Thứ năm 02/05/2024 20:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương

09:10 | 26/08/2023

(Xây dựng) – Tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), chiều 25/8, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo Luật, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trực tiếp giải trình, báo cáo một số nội dung.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh giải trình làm rõ một số nội dung được đề cập tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Chương trình phát triển nhà ở góp phần điều tiết thị trường bất động sản

Thứ trưởng cho biết, sau khi dự thảo luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần thứ nhất tại kỳ họp 5, cơ quan chủ trì soạn thảo - Bộ Xây dựng và cơ quan thẩm tra - Uỷ ban Pháp Luật của Quốc hội đã khẩn trương rà soát, tiếp thu, điều chỉnh hoàn thiện dự thảo luật.

Ủy ban Pháp Luật tích cực chủ trì tổ chức các hội thảo với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, dân chủ, để tiếp thụ các đóng góp cho dự thảo luật. Đến nay, các bên cơ bản thống nhất nhiều nội dung lớn.

Đối với một số nội dung chưa thống nhất, phải xin ý kiến tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội này, Bộ Xây dựng xin được báo cáo, làm rõ.

Thứ nhất, về Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Nội dung này kế thừa Luật Nhà ở 2014. Hiện nay các địa phương đều triển khai Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở.

Đây là một công cụ giúp cho công tác quản lý nhà nước, nhất là ở cấp Trung ương. Chương trình không phát sinh thủ tục với người dân. Dựa vào Chương trình, kế hoạch, các địa phương thực hiện triển khai các dự án nhà ở, gồm: Nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà công vụ, nhà tái định cư…

Thứ trưởng phân tích: Các dự án nhà ở có đặc thù là đòi hỏi nguồn lực lớn. Việc đầu tư phát triển dự án nhà ở gắn với hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, do vậy không chỉ cần huy động nguồn lực doanh nghiệp mà còn cần cả nguồn lực do nhà nước đầu tư.

Không có chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở có thể dẫn đến mất cân đối nguồn lực. Có thể có những dự án đầu tư nhà ở xong nhưng công trình không có đường vào, không có nước, không có trường học…

Hơn nữa, chương trình phát triển nhà ở còn góp phần điều tiết thị trường bất động sản. Do đó, Chính phủ cân nhắc đưa nội dung này vào dự thảo luật.

Trong hai phương án xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội ở nội dung này, Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất chọn phương án 1. Đồng thời cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp, bỏ nội dung lấy ý kiến Bộ Xây dựng về dự kiến Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, qua đó tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương quyết định và chịu trách nhiệm...

Thống nhất, động bộ chính sách với các luật liên quan

Thứ hai, về việc quy định thống nhất chính sách giữa Luật Nhà ở (sửa đổi) với các luật liên quan, gồm dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Thời gian qua, Uỷ ban Pháp luât đã chủ trì buổi làm việc giữa các chủ trì soạn thảo các luật nói trên, nhằm thống nhất các chính sách.

Đối với Luật Đất đai, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất ở 4 nhóm vấn đề liên quan đến 8 nội dung. Theo đó, những nội dung liên quan đến đất sẽ được điều tiết bởi Luật Đất đai. Nội dung liên quan đến chấp thuận đầu tư dự án cũng được làm rõ và thống nhất Luật Đầu tư…

Đối với quy định điều kiện đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ Xây dựng thống nhất với Ủy ban Pháp luật bỏ nội dung này trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Theo Thứ trưởng, công tác vận hành, quản lý nhà ở chung cư một trong những vấn đề đang được đặt ra trong thực tiễn. Sau khi Đoàn giám sát của Uỷ ban Pháp luật thực hiện giám sát công tác quản lý, vận hành chung cư thì càng thấy cần tăng cường cho công tác này. Tuy nhiên, việc điều tiết nội dung này sẽ nằm trong chính sách khác, không đề cập trong dự thảo Luật.

Đề xuất UBND cấp tỉnh bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội

Đối với vấn đề đất xây dựng nhà ở xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhận định: Đây là vấn đề lớn. Thời gian qua, Chính phủ yêu cầu tổng kết đánh giá về việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong nhóm chính sách đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Việc dành quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được quy định trong Luật Nhà ở hiện hành. Theo đó, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất trong dự án để phát triển nhà ở xã hội.

Song trên thực tế, vấn đề này bộc lộ nhiều bất cập. Nếu chỉ dành 20% quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội, vô hình chung hạn chế quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, dẫn đến tình trạng thiếu quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.

Trong khi đó, Luật Nhà ở hiện hành lại không quy định quỹ đất để phát triển các dự án nhà ở xã hội độc lập. Hơn nữa, quy định quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại phát triển nhà ở xã hội có những bất cập với Luật Quy hoạch xây dựng. Ở những những dự án nhà ở thương mại có diện tích đủ lớn thì việc bố trí quỹ đất 20% phát triển nhà ở xã hội mới đáp ứng được các chỉ tiêu quy hoạch. Nhưng với các dự án có diện tích nhỏ, nếu bố trí quỹ đất 20% phát triển nhà ở xã hội thì vướng quy hoạch, chỉ tiêu quy hoạch xây dựng không bảo đảm yêu cầu.

Trước thực tế trên, thời gian qua, Chính phủ cho phép hoán đổi linh hoạt quỹ đất 20% phát triển nhà ở xã hội thành tiền, ở nghị định dưới luật... Nhưng việc đan xen giữa các chính sách thương mại, nhà ở xã hội gây khó khăn trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư. Đây chính là một vấn đề vướng mắc trong thời gian qua.

Do vậy, trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất quy định cởi mở hơn, với 2 nhóm chính sách.

Một là nhóm chính sách nhà ở thương mại, không hưởng hỗ trợ của Nhà nước, có chính sách riêng, thực hiện đấu giá quyền sử đất và đấu thầu các dự án có sử dụng đất để đầu tư dự án nhà ở thương mại…

Hai là nhóm chính sách liên quan phát triển nhà ở có sự hỗ trợ của nhà nước , gồm nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, nhà tái định cư… Nhóm chính sách này thể hiện rõ trách nhiệm của nhà nước, dành quỹ đất để đầu tư phát triển các dự án có hỗ trợ của nhà nước.

Dự thảo Luật quy định UBND cấp tỉnh thẩm quyền bố trí, dành quỹ đất để phát triển dự án nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước. UBND cấp tỉnh có thể dành quỹ đất ở các dự án độc lập, hoặc quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại để bố trí nhà ở xã hội (nếu dự án thương mại đủ lớn, phù hợp với luật quy hoạch xây dựng).

Trong dự thảo luật, Chính phủ đề xuất 2 phương án. Trong đó, phương án 1, kế thừa quy định của Luật Nhà ở hiện hành, tiếp tục quy định trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại… Phương án 2 như đề cập ở trên, trách nhiệm bố trí quỹ đất nhà ở xã hội thuộc về UBND cấp tỉnh. Cơ quan soạn thảo luật đề xuất phương án 2, nhằm bảo đảm nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội và không vướng với các pháp luật khác.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết sẽ tiếp tục tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo để Chính phủ báo cáo, trình Quốc hội, góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới tốt hơn.

Phát triển nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp

Liên quan đến nội dung nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Đây là nhóm chính sách mới, nhằm cụ thể Nhị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị phải gắn với trách nhiệm bố trí nhà ở cho công nhân.

Dự thảo luật đề xuất 2 hình thức: Một là nhà ở xã hội bán hoặc cho công nhân thuê, thuê mua; Hai là nhà lưu trú công nhân.

Thứ trưởng chia sẻ: Trên thực tế, ở một số khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, chủ đầu tư hạ tầng hay các doanh nghiệp, nhà máy đã chủ động đầu tư nhà lưu trú công nhân ở những phần đất thương mại dịch vụ hoặc tại những khu đất chưa dùng đến, nhằm đáp ứng nhu cầu ở trước mắt của người lao động, chuyên gia làm việc cho chính các đơn vị, doanh nghiệp.

Nhà lưu trú do cơ quan doanh nghiệp có trách nhiệm phát triển, nhà nước không phải bỏ tiền đầu tư, không ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, quốc phòng… - Thứ trưởng phân tích.

Sau cùng, Thứ trưởng cho biết, sau phiên họp, cơ quan chủ trì soạn thảo, cùng với cơ quan thẩm tra sẽ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo tới để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội trong thời gian.

Quý Anh – Nhật Minh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load