Căn biệt thự nằm giữa ngôi làng cổ hơn 300 tuổi gây ấn tượng bởi phong cách kiến trúc Bắc bộ nhưng vẫn toát lên sự mới mẻ, độc đáo, mang đến không gian sống xanh, mát mẻ quanh năm.
Tọa lạc ở làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, công trình hai tầng có tên Nôm Villa, rộng 280m2 với kiến trúc nổi bật là nơi an dưỡng của cặp vợ chồng ngoài 70 tuổi.
Mỗi dịp cuối tuần, con cháu đang học tập và làm việc tại Hà Nội sẽ trở về sum họp nên gia chủ mong muốn có không gian sống mộc mạc, mang lại sự gần gũi, hài hòa với bối cảnh địa phương ở ngôi làng có tuổi đời hơn 300 năm.
Công trình gồm 2 tầng, có diện tích 280m2 được xây dựng trên mảnh đất rộng 480m2 ở làng Nôm - ngôi làng cổ có bề dày văn hóa, lịch sử. |
Căn biệt thự lung linh khi lên đèn. |
Từ đề bài trên, kiến trúc sư Nguyễn Thành Phương cùng các cộng sự đưa ra giải pháp thiết kế một không gian sống mang đậm nét kiến trúc Bắc bộ truyền thống, xóa nhòa ranh giới giữa con người và thiên nhiên, giúp gia chủ tận hưởng cuộc sống một cách thoải mái nhất.
Những chi tiết như hàng hiên, mái ngói, cổng làng hay khoảng đệm, hành lang,… được nhóm kiến trúc sư khéo léo sử dụng, đem lại những hiệu quả về thẩm mỹ, cải thiện vi khí hậu và làm tăng tính kết nối của không gian. |
Để đáp ứng nhu cầu về công năng sử dụng, kiến trúc sư chia công trình thành hai khối nhà nhằm tương tác với tuyến giao thông phía trước và giảm khối tích công trình.
Ngoài ra, nhóm thiết kế còn sử dụng hệ mái với ngói đá đen Lai Châu - loại vật liệu có khả năng chịu nóng lạnh tốt, dưới mọi điều kiện thời tiết cũng không bị trầy xước hay nứt vỡ, không chỉ tạo sự hài hòa cho công trình với bối cảnh chung của ngôi làng cổ mà còn có đem lại hiệu quả trong việc khai thác hướng gió chính.
Căn biệt thự nhìn từ trên cao. |
Kiến trúc sư cho biết, khu đất này có mặt tiền dài nhưng chiều sâu khiêm tốn nên công trình được xây dựng khá sát với ranh giới khu đất. Điều này cũng khiến diện tích dành cho cảnh quan sân vườn bị hạn chế.
Để khắc phục nhược điểm này, kiến trúc sư đã điều chỉnh cao độ trong xây dựng nhằm tạo ra một trục cảnh quan kết nối giữa sân vườn nhân tạo bên trong và cây xanh mặt nước phía trước công trình.
Việc điều chỉnh độ cao trong xây dựng giúp tầm nhìn từ phía trong công trình ra bên ngoài hoàn toàn được giải phóng, trong khi đó, những không gian phía trong cũng không bị ảnh hưởng bởi tầm nhìn của người đi ngoài đường, đảm bảo riêng tư cho các thành viên |
Những hàng hiên, mái ngói, hệ cửa lam hay những khoảng trống được tạo ra giúp cho công trình tránh được các tác động trực tiếp của nắng hướng Tây. |
Công trình có hai lối tiếp cận. Lối tiếp cận chính dẫn tới không gian sảnh chính lớn với hàng hiên dài, tái hiện lối thiết kế nhà ba gian truyền thống Bắc bộ và giúp mọi người có thể trải nghiệm toàn bộ cảnh quan của công trình.
Lối tiếp cận thứ hai dành cho gia chủ ở bên trong nhà, có thể di chuyển ra cổng hay sân vườn thuận tiện nhất.
Lối đi phủ đầy cây xanh xung quanh công trình. |
Hệ mái được thiết kế có độ dốc lớn để thoát nước mưa và tránh dột. Mái cũng được đưa ra xa chân tường, vừa tạo bóng râm vừa tránh mưa hắt. Giải pháp này cũng tạo khoảng hiên đủ rộng có tác dụng cản nắng và nới rộng không gian sử dụng tiện ích. |
Kiến trúc sư sử dụng nhiều tán cây, tạo thành những tấm rèm xanh hạn chế nắng gắt, giúp giảm nhiệt và chống chói do phản xạ từ các bức tường quét màu sáng quanh nhà. |
Không gian chức năng được bố trí với hai khối chính, gồm khối sinh hoạt chung và khối phòng ngủ, ngăn cách bởi khoảng sân trong cùng những tuyến hành lang, hàng hiên dài,...
Trước mỗi không gian đều được bố trí những khoảng đệm, tạo sự nhẹ nhàng trong việc chuyển tiếp không gian và đảm bảo tính riêng tư cần thiết.
Đặc biệt, bên trong ngôi nhà có hai khoảng trống lớn.
Khoảng trống thứ nhất là khoảng thông tầng ở phòng khách, nhằm tăng khối tích không khí, đồng thời kết nối không gian phòng ngủ của trẻ ở phía trên qua một cửa sổ vòm tượng trưng cho tổ chim.
Lối thiết kế này tạo ra sự tương tác thú vị về âm thanh, hoạt động giữa trẻ con và các thành viên lớn tuổi trong gia đình. |
Khoảng trống thứ hai là phần lõi trung tâm của ngôi nhà với vườn cây xanh mát, đóng vai trò làm khoảng đệm đảm bảo sự riêng tư cho khối phòng ngủ chính và mang lại sự kết nối không gian.
Ngoài ra, khu vực này còn đem lại hiệu quả trong việc điều hòa không khí cho toàn bộ ngôi nhà nhờ quá trình thông gió tự nhiên và đối lưu không khí, mang lại cảm giác mát mẻ, giúp gia chủ hạn chế phải sử dụng điều hòa vào mùa hè.
Quanh vườn, nhóm thiết kế còn sử dụng những vách kính lớn nhằm tăng sự kết nối không gian, xóa nhòa ranh giới giữa con người với thiên nhiên. |
Phòng khách liên thông bếp ăn với thiết kế mở để đón ánh sáng, khí trời từ sân vườn - nơi có cây xanh và gió trời thoáng mát. |
Sự kết hợp các vật liệu như ngói, đá, gỗ, bê tông thô,… với điểm nhấn là tường ốp ngói âm dương mang đến cho công trình sự mộc mạc, thư thái đúng với tính chất của một biệt thự nghỉ dưỡng.
Công trình thi công và hoàn thiện sau 1,5 năm, mang đến không gian sống trong lành, thư thái cho gia chủ và trở thành chốn nghỉ dưỡng lý tưởng, giải tỏa căng thẳng cho con cháu mỗi dịp cuối tuần. |
Theo Khải Anh - Ảnh: Triệu Chiến/Dantri.com.vn