Thứ ba 31/12/2024 03:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Giá thép liên tiếp giảm mạnh, doanh nghiệp chưa hết khó

15:34 | 27/07/2022

​Theo VSA, ngành thép đang ở tâm điểm của nền kinh tế toàn cầu và do đó, thông thường, xu hướng giảm giá thép và nguyên liệu trong những tháng gần đây sẽ được người tiêu dùng hoan nghênh.

gia thep lien tiep giam manh doanh nghiep chua het kho
Sản xuất thép cuộn xuất khẩu tại Công ty TNHH Thép JFE Shoji Hải Phòng, vốn đầu tư Nhật Bản, tại Khu công nghiệp đô thị VSIP Hải Phòng. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá thép liên tục giảm mạnh; chỉ trong 2 tháng, đã có 10 lần điều chỉnh giá. Điều này dù được thị trường hoan nghênh, song nhiều doanh nghiệp chưa hết khó trong sản xuất kinh doanh.

Liên tiếp giảm mạnh

Theo VSA, ngành thép đang ở tâm điểm của nền kinh tế toàn cầu và do đó, thông thường, xu hướng giảm giá thép và nguyên liệu trong những tháng gần đây sẽ được người tiêu dùng hoan nghênh. Tuy nhiên, thực tế sự sụt giảm nhu cầu thép đó là kết quả xu hướng lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.

Nhu cầu giá thép giảm đã tác động trực tiếp đến giá nguyên liệu đầu vào. Quặng sắt giá 161 USD/tấn vào tháng 4 nhưng đã giảm xuống còn 115 USD/tấn vào tháng 5; than cốc cũng đã giảm từ 518 USD/tấn xuống còn 302 USD/tấn.

Các mặt hàng kim loại khác giảm mạnh cũng là báo động sâu sắc cho việc kinh doanh thua lỗ. Đồng đã giảm gần 20% giá trị trong 3 tháng qua. Trước đó, không có sự sụt giảm hàng quý nhanh chóng như vậy kể từ năm 2011. Các thống kê cũng cho thấy kẽm và nhôm đều mất khoảng 1/3 giá trị kể từ tháng 4/2022.

Ngoài ra, sự giảm tốc ở thị trường Trung Quốc do chính sách Zero COVID đã khiến tăng trưởng nhu cầu thép toàn cầu thấp hơn dự báo. Trong năm 2022, triển vọng không chắc chắn và kỳ vọng về sự phục hồi sau đại dịch đã bị lung lay bởi cuộc chiến ở Ukraine và lạm phát gia tăng.

Về giá thép, trên thị trường hiện nay, giá than mỡ luyện cốc giao dịch ở khoảng 320 USD/tấn, giảm mạnh so với mức 520 USD/tấn hồi tháng 4/2022; giá quặng sắt giữa tháng 7 chỉ còn khoảng 113 USD/tấn, giảm khoảng 33,75 USD/tấn so với đầu tháng 6/2022, mức giá này đã giảm khoảng 100 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2022.

Các loại thép phế nội địa cũng đã giảm mạnh từ 1.000-1.400 đồng/kg, giữ mức 8.500-9.400 đồng/kg. Giá thép phế nhập khẩu giảm 130 USD/tấn, giữ mức 370 USD/tấn vào thời điểm cuối tháng 6.

Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trong tháng 6, giá nguyên vật liệu sản xuất thép biến động lớn, giá các loại quặng sắt, thép phế, than cốc hồi cuối quý 2/2022 đã giảm 40-50% so với hồi cuối quý 1/2022.

Các doanh nghiệp sản xuất thép đều bị ảnh hưởng rất lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, hiệu quả thấp.

Theo VSA, giá nguyên vật liệu giảm liên tục từ cuối tháng 4 đến nay khiến thị trường chững lại, các nhà phân phối tìm cách giảm tồn kho, chỉ mua loại và lượng hàng cần thiết đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng. Trong khi đó, các nhà máy tìm thêm thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu như Campuchia, Hong Kong (Trung Quốc), Canada, Hoa Kỳ... Đa phần các nhà máy đều ở trong tình trạng khó khăn do hàng tồn kho giá cao. Mức độ cạnh tranh giữa các nhà máy ngày càng khốc liệt về giá bán và xâm lấn thị phần của nhau.

Ở trong nước, qua tìm hiểu cho thấy, giá bán thép xây dựng trong nước điều chỉnh giảm trung bình từ 900-1.000 đồng/kg, hiện ở mức bình quân từ 17.000-17.200 đồng/kg tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp.

Tính chung đến nay, giá thép xây dựng đã điều chỉnh giảm từ 9-10 lần trong 2 tháng 5-6/2022 vừa qua, với tổng mức giảm từ 2,2 - 2,35 triệu đồng/tấn thép.

Anh Ngô Khánh, đại diện cửa hàng kinh doanh sắt thép tại Hà Nội cho hay, liên tục trong 2 tháng qua, giá thép giảm. Điều này khiến cho cửa hàng không dám nhập nhiều hàng, chỉ nhập vào vừa đủ nhu cầu của khách. Chỉ hơn 2 tháng trước, giá thép lên đỉnh từ 21-22 triệu/tấn, nhưng nay giá bán tại cửa hàng chỉ còn khoảng từ 18-18,5 triệu đồng/tấn.

"Nếu ôm nhiều trong kho mà không đẩy kịp sẽ rất dễ thua lỗ, bởi hiện đã bắt đầu vào mùa mưa, việc xây dựng các công trình cũng hạn chế hơn."

Với áp lực giá nguyên liệu giảm, mới đây, ngày 25/7, nhiều doanh nghiệp cũng đã thông báo hạ giá sản phẩm với mức giảm lên đến hơn 300.000 đồng/tấn, so với lần giảm giá thứ 9 vào ngày 17/7.

gia thep lien tiep giam manh doanh nghiep chua het kho
Ảnh minh họa (Nguồn:TTXVN)

Cụ thể, Hòa Phát điều chỉnh giảm 300.000 đồng/tấn và 110.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại này còn 15,69 triệu đồng/tấn và 16,39 triệu đồng/tấn.

Thép Việt Đức, hai loại thép trên giảm lần lượt 310.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn còn 15,55 triệu đồng/tấn và 16,16 triệu đồng/tấn... Các loại thép tại miền Trung và miền Nam cũng đều giảm về mức từ 15,8-16,5 triệu đồng/tấn tùy loại.

Các chuyên gia ngành thép cho rằng do nhu cầu đầu tư xây dựng của thị trường trong nước giảm và giá nguyên liệu sản xuất lao dốc khiến cho giá mặt hàng thép liên tục điều chỉnh giảm thời gian qua.

Liệu có tăng trưởng cuối năm?

Theo báo cáo mới đây của Tập đoàn Hòa Phát, lũy kế 6 tháng đầu năm, tập đoàn này đã đạt 82.118 tỷ đồng doanh thu và 12.229 tỷ lợi nhuận sau thuế, tương ứng giảm 27% so với cùng kỳ năm trước, qua đó hoàn thành 46% kế hoạch năm.

Nhận định cho thấy mặc dù thị trường nguyên liệu trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp do cuộc xung đột Nga-Ukraine nhưng Tập đoàn Hòa Phát vẫn duy trì sản xuất ổn định, đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Sản lượng tiêu thụ phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng quý 2/2022 đạt 1,8 triệu tấn; trong đó, có gần 380.000 tấn thép xây dựng xuất khẩu.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 4,3 triệu tấn thép thô, tăng 8% so với cùng kỳ. Tiêu thụ thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt gần 4 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ; trong đó, thép xây dựng là 2,38 triệu tấn, tăng 29% so với 6 tháng đầu năm 2021.

Tuy vậy, nhận định về diễn biến thị trường thép, Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng thị trường thép nửa cuối năm sẽ còn khó khăn hơn khi dự báo giá thép xây dựng trong nước sẽ tiếp tục giảm, trong khi lợi nhuận mảng xuất khẩu thép không còn tốt như trước. Bên cạnh đó, như thường lệ, tiêu thụ thép trong giai đoạn từ tháng từ 7-9 sẽ không sôi động do yếu tố thời tiết bước vào mùa mưa, nhiều công trình xây dựng ảnh hưởng tiến độ.

Đại diện VSA dự báo tình hình tiêu thụ thép trong những tháng tới có thể chịu nhiều tác động xấu do nhu cầu sụt giảm, cùng với thời tiết vào mùa mưa.

Theo chia sẻ từ doanh nghiệp ngành thép, lượng tiêu thụ giảm khiến cho doanh nghiệp phải giảm công suất sản xuất, trong khi giá thép hàng tồn kho từ trước ở mức cao từ nhiều tháng nay, ảnh hưởng lớn đến giá vốn, kinh doanh. Điều này khiến doanh thu sụt giảm.

Ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép, cho rằng việc giá nguyên liệu đầu vào ngành thép sụt giảm mạnh như vừa qua là rất hiếm khi xảy ra. Doanh nghiệp tồn kho lớn sẽ phải chịu cảnh "đầu vào cao, đầu ra thấp." Do vậy, lợi nhuận ròng của doanh nghiệp chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Nếu giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục giảm sâu, doanh nghiệp khó tránh được thua lỗ.

Nhận định về cuối năm, các chuyên gia cho hay sẽ còn nhiều khó khăn đối với ngành thép, Tuy vậy, với các chính sách đẩy mạnh thực hiện đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng và kỳ vọng việc xây dựng công trình nhà ở, bất động sản tăng trưởng trở lại về cuối năm, lượng tiêu thụ các sản phẩm thép vẫn có thể tăng trưởng quanh mức 7-10%.../.

Theo Đức Dũng (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load