 09/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng.

Bên cạnh đó, nhận thức của nhà đầu tư, nhà tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng về vật liệu xây không nung còn chưa đầy đủ, thậm chí không nắm được các quy định của nhà nước. Điển hình, công trình trụ sở văn phòng làm việc không thường xuyên của các cơ quan Quốc hội tại Đà Nẵng, Trụ sở Cục Thuế TP Đà Nẵng… được xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước nhưng đã không thiết kế sử dụng vật liệu xây không nung theo quy định.

Ông Nguyễn Đức Lợi (Sở Xây dựng Đà Nẵng) cho rằng, việc phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn Đà Nẵng còn hạn chế là do chưa chú ý quan tâm đến việc truyên truyền hiệu quả của loại sản phẩm này; cũng như ý nghĩa của việc cần thiết phải sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây không nung trong xã hội. Điều này dẫn đến tình trạng các cơ sở sản xuất thì đơn độc, người sử dụng mang tính tùy thích theo sự hiểu biết chủ quan. Các doanh nghiệp cũng khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư, ưu đãi về chuyển giao công nghệ.

Với TP Hồ Chí Minh - một địa bàn thực hiện khá tốt Chương trình 567 - ông Nguyễn Minh Thái (Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh) cho biết, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Tính lũy kế, từ năm 2013 đến năm 2016, TP Hồ Chí Minh có 806 dự án, công trình thuộc đối tượng bắt buộc sử dụng vật liệu xây không nung; trong đó 163 dự án đã sử dụng vật liệu này. Với nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, số lượng doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây không nung tại thành phố ban đầu chỉ có 4 cơ sở thì nay đã tăng lên đến 19 cơ sở.

Mặc dù vậy, ông Thái cũng chia sẻ, TP Hồ Chí Minh cũng chưa có giải pháp hiệu quả trong việc kiểm soát chặt chẽ về giá của các sản phẩm và chất lượng của các loại phụ kiện đi kèm khi thi công, để bảo vệ lợi ích và nâng cao lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm này. Số lượng các cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung vẫn còn ít, nên dễ dẫn đến tình trạng độc quyền của nhà sản xuất, có thể gây khó khăn cho các chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng công trình trong quá trình áp dụng.

Để vật liệu xây không nung phát huy hiệu quả trong cuộc sống, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu sửa đổi Thông tư 09/2012/TT-BXD theo hướng nâng tỷ lệ sử dụng gạch nhẹ trong các công trình cao tầng; quy định cụ thể chế độ nhà đầu tư, đơn vị thi công phải báo cáo Sở Xây dựng địa phương về tình hình sử dụng vật liệu xây không nung hàng quý, năm và kết thúc công trình.

Đồng thời, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 121/2014/NĐ-CP với quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng với các mức phạt cao hơn để việc tuân thủ sử dụng tỷ lệ vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng đi vào nề nếp.

Theo Thu Hằng/TTXVN

Cùng chuyên mục
  • Viện vật liệu xây dựng: Nghiên cứu đầu ngành về vật liệu

    (Xây dựng) - Với kết quả đạt được trong năm 2024, Viện Vật liệu xây dựng khẳng định vai trò là một trong những đơn vị khoa học đầu ngành về nghiên cứu vật liệu xây dựng, là đơn vị uy tín được các doanh nghiệp đặt niềm tin vào kết quả nghiên cứu.

  • Lối nào cho thị trường xi măng?

    (Xây dựng) – Năm 2024 tiếp tục là năm khó khăn với ngành Xi măng, các doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ chật vật, thị trường xi măng cung vượt cầu và cạnh tranh khốc liệt. Nhưng phải ghi nhận nỗ lực toàn ngành, trong khó khăn, các doanh nghiệp không lùi bước, càng đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tiết giảm chi phí. “Ánh sáng cuối con đường” của năm 2024 đã gieo niềm tin, hy vọng năm 2025 tươi sáng hơn.

  • Phát triển bền vững ngành Vật liệu xây dựng

    (Xây dựng) - Để đảm bảo phát triển bền vững, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành Vật liệu xây dựng (VLXD), trong năm 2024, Vụ Vật liệu xây dựng đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD.

  • VINCEM: Nỗ lực vượt khó đổi mới sáng tạo

    (Xây dựng) - “Trong bối cảnh cả nước đang bứt phá, phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; Với truyền thống 125 năm Ngày ra đời ngành Xi măng Việt Nam, 95 năm Ngày truyền thống và 45 năm thành lập VICEM, Tổng công ty kêu gọi toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động tại công ty mẹ - VICEM và các đơn vị thành viên tiếp tục nỗ lực, cố gắng, năng động sáng tạo, nêu cao tinh thần đoàn kết, kỷ cương, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2025”, Tổng Giám đốc Lê Nam Khánh nhấn mạnh.

  • Sông Đà Cao Cường - Tiên phong sản xuất vật liệu xanh

    (Xây dựng) - Gần 18 năm xây dựng và phát triển, Sông Đà Cao Cường (SCL) trở thành thương hiệu uy tín trong nhiều lĩnh vực... góp phần quan trọng vào giải quyết bài toán môi trường cho các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất, đồng thời tạo ra nguồn nguyên liệu chất lượng cao phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản.

  • Kỳ Anh (Hà Tĩnh): Kịp thời xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn

    (Xây dựng) - Năm 2024, UBND huyện Kỳ Anh chỉ đạo các phòng, ban và UBND các xã xử lý kịp thời các kiến nghị trong công tác khai khoáng sản trên địa bàn, nhằm đảm bảo an ninh trật tư an toàn xã hội.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load