Chủ nhật 28/04/2024 15:51 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Festival Phở 2024: Tôn vinh nghề Phở, hướng tới di sản văn hóa phi vật thể

10:07 | 09/03/2024

(Xây dựng) – Trong 3 ngày (từ 15 – 17/3), tại thành phố Nam Định sẽ chính thức diễn ra Festival Phở 2024 với chủ đề “Tôn vinh nghề Phở, hướng tới di sản văn hoá phi vật thể”.

Festival Phở 2024: Tôn vinh nghề Phở, hướng tới di sản văn hóa phi vật thể
Festival Phở 2024 diễn ra từ 15 - 17/3 tại thành phố Nam Định.

Festival Phở 2024 diễn ra từ 15 - 17/3 tại Quảng trường Khách sạn Nam Cường, thành phố Nam Định, do UBND tỉnh Nam Định và một số đơn vị phối hợp tổ chức. Festival hướng tới mục tiêu tôn vinh nghề phở truyền thống; đồng thời là cơ hội giúp du khách tham quan và người dân được tìm hiểu, thưởng thức hương vị phở gắn liền với văn hóa vùng miền của khắp mọi nơi trên cả nước. Sự kiện cũng nhằm góp phần lan tỏa mạnh mẽ để phở Việt hội nhập mạnh mẽ hơn, giá trị ẩm thực Việt Nam vươn xa hơn nữa trên bản đồ tinh hoa ẩm thực thế giới.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức sự kiện cũng mong muốn, chuỗi hoạt động tại Festival sẽ nâng tầm ẩm thực Việt, đưa Phở trở thành một thương hiệu quốc gia, gắn liền với phát triển du lịch trong và ngoài nước. Đặc biệt, Festival là hoạt động quan trọng nhằm hưởng ứng việc tiến tới lập hồ sơ tôn vinh nghề Phở trở thành di sản văn hóa phi vật thể thế giới.

Theo bà Lê Thị Thiết - Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định, chương trình trọng tâm tại Festival mang tên "Đi tìm hương vị Phở Việt", sẽ quy tụ hơn 50 gian hàng của các doanh nghiệp, thương hiệu tham gia trình diễn, quảng bá hình ảnh và thương hiệu.

Các gian hàng được bố trí tại các khu vực riêng, tạo điểm nhấn, có sự liên kết về ý tưởng, nội dung; trong đó phân chia thành 3 khu vực, bao gồm: Gian hàng phở, gian hàng nguyên liệu và gia vị; gian hàng tiêu chuẩn. Thời gian hoạt động các gian hàng từ 9 - 22h hàng ngày để phục vụ khách tham quan.

Ngoài việc trực tiếp giới thiệu hương vị phở Việt Nam, Festival Phở còn tổ chức nhiều hoạt động như: Các cuộc thi viết và chụp ảnh về Phở Việt; cuộc thi Hương vị phở Việt và sợi phở Việt; hoạt động xác lập kỷ lục nồi phở khổng lồ; chuỗi tọa đàm về sự phát triển của nghề phở từ quá khứ tới tương lai; trưng bày không gian văn hoá liên quan đến phở… Ngoài ra, du khách cũng được tham gia tìm hiểu, trải nghiệm các thắng cảnh tại thành phố Nam Định.

Đặc biệt, chương trình còn có hoạt động trải nghiệm những công đoạn làm nên món Phở dành cho các đại sứ, khách mời và du khách… Đây là cơ hội tốt để Việt Nam giới thiệu đến thế giới những giá trị văn hóa, ẩm thực đặc sắc; góp phần quảng bá những hình ảnh, tiềm năng kinh tế, du lịch của Việt Nam nói chung thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất ở lĩnh vực lương thực - thực phẩm.

Được biết, tỉnh Nam Định đang phối hợp với nhiều địa phương xây dựng hồ sơ đề nghị nghề phở là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới đưa nghề phở của Việt Nam trở thành Di sản văn hóa thế giới…

Vân Cù – Cái nôi của nghề Phở

Vào những năm đầu thế kỷ XX, khi người Pháp xây dựng nhà máy dệt (Nam Định) và cầu sắt Long Biên (Hà Nội) và Phở được hình thành từ đó. Lúc này, khi mùa vụ đã xong, các trai tráng trong làng đã rủ nhau ra những thành phố lớn để bán hàng rong với gánh hàng bánh đa cua, bún xáo... Và Nam Định là vùng trung tâm tập trung đông người - nơi có nhà máy dệt, bến cảng, bến tàu thủy, ga xe lửa nên những người dân quê trong vùng đã lựa chọn bán hàng và trong đó có người dân ở làng Vân Cù.

Ở giai đoạn này, những người lính Pháp và công nhân nhà máy dệt có điều kiện kinh tế nên họ hay ăn quà sáng tại các gánh hàng bán bánh đa cua, bún xáo... Và để đáp ứng nhu cầu của thực khách, những người bán hàng đã cải tiến cách chế biến hàng ăn và Phở đã ra đời. Dần dần, nghề Phở đã lan tỏa sang các thành phố lớn khác như: Hải Phòng, Hà Nội cho dù thời điểm đó việc giết mổ gia súc (trâu, bò) gặp nhiều khó khăn.

Festival Phở 2024: Tôn vinh nghề Phở, hướng tới di sản văn hóa phi vật thể
Hiện nay, người làng Vân Cù đã tạo lập được 105 quán Phở và 20 cơ sở sản xuất bánh Phở.

Khi đề cập đến những người bán Phở đầu tiên ở làng Vân Cù, có thể kể đến các cá nhân tiêu biểu như: Cụ Phó Huyến, cụ Phó Tắc, cụ Lý Thử… đã đi bán Phở từ những năm 1900. Và nối tiếp truyền thống, thế hệ người dân thứ hai ở làng Vân Cù đã tiếp nối nghề Phở gánh và tráng bánh đa, bánh Phở, điển hình là các cá nhân như: Cụ Cồ Bá Khâm, cụ Cồ Như Thấn, cụ Cồ Hữu Tặng, cụ Cồ Hữu Vặng, Cụ Cồ Như Hỷ… Đến giai đoạn 1920 - 1930, ở làng Vân Cù đã xuất hiện hai cá nhân nổi danh về nghề Phở (làm và bán Phở) ở Hà Nội, đó là cụ Cồ Như Thấn và cụ Cồ Hữu Vặng.

Đối với cụ Cồ Như Thấn có 05 người con (thuộc thế hệ thứ 3) đều theo nghề bán Phở, tiêu biểu là ông Cồ Như Chiêu (ở số 48 Hàng Đồng và con gái bán Phở ở số 49 Bát Đàn) và ông Cồ Việt Hùng (90 tuổi) là người thợ nấu Phở chuyên nghiệp - Ông được Công ty Ăn uống Hà Nội đề phong danh hiệu “Thợ bậc 7/7”.

Đối với cụ Cồ Hữu Vặng: Vào những năm 1930, cụ đã mở các lò làm bánh Phở để anh em họ hàng và người dân trong làng Vân Cù lên ở nhờ để đi bán Phở gánh. Cụ Cồ Hữu Vặng đã sinh được 05 người con, điều đặc biệt là mỗi người con đều được cụ đặt tên theo những con phố mà cụ đã từng sinh sống (Cồ Thị Nội, Cồ Thị Khánh, Cồ Thị Hành, Cồ Thị Nón, Cồ Thị Hin). Bên cạnh đó, ở làng Vân Cù có một thế hệ là các cụ trên 100 tuổi đã từng bán Phở ở Hà Nội và Hải Phòng như: Cồ Văn Úc, Cồ Văn Ruẫn, Vũ Văn Miễn, Vũ Văn Tiêm, Vũ Văn Kình, Cồ Năng Sướng, Cổ Hữu Chữ.

Đến sau năm 1954, những người bán Phở tại Hà Nội - Thế hệ thứ 3 ở làng Vân Cù cũng đã trên dưới 100 tuổi gồm các cụ: Cồ Như Đát, Cồ Như Ưởng, Cồ Hữu Sứng, Phan Chiêm, Cồ Văn Bình, Vũ Văn Tuynh, Cồ Văn Tiềng, Cồ Khắc Đoàn, Cồ Văn Tộ, Cồ Hữu Chêm, Cồ Huy Kiên…

Và đến những năm 1980 trở lại đây, nghề Phở phát triển rất nhanh, đặc biệt là sau khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa (1986), người dân làng Vân Cù đã mang nghề Phở đi khắp trong và ngoài nước, song nghề Phở phát triển nhất vẫn là tại Thủ đô Hà Nội. Tại đây, người dân làng Vân Cù đã tạo lập ra nhiều lò bánh Phở và cửa hàng bán Phở ở khắp các quận/huyện, trong đó có nhiều cửa hàng Phở nổi tiếng như: Phở Cồ Cử, Phở Bát Đàn, Phở Hàng Đồng, Phở Ngọc Vượng.

Cơ sở sản xuất bánh Phở của ông Cồ Khắc Cải ở Ngõ Chợ, phố Khâm Thiên và còn nhiều cơ sở sản xuất bánh Phở của người dân làng Vân Cù phân bố ở các phố như: Lãn Ông, Lương Văn Can, Khâm Thiên, Tôn Đức Thắng, Phương Mai, Trung Tự, Đội Cấn… và ở các tỉnh/thành phố như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh...

Hiện nay, người làng Vân Cù đã tạo lập được 105 quán Phở và 20 cơ sở sản xuất bánh Phở và hằng ngày bán ra thị trường khoảng 30 tấn bánh Phở, đặc biệt là bán cho người dân và khách du lịch mỗi khi viếng thăm Thủ đô Hà Nội thưởng thức.

Tiến Hào

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load