Thứ năm 25/04/2024 20:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Doanh nhân Sao Đỏ bàn chuyện một thập kỷ thăng trầm thị trường bất động sản

20:27 | 06/06/2020

(Xây dựng) – “Bất động sản Việt Nam – Một thập kỷ thăng trầm” là một trong những nội dung của hội thảo do Câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức vào chiều 6/6 tại quần thể FLC Sầm Sơn, Thanh Hoá.

doanh nhan sao do ban chuyen mot thap ky thang tram thi truong bat dong san
Thị trường bất động sản: Cánh chim báo bão của nền kinh tế

Tại hội thảo, bà Hà Thị Thu Thanh - Chủ tịch HĐQT Công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam đánh giá, thị trường bất động sản như cánh chim báo bão trong một nền kinh tế. Bất động sản ảnh hưởng đến trên 90% ngành hàng kinh tế, tác động đến hàng triệu nhân lực của các ngành hàng liên quan đó và trực tiếp ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế Việt Nam.

Bà Hà Thu Thanh cho biết, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý đã bàn nhiều vấn đề thăng trầm, được mất trong 10 năm qua. Song những hành động để vượt qua khó khăn, khủng hoảng thì rất khó để trả lời. Từ góc độ của một tư vấn pháp luật, bà nhận thấy đã đủ một chu kỳ 10 năm để thị trường có sự thay đổi.

"Covid-19 khiến chúng ta nghĩ nhiều đến việc thay đổi, phục hồi nhưng còn có quá nhiều vướng mắc pháp lý trong dự án từ giải phóng mặt bằng, quy hoạch, thiết kế... Khi tư vấn cho doanh nghiệp về các hoạt động phát hành trái phiếu, huy động vốn có rất nhiều điều luật về luật bất động sản, luật nhà ở... bị vênh. Đây là rào cản với các doanh nghiệp địa ốc", bà Thanh nói.

Trước những yêu cầu mới thì khung pháp lý của Việt Nam chưa đủ. Bà cho rằng: "Trong giai đoạn này, thị trường nên chạy chậm lại một chút xíu và dành thời gian để tăng cường cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp bất động sản có thể huy động vốn, phát hành trái phiếu".

Chính sách “con ghẻ”, giá nhà đất cao do vướng mắc pháp lý

Ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng cho biết, bấy lâu nay vẫn coi bất động sản là dịch vụ, phi hàng hoá, coi bất động sản là ngành không thực tiễn. Vì thế các chính sách nhiều khi như “con nuôi" nền kinh tế.

Lý giải về lý do giá nhà đất tăng cao suốt 5 năm qua, ông Đỗ Anh Dũng nhận định nguyên nhân một phần là do chính sách và quy định tín dụng của ngân hàng liên tục thay đổi.

Theo ông, tâm lý của người Việt Nam là muốn ở nhà riêng, nên nhu cầu với thị trường bất động sản rất lớn, nếu Chính phủ và các địa phương rút ngắn thời gian làm thủ tục, sáp nhập những quy định gần nhau làm một, có thể tạo điều kiện để bất động sản phát triển.

Một vấn đề khác cũng được Chủ tịch Tân Hoàng Minh nêu ra, đó là việc các doanh nghiệp bất động sản thành lập tràn lan như hiện nay rất nguy hiểm. "Nếu không có nhiều đất, không có chiến lược định vị thương hiệu thì không nên làm vì làm rồi thì cũng gặp rất nhiều khó khăn".

doanh nhan sao do ban chuyen mot thap ky thang tram thi truong bat dong san
Pháp lý cho bất động sản Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện để theo kịp thị trường.

Nhà nước cũng không nên cấp giấy phép tràn lan. Nên đưa ra điều kiện vốn để xem xét, để đào thải và chỉ để lại những doanh nghiệp lớn và có thực lực.

Trước Covid-19, các gói hỗ trợ của Nhà nước thực ra không hỗ trợ được nhiều mà các doanh nghiệp phải tự thân vận động. "Ở Tân Hoàng Minh lúc nào chúng tôi cũng như là sống với Covid-19 nên giờ trong dịch chúng tôi lại thấy bình thường". Trong bối cảnh hiện nay, theo ông, các doanh nghiệp cần phải có sự hợp tác, hỗ trợ với nhau, để phát huy sở trường của mỗi doanh nghiệp cho hoạt động của mình, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn.

Vị doanh nhân nhận định, nói bất động Việt Nam trầm nhưng thực ra là chưa phát triển hết khả năng. Trước 2010 thì không phải bất động sản mà đó là nhà ở. "Chúng ta không nhìn vào Covid-19 mà để buồn và thấy ảm đạm mà phải nhìn vào tương lai với tâm thế đi lên".

Chủ tịch Tân Hoàng Minh cũng nhấn mạnh, nếu không vướng mắc pháp lý thì tiến độ xây dựng, tiến độ dự án sẽ nhanh hơn rất nhiều. "Tôi muốn thủ tục hành chính ngắn gọn lại trong vòng một năm thôi. Chính sách của Chính phủ phải cập nhật với thị trường từng năm để có thể điều chỉnh kịp thời. Nếu nhu cầu thay đổi thì Chính phủ cũng phải linh hoạt thay đổi". Quy luật cung cầu của thị trường phải áp dụng triệt để trong lĩnh vực bất động sản.

Chính sách về tín dụng của Ngân hàng Nhà nước phải nhất quán, không được thay đổi giữa chừng. Lãi suất, kỳ hạn phải không được thay đổi, không được siết.

Ông Đỗ Anh Dũng khẳng định trong Covid-19, doanh nghiệp bất động sản cần tháo gỡ pháp lý, không cần giảm lãi vay vì có muốn ngân hàng hỗ trợ cho vay lãi suất thấp cũng không được nên tốt nhất không trông chờ nhiều.

Một thị trường bất động sản 10 năm rực rỡ

Theo ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC Group, thị trường bất động sản Việt Nam nói là 10 năm một thập kỷ nhưng thực tế chỉ phát triển mạnh trong 6 năm trở lại đây. Từ lúc làm toà nhà FLC Mỹ Đình chỉ có chục toà nhà đến bây giờ là hàng nghìn toà nhà. Đó là minh chứng cho một giai đoạn thị trường bất động sản phát triển rực rỡ.

doanh nhan sao do ban chuyen mot thap ky thang tram thi truong bat dong san
Một thập kỷ bất động sản Việt Nam có nhiều dự án làm thay đổi bộ mặt các đô thị tại nhiều địa phương trên cả nước.

“Hiện nay, vấn đề của các dự án bất động sản không phải là vị trí mà là pháp lý. Pháp lý của những khu đất đầm lầy như FLC Sầm Sơn, FLC Bình Định... chúng tôi vừa làm vừa hoàn thiện thủ tục, làm “n thứ trong một” để có tiến độ 11 tháng để khánh thành.

Làm chuẩn chỉ về thủ tục pháp lý hiện tại mất 3 năm chuẩn bị pháp lý mới có thể thi công được. Doanh nghiệp nghĩ đến pháp lý là sợ và ngại đầu tư”, ông Quyết nói. Tuy vậy, ông Quyết vẫn khẳng định: “Bây giờ, sau dịch Covid-19 là thời điểm tốt nhất để mua bất động sản”.

Ông Nguyễn Tuấn Hải – Chủ tịch Alphanam đánh giá, Việt Nam trong 10 năm qua đã hình thành thị trường bất động sản chuyên nghiệp. Các doanh nghiệp hiện nay phải cầm cự đến năm 2023 mới có các văn bản tháo gỡ. Từ giờ đến lúc đó làm thế nào để tồn tại, trước hết phải chữa các bệnh nền của thị trường bất động sản hậu Covid-19. Sau nữa là các doanh nghiệp bất động sản cần đi trước một bước, là lúc tích luỹ quỹ đất, chuẩn bị cho cơ hội bùng nổ. Giai đoạn 2024 - 2025 sẽ là giai đoạn bùng nổ tiếp theo. Alphanam cũng chuẩn bị quỹ đất để trong 30 năm tới sẽ phát triển vài chục dự án bất động sản được quản lý bởi các tiêu chuẩn và thương hiệu quốc tế.

Lạc quan về tương lai bất động sản

Trước câu hỏi về thị trường bất động sản 2, 3 năm tới, đại diện doanh nghiệp, hiệp hội bất động sản đều bày tỏ thái độ lạc quan và tin tưởng vào đà phục hồi từ cuối năm nay. Trong đó, ông Nguyễn Cảnh Hồng - Tổng Giám đốc Công ty Eurowindow cũng tin rằng trong nguy có cơ. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay Covid-19 đều tiềm ẩn cơ hội và thách thức. Đơn cử như Việt Nam đang chào đón xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang một cách ồ ạt tạo nên làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp. Từ đó, thị trường sẽ có sự sàng lọc tự nhiên, loại bỏ những doanh nghiệp bất động sản yếu kém.

Trong thời gian tới, các chính sách sẽ dần hoàn thiện hơn, đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp bất động sản "rộng đường" phát triển.

Ông Đặng Hồng Anh – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng tin rằng, trong ngắn hạn hết năm nay sẽ có khởi sắc nhưng khá thấp vì hiện có nhiều kênh đầu tư tốt hơn. Người dân tâm lý vẫn chờ bất động sản xuống giá. Tuy nhiên bất động sản vẫn có cơ hội từ dân số trẻ, nhu cầu nhà ở nhiều, mức sống người dân tăng cao. Riêng bất động sản du lịch là kênh có tốc độ tăng giá nhanh nhất.

Huyền Nhi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load