Ngày 17/8, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội khóa XIV.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tham dự tọa đàm.
Những năm qua, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, hoạt động của Quốc hội còn những hạn chế. Đối với hoạt động lập pháp, việc xây dựng và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa nghiêm, công tác phối hợp thẩm tra chưa thật chặt chẽ.
Việc giám sát ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn chủ yếu là đối chiếu văn bản và qua báo cáo, chưa đổi mới về cách thức, phương pháp; việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cử tri còn hạn chế; cách thức tổ chức giám sát chuyên đề còn nhiều bất cập... Việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội còn hình thức, hiệu quả chưa cao...
Các ý kiến tại tọa đàm khẳng định sự cần thiết ban hành Đề án để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, đoàn kết, sáng tạo và hành động vì lợi ích của Nhân dân, vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ dự thảo Đề án được xây dựng trên cơ sở bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội được quy định trong Hiến pháp 2013 và các luật liên quan; có kế thừa và phát huy có hiệu quả những thành tựu đã đạt được của các khóa Quốc hội trước đây, nhất là những kết quả đạt được sau khi triển khai Nghị quyết số 27/2012/QH13 về một số cải tiến, đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh dự thảo Đề án được xây dựng nhằm bảo đảm đổi mới từng bước vững chắc, chỉ trình Quốc hội xem xét, quyết định những nội dung đổi mới thiết thực, có tính khả thi cao và tập trung cải tiến cách thức thực hiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Dự thảo Đề án đề xuất, bên cạnh việc tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ thường xuyên tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật (sau khi kết thúc kỳ họp giữa năm); quy định cách thức cụ thể tiến hành biểu quyết theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với những vấn đề quan trọng, những vấn đề lớn của dự án, dự thảo còn ý kiến khác nhau tại kỳ họp đầu tiên cho ý kiến về dự án luật; nghiên cứu xây dựng Quy trình lựa chọn, đề xuất và quyết định các vấn đề cần biểu quyết của dự án luật tại kỳ họp cho ý kiến; xây dựng Quy trình lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về một số nội dung cơ bản của dự án luật.
Đối với hoạt động giám sát, dự thảo Đề án đề xuất, nghiên cứu tổ chức phiên giải trình đối với một số vấn đề nóng, không được đưa vào nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc mới nảy sinh, cần được thông tin kịp thời...
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng để bảo đảm đổi mới từng bước vững chắc thì chỉ nên trình Quốc hội xem xét, quyết định những nội dung đổi mới thiết thực, có tính khả thi. Các nội dung đổi mới trình Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thực hiện ngay, nên phải trong phạm vi quy định của Hiến pháp, các luật liên quan.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nếu chỉ giới hạn đổi mới trong công tác lập pháp với ba đề xuất được dự thảo Đề án đưa ra sẽ còn hẹp so với bởi từ khâu xây dựng chương trình luật, pháp lệnh hàng năm, đến thẩm tra, thảo luận về dự án luật còn nhiều vấn đề cần cải tiến.
Dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến Đề án này tại phiên họp tháng 9.
Theo QUỲNH HOA (TTXVN/VIETNAM+)