(Xây dựng) – Đây là chủ đề Hội thảo do Công ty Cổ phần Công nghệ và tư vấn CIC phối hợp với Công ty Carbon Re và Công ty STX Group phối hợp tổ chức ngày 19/5, dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Đại sứ quán Vương quốc Anh và Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam.
Vụ trưởng Vụ KHCN&MT Vũ Ngọc Anh phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng; Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam; Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam; các chuyên gia trong nước và quốc tế, cùng đại diện các hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, vật liệu xây dựng, tư vấn, thiết kế…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) Vũ Ngọc Anh cho biết: Hai nhóm đối tượng phát sinh khí nhà kính lớn nhất trong ngành Xây dựng là sản xuất vật liệu xây dựng (phát thải trực tiếp và gián tiếp) và vận hành tòa nhà (chủ yếu là phát thải gián tiếp).
Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã thực hiện kiểm kê khí nhà kính cho nhóm ngành vật liệu xây dựng ưu tiên. Trong đó, phát thải khí nhà kính của sản xuất vật liệu xây dựng năm 2015 là 63 triệu tấn CO2 tương đương và vào năm 2020 đã tăng lên 87 triệu tấn CO2 tương đương.
Sử dụng số liệu năm 2016 theo hệ thống kiểm kê quốc gia, dự báo phát thải khí nhà kính từ ngành sản xuất vật liệu xây dựng đến năm 2030 là 125 triệu tấn CO2 tương đương và lên đến 148 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2050, gấp 2,3 lần so với năm 2015.
Trong đó, sản xuất xi măng là ngành có tỷ trọng phát thải khí nhà kính lớn nhất, chiếm 70% tổng phát thải trong sản xuất vật liệu xây dựng năm 2015. Tỷ trọng này tăng lên 75% năm 2020. Hệ số phát thải của từng nhóm ngành sản phẩm cũng cho thấy cường độ phát thải và phát thải công nghiệp của nhóm vôi và xi măng là cao nhất.
Ngành công nghiệp thép cũng là ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn, tiêu thụ năng lượng của ngành thép ngày càng tăng, chiếm xấp xỉ 5,2% tổng tiêu thụ năng lượng của ngành công nghiệp với tổng phát thải khí nhà kính là 12,7 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2016 (theo nguồn của Bộ TN&MT, 2020).
Hiện nay, ở Việt Nam có 50 cơ sở sản xuất xi măng và 91 cơ sở sản xuất thép đã được ghi nhận phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 01/2022/NĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và danh sách các doanh nghiệp sẽ được cập nhật 2 năm một lần.
Trong đó, Chính phủ Việt Nam xác định, ngành Thép và ngành Xi măng là các ngành ưu tiên tham gia hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS). Đây là 02 ngành quan trọng cần thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Vụ trưởng Vụ KHCN&MT Vũ Ngọc Anh nhấn mạnh: Hội thảo có ý nghĩa lớn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất xi măng và thép nhằm triển khai thực hiện các quy định pháp luật về giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị cùng các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Phát biểu tại Hội thảo, Tham tán Đại sứ về Biến đổi khí hậu, Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam Mark George nhấn mạnh: Quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong những năm qua và đang ngày càng được quan tâm phát triển trong thời gian tới.
Ông Mark George đánh giá cao việc thực hiện các cam kết quốc tế của Chính phủ Việt Nam, trong đó có những nỗ lực trong giảm phát thải khí nhà kính nói chung, trong ngành công nghiệp xi măng và thép tại Việt Nam nói riêng.
Đồng thời, ông Mark George cho biết: Việc Việt Nam có kế hoạch điều tiết thị trường carbon trong nước vào năm 2025 và cho rằng đây là một bước quan trọng vì nó sẽ giúp các doanh nghiệp giảm phát thải carbon một cách hiệu quả và tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế.
Điều này cũng sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU và Hoa Kỳ bằng cách giúp các sản phẩm của Việt Nam tránh được thuế nhập khẩu dựa trên khí thải. Nằm trong top đầu các quốc gia xuất khẩu xi măng và sắt thép, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc xanh hóa sản xuất trong những ngành đặc thù này (Hàng năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,5 tỷ USD sắt thép, 15 triệu USD xi măng sang EU).
Toàn cảnh Hội thảo. |
Phó Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Christoph Prommersberger cho rằng: Xanh hóa sản xuất công nghiệp là một trong những nỗ lực quan trọng để đạt được cam kết bằng 0 tổng thể này.
Theo ông Christoph Prommersberger, lĩnh vực xây dựng chiếm khoảng 40% lượng khí thải CO2 toàn cầu từ quá trình đốt cháy nhiên liệu và 25% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Trong đó, sản xuất xi măng là một trong những ngành công nghiệp phát thải cao nhất, chiếm 7% lượng khí thải CO2 toàn cầu. Đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 sẽ yêu cầu quá trình khử cacbon nhanh chóng của ngành công nghiệp vật liệu xây dựng…
Phó Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam cũng cho biết, tham gia vào giao dịch carbon là một công cụ quan trọng để huy động vốn và từ đó đạt được các mục tiêu giảm nhẹ.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm cho đến khi thực hiện đầy đủ các cách tiếp cận dựa trên thị trường quốc tế cho phép các nước tham gia.
Hội thảo cũng đã nghe các chuyên gia, diễn giả trình bày nhiều tham luận liên quan giải pháp công nghệ giảm phát thải khí nhà kính trong ngành công nghiệp xi măng và thép tại Việt Nam, với các nội dung: Giải pháp và kế hoạch hành động của ngành Xây dựng thực hiện mục tiêu cam kết trong COP26; tổng quan ngành Xi măng Việt Nam hướng đến giảm phát thải carbon tại Việt Nam; giới thiệu các giải pháp từ Carbon RE và Delta Zero, Trí tuệ nhân tạo (AI) và tối ưu hóa sản xuất xi măng (Anh Quốc); Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon - Strive by STX (Hà Lan), nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí và tăng cường năng lực trong sản xuất xi măng, thép…
Các tham luận có chung mục tiêu hướng đến phát triển lĩnh vực xây dựng xanh và hiệu quả hơn.
Linh Đan
Theo