(Xây dựng) - Phương án lấy 5,2 triệu m3 đất dôi dư từ sân bay Long Thành để làm vật liệu thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang được Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV, chủ đầu tư dự án) và các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh Đồng Nai thống nhất và sau đó sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Nhà ga hành khách sân bay Long Thành đang giai đoạn thi công. (Ảnh: Nguyễn Đức) |
Sẽ giảm được 400 tỷ đồng so với mua đất thương mại
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã có báo cáo gửi UBND tỉnh này tham mưu về việc sử dụng nguồn vật liệu san lấp từ khu vực 187ha quy hoạch ga T3 Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 2) phục vụ thi công đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã tổ chức làm việc với các đơn vị liên quan như Cảng vụ hàng không miền Nam, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), các chủ đầu tư, các nhà thầu về vấn đề trên.
Về pháp lý, khu vực 187ha thuộc một phần của diện tích gần 1.799ha do Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai sử dụng, đã được UBND tỉnh Đồng Nai thu hồi và bồi thường, hỗ trợ. Do dự án giai đoạn 2 sân bay Long Thành chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên chưa có cơ sở giao đất cho Cảng vụ hàng không miền Nam và các chủ đầu tư. Hiện nay Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai đang quản lý phần đất này.
Vì vậy, các đơn vị liên quan đã thống nhất báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, quyết định cho phép khai thác vật liệu san lấp từ nhà ga T3 sân bay Long Thành phục vụ thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo thẩm quyền.
Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã phối hợp Sở Tài chính, Sở Tư pháp, đại diện Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), chủ đầu tư... rà soát và thống nhất đề xuất một số nội dung.
Đối với việc xác định thẩm quyền, sở cho hay các đơn vị tham gia dự họp thống nhất báo cáo UBND tỉnh để báo cáo Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định thẩm quyền cho phép khai thác đất tại nhà ga T3 để làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo điều 65 của Luật Khoáng sản.
Theo tính toán của các cơ quan chức năng liên quan, nếu lấy 5,2 triệu m3 đất từ sân bay Long Thành để đắp cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thì chi phí xây dựng sẽ giảm khoảng 400 tỷ đồng so với mua đất thương mại trong lúc đang rất khan hiếm. Đặc biệt, có đủ đất đắp, nhà thầu sẽ thi công đảm bảo tiến độ dự án để nối liền mạch với đoạn cao tốc qua địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu.
Chờ được phép khai thác đất ngoài mỏ quy hoạch
Tỉnh Đồng Nai hiện vẫn đang chờ Thủ tướng Chính phủ cho phép khai thác đất ngoài mỏ quy hoạch theo như đề xuất để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nguồn vật liệu cung cấp thi công các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn.
Trước đó, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã có Văn bản số 8236/UBND-KTN gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về vấn đề vật liệu xây dựng cung cấp cho các dự án trọng điểm.
Theo đó, Nội dung Văn bản số 8236/UBND-KTN nêu rõ: Qua khảo sát thì tổng nhu cầu về đất đắp phục vụ hai dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai là rất lớn (gần 6 triệu m3).
Tỉnh Đồng Nai đang rà soát việc sử dụng khối lượng vật liệu san lấp tại khu vực nhà ga T3 thuộc sân bay Long Thành để thi công dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. (Ảnh: Nguyễn Đức) |
Nhiều tháng qua, chủ đầu tư và các nhà thầu thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã khảo sát và đề xuất 3 vị trí bổ sung vào hồ sơ khảo sát vật liệu. Bao gồm khu vực xã Phước Bình (huyện Long Thành) có diện tích hơn 16ha; khu vực phường Phước Tân (thành phố Biên Hòa) có diện tích 9,3ha và khu vực phường Tam Phước (thành phố Biên Hòa) có diện tích 6ha.
Về nguồn gốc đất, cả 3 vị trí trên đã đề xuất cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân. Các vị trí này không phải là điểm mỏ, không có trong quy hoạch khoáng sản, không phù hợp quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án giao thông.
Vướng mắc hiện nay là về quy hoạch, bởi 3 vị trí đề xuất không phải là điểm mỏ, không có trong quy hoạch khoáng sản, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất. Nếu bổ sung 3 vị trí trên vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án sẽ không đảm bảo tính pháp lý do không phù hợp quy hoạch.
Trường hợp được chấp thuận bổ sung vào hồ sơ khảo sát vật liệu phục vụ thi công dự án thì diện tích đất sau khai thác phải bàn giao về địa phương quản lý, trong khi 3 khu vực trên đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình, cá nhân nên người dân sẽ không đồng thuận.
Từ đó tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho tỉnh khai thác, sử dụng nguồn đất đắp làm vật liệu san lấp không thuộc quy hoạch tại 3 khu vực nói trên. Mục đích cung cấp cho cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và điều phối cho đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.
Nếu được chấp thuận, nhà thầu thi công dự án có trách nhiệm tự thỏa thuận với người dân có đất để thực hiện thu hồi vật liệu san lấp; cam kết khối lượng vật liệu chỉ phục vụ thi công dự án trọng điểm quốc gia; nhà thầu có trách nhiệm nộp đủ các khoản thuế, phí với Nhà nước theo quy định. Sau khi hoàn tất khai thác vật liệu, người dân được tiếp tục sử dụng đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp; quy hoạch sử dụng đất tại các vị trí vẫn giữ nguyên theo quy hoạch hiện hành. UBND tỉnh Đồng Nai sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ quá trình san gạt hạ cốt (cote) nền, thu hồi vật liệu tại các vị trí trên.
Nguyễn Đức
Theo