(Xây dựng) - Thị xã Bỉm Sơn với tầm nhìn quy hoạch là thành phố công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao đang trở thành cực tăng trưởng mới, thu hút hàng chục ngàn tỷ đồng vốn đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực về dược phẩm, chế tạo và công nghệ ô tô.
Tâm điểm của các nhà đầu tư chiến lược và dự án tầm cỡ
Giữ vai trò trung tâm của vùng động lực kinh tế phía Bắc, Bỉm Sơn đang thừa hưởng đà phát triển mạnh mẽ của tỉnh Thanh Hóa với các dự án quy mô lớn chọn làm “bến đỗ”, cùng nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước xem xét đầu tư. Theo đó định hướng thu hút đầu tư của Bỉm Sơn sẽ tập trung vào công nghiệp dược phẩm, chế tạo, lắp ráp, sản xuất ô tô…
Một trong những dự án tiềm năng nhất, được kỳ vọng sẽ triển khai tại Bỉm Sơn là khu “Công viên dược phẩm” quy mô khoảng 500ha. “Công viên dược phẩm” có khả năng thu hút 500 triệu USD vốn đầu tư ban đầu từ các “ông lớn” trong ngành dược của Ấn Độ. Trong các buổi xúc tiến thương mại do Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức, nhiều “đại gia” dược phẩm Ấn Độ đã bày tỏ sự quan tâm.
Buổi gặp giữa đại diện Việt Nam và Ấn Độ để bàn về ý tưởng thành lập “Công viên dược phẩm”. |
Trong khi đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có buổi làm việc với đại sứ Phạm Sanh Châu, các tham tán và cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nhận định việc kêu gọi, vận động dự án “Công viên dược phẩm” hoàn toàn phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bỉm Sơn với quỹ đất sử dụng cho nông nghiệp lên đến 2.000ha, phù hợp để phát triển vùng nguyên liệu đặc thù cho ngành “dược phẩm”, đi kèm với việc phát triển các nông trường diện tích lớn phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Với doanh thu xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 5 tỷ USD mỗi năm và tạo công ăn việc làm cho 50 nghìn lao động trực tiếp cùng 200 nghìn lao động gián tiếp, nếu đi vào triển khai, dự án sẽ mang lại cơ hội phát triển đặc biệt cho thị xã Bỉm Sơn trong lĩnh vực dược liệu - nông nghiệp công nghệ cao.
Khu trang trại trồng cây dược liệu và rau sạch tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn góp phần thúc đẩy phát triển khu công viên dược liệu của Việt Nam. |
Ở một hướng khác, Tập đoàn Hinduja - một trong những tập đoàn gia đình lớn nhất thế giới cũng đang nghiên cứu và cân nhắc xây dựng nhà máy lắp ráp ôtô tại Việt Nam. Các chuyên gia dự đoán, nếu chọn Việt Nam, Bỉm Sơn rất có thể trở thành “đại bản doanh” của nhà máy. Ashok Leyland thuộc Tập đoàn Hinduja sẽ đầu tư phát triển nhà máy xe thương mại tại thị trường Việt Nam.
Đây là cơ hội phát triển tiềm năng của tại thị trường Bỉm Sơn với trọng điểm ngành công nghiệp ô tô vận tải nặng truyền thống. |
Trước đó, một dự án lớn khác với tổng vốn đầu tư 1.484 tỷ đồng là Nhà máy sản xuất lốp ô tô Radial cũng được UBND tỉnh trao quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH lốp COPO Việt Nam. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020, hơn 12,5 tỷ USD vốn đầu tư đã được ký kết, riêng Bỉm Sơn chiếm hơn 30% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh.
Không chỉ hấp dẫn trong thu hút FDI, phát triển công nghiệp, dược liệu hay nông nghiệp công nghệ cao, Bỉm Sơn còn trở thành tâm điểm thu hút vốn đầu tư trong nhiều lĩnh vực khác. Ở lĩnh vực bất động sản, các dự án được quy hoạch bài bản giúp thay đổi diện mạo đô thị, đón đầu nhu cầu ở cao cấp của các chuyên gia trong và ngoài nước.
Đơn cử, dự án TNR Stars Bỉm Sơn của May - Diêm Sài Gòn được phát triển từ ý tưởng về một đô thị thịnh vượng bên dòng sông Tam Điệp. Với 88 tiện ích cảnh quan, dự án này vừa giành giải thưởng Dự án có kiến trúc cảnh quan đẹp nhất Việt Nam (Best Townership Master Plan Design) tại PropertyGuru Vietnam Property Award 2021.
Dự án TNR Stars Bỉm Sơn rộng 29,5ha bên dòng sông Tam Điệp. |
Vị trí chiến lược trong trục phát triển kinh tế Bắc - Bắc Trung Bộ
Giới chuyên gia đánh giá, những thành quả trong thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn FDI và DDI của Bỉm Sơn đến từ chính sách “trải thảm đỏ” của tỉnh và địa phương, đồng thời tận dụng tốt lợi thế từ 2 dự án cao tốc trọng điểm quốc gia. Đó là Cao tốc Bắc Nam - Đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 với nút giao cách Bỉm Sơn chưa đầy 3km, tổng mức đầu tư 12.343 tỷ đồng (dự kiến hoàn thành đoạn nút giao Bỉm Sơn vào đầu năm 2023) và tuyến cao tốc ven biển trọng điểm quốc gia kết nối Quảng Ninh - Nga Sơn - Bỉm Sơn - Nghi Sơn đến mũi Cà Mau đã được phê duyệt của chính phủ.
Không thụ động ngồi chờ dòng vốn chảy vào, Bỉm Sơn đã đầu tư hơn 1000 tỷ đồng để hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối trực tiếp với 2 tuyến cao tốc Mai Sơn - QL 45 và tuyến cao tốc ven biển nhằm tạo lực hút với các doanh nghiệp, phát triển kinh tế, khẳng định vị thế dẫn đầu của khu vực kinh tế Bắc Trung Bộ.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Quảng liên danh với Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú - Trung Kính triển khai khu đô thị 23ha đất để thực hiện dự án khu dân cư phố Chợ thuộc khu nội thị số 02 - Tây Quốc lộ 1A, thị xã Bỉm Sơn (giai đoạn I) tại xã Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn với tổng vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng.
Phối cảnh khu dân cư phố Chợ. |
Niềm tin của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào sự phát triển thần tốc của địa phương này càng mạnh mẽ khi lãnh đạo các cấp dành nhiều quan tâm và chỉ đạo quyết liệt cho Bỉm Sơn. Hàng loạt quy hoạch và hành động cụ thể được triển khai.
Giới chuyên gia nhận định, thị xã Bỉm Sơn đang dần trở thành đô thị công nghiệp hạt nhân của trung tâm động lực phía Bắc của tỉnh, là cửa ngõ kết nối với Thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc bộ đúng như mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra.
Nhi Linh
Theo