(Xây dựng) - Trên thế giới có một số quốc gia mà người dân của họ cảm thấy hài lòng về môi trường sống. Hãy cùng Báo điện tử Xây dựng tham khảo một số bài học quý báu từ các đô thị này.
Singapore là quốc gia điển hình về đô thị sống tốt (Ảnh: Internet). |
Curitiba, Brazil
Từng là quốc gia có ngân sách hạn hẹp để dành cho phát triển cộng đồng nhưng Brazil trong nhiều năm đã đạt được thành tựu vượt bậc về đô thị sống tốt. Đó là thời điểm mà các nhà lãnh đạo đô thị vào những năm 1960 khởi xướng một quy hoạch hướng tới môi trường và hướng về nhu cầu của con người. Khi đó, họ tiếp cận thị trưởng thành phố Curitiba - Jaime Lerner (cũng từng là kiến trúc sư) và trình bày ý tưởng về dự đoán sự phát triển nhanh chóng của thành phố, đồng thời trình bày ý tưởng quy hoạch của nhóm với Thị trưởng với mong muốn có sự ủng hộ một cách khách quan. Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn của Brazil lúc bấy giờ, Lerner đã phải suy nghĩ rất nhiều, bỏ ra tâm huyết rất nhiều để cân nhắc về giải pháp phù hợp với một đô thị như Curitiba. Ông cho rằng "Trong khi ngân sách hạn hẹp, muốn có đô thị đẹp thì phải bỏ công sức của chính mình, người dân phải từ đó có ý thức với cây mà mình trồng nên. Muốn cho đô thị đẹp, không thể thiếu mảng cây xanh”. Xây dựng ở Curitiba được áp dụng chính sách ưu đãi nếu các dự án xây dựng có chứng minh là công trình xanh, thân thiện môi trường, kiên quyết loại bỏ dự án thiếu sinh khí và thành phố có một đường dây nóng để báo cáo ô nhiễm từ ngành công nghiệp xây dựng.
Trong quá trình thực hiện các dự án xanh, các nhà lãnh đạo cũng gặp phải không ít khó khăn. Họ cũng từng gặp phải sự kháng cự quyết liệt của những người bán hàng khi đề nghị chuyển khu mua sắm trung tâm thành một khu vực dành cho người đi bộ. Họ tôn trọng ý kiến của công chúng. Để thuyết phục người dân, người đứng đầu khi đó đã đề nghị dùng phép thử nghiệm trong 30 ngày và lấy ý kiến công chúng. Như vậy, cả một quá trình thương thuyết, nhọc nhằn khó khăn cùng nhiều áp lực, ngày nay khu phố Rua das Flores có muôn cây đua nở cùng với gương mặt hạnh phúc của các em học sinh khi được giao nhiệm vụ chăm sóc khu vườn của tuyến phố mà mình sinh sống.
Trẻ em đường phố mồ côi hoặc bị bỏ rơi là một vấn đề trên toàn Brazil. Curitiba cũng không nằm ngoài tình trạng chung. Lerner đã từng gom chúng từ các cửa hàng, khu chợ, bãi rác và kết nối với các tổ chức để "nhận nuôi", hỗ trợ hoặc bằng hình thức nào đó giúp cho những trẻ em không nơi nương tựa này bằng cách cung cấp cho chúng thức ăn và cho chúng một công việc nhẹ nhàng như dọn vườn, dọn dẹp công sở… để chúng có thể tự lo một cuộc sống bắt đầu từ việc làm đơn giản.
Công dân Curitiba phân loại rác hữu cơ và vô cơ, được thu gom vào hai loại xe tải. Các gia đình nghèo trong các khu định cư tạm bợ mà xe tải không thể vào được thì những người dân này phải mang túi rác của họ đến các khu phố trung tâm để đổi rác lấy vé xe buýt, hoặc trứng, sữa, cam, khoai tây. Bằng cách ứng xử nhân văn này, cư dân ở đây cảm thấy thực sự được quan tâm và vì thế, họ cảm thấy đây là nơi đáng sống nhất và hài lòng với những gì mà thành phố mang lại. Chính vì thế, đã có rất nhiều nhà quản lý đô thị, kiến trúc sư và quan chức từ các thành phố khác trên thế giới phải đến đây thăm quan và học hỏi về cách thức xây dựng một đô thị sống tốt.
Singapore
Trong các cuộc điều tra khác nhau từ nhỏ đến lớn, Singapore đã liên tục được các chuyên gia hàng đầu thế giới xếp hạng là đô thị năng động, đô thị hài lòng người dân và sống tốt trên toàn cầu. Singapore có được cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại và “thân thiện môi trường” như ngày nay, trước hết là nhờ vào quy hoạch tổng thể 1/5.000 có từ rất sớm (năm 1971) và được thực hiện cho đến nay. Đưa thiên nhiên gần gũi với con người là chủ trương của quản lý đô thị. Tôn trọng thiên nhiên, hòa quyện thiên nhiên vào đô thị để giúp đô thị được “mềm hóa” các khía cạnh “thô cứng” của một khung cảnh đô thị đầy rẫy các cao ốc. Bằng cách áp dụng một loạt các chiến lược “vườn trong phố”, “vườn tường”, “vườn mái”, “vườn ở bất cứ đâu”… Singapore hiện đang được che phủ mật độ cây xanh thuộc hạng cao nhất thế giới.
Tất cả nhà cửa, đường phố, cây cối, xe cộ… đều sạch bong, không có ai vứt rác thải ra đường nhờ có các quy định nghiêm minh của pháp luật trong tiết chế các hành vi nhân sự và cũng do người dân nơi đây ý thức đến mức có thể gọi là văn minh tự giác trong mọi sinh hoạt đời sống. Chính từ ý thức tự giác này mà Chính phủ tiết kiệm được rất nhiều chi phí để ngăn chặn ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, xử lý vi phạm. Muốn đất nước phát triển phải dựa trên nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của người dân và thi hành pháp luật nghiêm minh. Để làm được điều đó, cần phải có một Chính phủ hiện đại, một Chính phủ quản lý chính xác. Singapore đã duy trì được hệ thống Chính phủ điện tử ở mức độ cao. Mọi hoạt động của người dân liên quan đến bộ máy công quyền, mọi vấn đề đều có thể giải quyết thông qua hệ thống điện tử tự động từ trên xuống dưới.
Amsterdam, Hà Lan
Amsterdam sẽ là một trong những thành phố đầu tiên bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu, vì vậy bằng nhiều cách khác nhau, các nhà lãnh đạo đã quyết tâm lựa chọn phát triển phương pháp vận chuyển giảm thiểu CO2. Đó là phương thức chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang hình thức công cộng thuận tiện nhất, đặc biệt nhấn mạnh sử dụng xe đạp. Chiến dịch loại bỏ dần xe tư nhân, phát triển xe đạp xuất phát từ những lo ngại về chất lượng cuộc sống và ô nhiễm không khí đã bắt đầu tăng trong khoảng thời gian đó. Vì thế, Amsterdam được quy hoạch ngay từ đầu với 450km đường xe đạp.
Cùng với đó là chính sách phát triển các dự án “Đường phố thông minh” với sự kết hợp từ nhiều doanh nghiệp trong thành phố. Các dự án này tập trung chủ yếu vào giải pháp tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà, các tuyến phố để giảm lượng khí thải CO2 thông qua việc sử dụng các công nghệ tiên tiến và khuyến khích thay đổi hành vi của người dân. Mục tiêu của dự án thông minh này là để kiểm tra các công nghệ môi trường và chương trình thí điểm trong thành phố. Những sáng kiến sau đó sẽ được thử nghiệm để rút ra bài học thành công và hạn chế rủi ro, tăng tính bền vững khi ứng dụng quy mô lớn hơn. Quá trình này tạo ra nền tảng cho các giải pháp bền vững sau này.
Song song với dự án này là nhiều dự án khác được đưa ra cùng một lúc nhằm tạo ra các tác động trực quan về tính bền vững. Các dự án và chương trình hành động này đã trở thành một nguồn cảm hứng cho các thành phố khác, tạo ra một nền tảng cho sự thay đổi rộng rãi. Như vậy có thể thấy, bài học quan trọng thu thập từ Amsterdam chính là sức mạnh tổng hợp của chính sách quyết liệt, sự quyết tâm của thành phố dành cho cộng đồng của mình. Sự quyết tâm thể hiện trong đổi mới chính sách giao thông. Chính phủ cũng như cộng đồng đóng vai trò quyết định trong thực hiện thành công chính sách đô thị sống tốt.
Khánh Phương
Theo