Thứ bảy 04/05/2024 12:13 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận chính sách tài khóa, tiền tệ

16:11 | 06/01/2024

(Xây dựng) – Đó là nhận định được ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đưa ra tại chương trình làm việc cùng đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh về giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15. Theo HoREA, nhiều chính sách hỗ trợ tài khóa, tiền tệ áp dụng với nhiều lĩnh vực, nhưng bất động sản (BĐS) lại không được hưởng lợi.

Doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận chính sách tài khóa, tiền tệ
Theo HoREA, chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội chưa áp dụng đối với các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án BĐS và nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường BĐS… (Ảnh: T/L).

Trong báo cáo gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh mới đây, HoREA cho biết, Nghị quyết 43/2022/QH15, Nghị quyết 101/2023/QH15 và Nghị quyết 110/2023/QH15 của Quốc hội cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương đã hỗ trợ hiệu quả chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 và để ứng phó với các “cơn gió ngược” từ các xung đột địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát gia tăng và giảm tổng cầu trên phạm vi toàn cầu.

Theo đó tăng trưởng GDP của nước ta năm 2022 tăng đến 8,02%, năm 2023 vẫn tăng 5,05% trở thành điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Kể từ cuối quý 1/2023, thị trường BĐS cả nước và Thành phố Hồ Chí Minh đã dần đi qua “vùng đáy” khó khăn và đang trong quá trình phục hồi, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước.

Tuy nhiên theo HoREA, chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội chưa áp dụng đối với các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án BĐS và nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường BĐS, mặc dù các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án BĐS rất khó khăn do vướng mắc pháp lý, kể cả dự án nhà ở xã hội.

HoREA dẫn chứng, Nghị quyết 43/2022/QH15, Nghị quyết 101/2023/QH15, Nghị quyết 110/2023/QH15 và Nghị định 15/2022/NĐ-CP, Nghị định 44/2023/NĐ-CP, Nghị định 94/2023/NĐ-CP cho phép “giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%)”, nhưng do không áp dụng đối với một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có các doanh nghiệp kinh doanh BĐS nên các doanh nghiệp BĐS chưa được hưởng chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong 2 năm 2022 – 2023.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được “hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại, trong đó có cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân.

Nhưng chính sách này có kết quả giải ngân rất thấp cho thấy chính sách này không thực hiện được đối với việc cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua, bởi hầu như tất cả các dự án này đều bị “ách tắc” do bị vướng mắc pháp lý.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, HoREA cho rằng các chủ nhà trọ đang giải quyết chỗ thuê trọ cho hàng triệu công nhân trong cả nước chưa được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, mà chỉ riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 60.000 chủ nhà trọ với hơn 600.000 phòng trọ cho thuê.

Đối với chính sách cho vay hỗ trợ cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, theo HoREA, Ngân hàng chính sách xã hội cho biết trong 2 năm 2022 và 2023 chỉ giải ngân được 35,7 tỷ đồng để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nếu tính suất vay bình quân 600 triệu đồng thì chỉ tương đương 63 căn nhà ở xã hội.

Ngoài ra, về chính sách tiền tệ, việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 – 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên nhưng việc giảm lãi suất được các ngân hàng thương mại thực hiện cũng khá chậm, mới giảm lãi vay cho các khoản vay mới, với mức giảm lãi suất khoảng 1,5 – 2% so với đầu năm 2023, còn các khoản vay cũ vẫn còn chịu lãi suất khá cao.

Hiệp hội cũng nhận thấy, việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước “tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ” thì mãi đến ngày 23/04/2023 (sau 16 tháng kể từ ngày Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15), Ngân hàng Nhà nước mới ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, mà nếu ban hành sớm hơn trong năm 2022 thì sẽ có tác động rất tích cực đối với nền kinh tế, đối với các doanh nghiệp, người dân và nhà đầu tư.

Linh Đan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load