Chủ nhật 03/11/2024 01:16 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022: Dẫn dắt lập pháp thông qua hoạt động giám sát

19:39 | 21/07/2021

(Xây dựng) – Sáng ngày 21/7, Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 và thảo luận của các đại biểu về nội dung chương trình giám sát.

du kien chuong tinh giam sat cua quoc hoi nam 2022 dan dat lap phap thong qua hoat dong giam sat
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.

Thực hiện giám sát 04 nội dung chuyên đề

Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; báo cáo về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020; báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; xem xét báo cáo giám sát chuyên đề; xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có).

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, xem xét các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; các báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội.

Quốc hội cũng sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; xem xét báo cáo giám sát chuyên đề; xem xét các báo cáo công tác năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước; xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có).

Về các nội dung giám sát chuyên đề, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổng hợp theo 10 nhóm lĩnh vực với 127 vấn đề thuộc trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đồng thời, căn cứ vào tiêu chí lựa chọn, nội dung đã thực hiện, năng lực thực hiện của các cơ quan, đã tiến hành lựa chọn các chuyên đề giám sát theo quy trình chặt chẽ. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 04 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 02 chuyên đề để giám sát tối cao, 02 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.

Trong đó, Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 (dự kiến giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì tham mưu về nội dung); Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành (dự kiến giao Ủy ban Kinh tế chủ trì tham mưu về nội dung); Chuyên đề 3: Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021 (dự kiến giao Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì tham mưu về nội dung); Chuyên đề 4: Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 (dự kiến giao Ủy ban Pháp luật chủ trì tham mưu về nội dung).

Yêu cầu lập pháp chủ động

Thảo luận về dự kiến chương trình của Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân – đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá rất sát những bài học rút ra từ quá trình thực hiện các đoàn giám sát vừa qua; đồng thời kiến nghị trước tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khi thực hiện các đoàn giám sát phải có những kịch bản cho việc giãn cách, bố trí nhân sự tham gia các đoàn giám sát, lãnh đạo các đoàn giám sát phải từ các địa phương, tức là danh sách phải là danh sách mở.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, thời gian vừa qua, các báo cáo của các đơn vị gửi về khi tham gia đoàn giám sát không đảm bảo về mặt chất lượng. Do đó, yêu cầu khâu "tiền giám sát" phải có đầy đủ số liệu báo cáo và gửi về sớm cho các thành viên đoàn giám sát để có thời gian nhờ thêm các cơ quan, các chuyên gia chuyên môn về lĩnh vực thẩm định, tư vấn thêm cho đoàn giám sát, đảm bảo có đầy đủ hơn cơ sở thực tiễn, khoa học giám sát hiệu quả; Sau khi giám sát xong, cần phải lưu ý và triển khai các báo cáo hậu giám sát; cần sớm xây dựng cơ chế, quy trình cho các đại biểu Quốc hội hoặc tổ đại biểu Quốc hội muốn thực hiện việc giám sát.

Còn theo đại biểu Nguyễn Phương Thủy – đoàn Thành phố Hà Nội nhận thấy việc đẩy mạnh và tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát là một yêu cầu cấp bách và nên là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong nhiều cuộc họp, chỉ đạo đã đề cao yêu cầu về lập pháp chủ động, Quốc hội phải giữ vai trò dẫn dắt hoạt động lập pháp, dẫn dắt hoạt động của các cơ quan hành pháp.

Theo đại biểu Nguyễn Phương Thủy, lập pháp chủ động không phải là làm thay công việc của các cơ quan soạn thảo, không làm thay việc của Chính phủ, bởi vì Hiến pháp đã nói rõ Chính phủ là cơ quan đề xuất chính sách; mà có thể dẫn dắt lập pháp thông qua hoạt động giám sát, bởi vì thông qua giám sát sẽ giúp cho chúng ta chỉ ra được những vấn đề còn bất cập, còn hạn chế trong việc thực hiện các chính sách pháp luật đã được Quốc hội ban hành; Thông qua giám sát cũng tạo ra những sức ép, những áp lực đối với các cơ quan thi hành pháp luật để các cơ quan đó phải có những giải pháp, những biện pháp để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện pháp luật; Cũng qua giám sát, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội nắm bắt được đầy đủ hơn những thông tin, những vấn đề mà thực tế đang đặt ra, hiểu rõ hơn các vấn đề và phục vụ tốt hơn cho công tác thẩm tra cũng như việc xem xét, quyết định các chính sách pháp luật.

Nội dung chuyên đề bám sát thực tiễn

Về nội dung các chuyên đề, Đại biểu Nguyễn Hải Dũng – đoàn Nam Định hy vọng, qua giám sát chuyên đề 1 về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, không chỉ chấn chỉnh và hoàn thiện khung pháp lý trong công tác này mà còn ghi vào tâm thức mỗi cá nhân về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí làm lợi cho chính mình, cho gia đình mình và cho cộng đồng và xã hội. Vì thế, tôi lựa chọn chuyên đề này. Trân trọng đề nghị Quốc hội đưa vào chương trình giám sát tối cao năm 2022.

Đối với chuyên đề 4 về “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 (dự kiến giao Ủy ban Pháp luật chủ trì tham mưu về nội dung)”, đại biểu Nguyễn Hải Dũng mong muốn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc đó cho địa phương bởi người dân chưa ủng hộ việc sắp xếp vì cho rằng số dân của xã mình đã đáp ứng tiêu chuẩn mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định; tỷ lệ cử tri ủng hộ việc sắp xếp không đạt 50% cho nên không sắp xếp được.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng cũng chỉ ra những khó khăn như: về tên gọi của đơn vị hành chính sau khi sắp xếp, về vị trí đặt trụ sở ủy ban xã, xử lý đất đai trụ sở dôi dư…

Đại biểu Hoàng Đức Thắng – đoàn Quảng Trị cho ý kiến về nội dung chuyên đề 3, việc thực hiện chính sách pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021, đề nghị bổ sung thêm nội dung giám sát việc giải quyết các vấn đề, vụ việc, vụ án bức xúc kéo dài, những vấn đề cử tri ở nhiều địa phương quan tâm được các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội kiến nghị qua nhiều kỳ họp Quốc hội mà chưa được giải quyết hoặc giải quyết không dứt điểm, thỏa đáng. Đồng thời, cần áp dụng và vận hành cơ chế hoạt động của Ủy ban lâm thời của Quốc hội được quy định tại Điều 88, 89 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 sửa đổi, bổ sung năm 2020 để lựa chọn một số vụ việc, vụ án tiêu biểu để đưa vào chương trình giám sát đặc biệt trong nhiệm kỳ của Quốc hội, để giúp cho công lý được bảo vệ, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân được bảo vệ như pháp luật đã quy định.

Đại biểu Tô Ái Vang – đoàn Sóc Trăng xuất phát từ tình hình thực tế ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, quan tâm đến vấn đề quy hoạch, nhất là quy hoạch và phát triển vùng làm sao bảo đảm kết nối vùng Đông nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh, chọn năm 2022 giám sát tối cao về chuyên đề 2, về thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành./.

Thanh Nga

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load