Thứ bảy 02/11/2024 18:27 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Di tích lăng mộ vua Trần Hiến Tông sau khi khai quật khảo cổ có gì?

16:04 | 04/08/2016

Vừa qua, Bộ VHTTDL đã cho phép khai quật khảo cổ tại 3 di tích ở Quảng Ninh gồm: lăng Tư Phúc, lăng Phụ Sơn, lăng Ngải Sơn thuộc thuộc xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Di tích lăng Tư Phúc nằm trong quần thể lăng mộ, đền miếu nhà Trần tại An Sinh (Đông Triều), được xây dựng năm 1381 nhằm lưu giữ thần vị của 2 chủ lăng Chiêu Lăng và Dụ Lăng từ Tam Đường (Thái Bình) chuyển về. Lăng sẽ khai quật trong thời gian từ 5/8 - 5/11 với diện tích là 600m2. Chủ trì khai quật là ông Nguyễn Văn Anh (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội).

Di tích lăng Phụ Sơn (lăng vua Trần Dụ Tông) sẽ khai quật trong thời gian từ 5/8 - 5/11 với diện tích là 500m2. Chủ trì khai quật là ông Đặng Hồng Sơn (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội). Vua Trần Dụ Tông sinh năm Bính Tý (1336), tên húy là Hạo, con thứ 10 của vua Trần Minh Tông, năm 1341, vua Trần Hiến Tông mất, ông được chọn lên kế ngôi. Trần Dụ Tông làm vua 28 năm, thọ 34 tuổi.

Theo mô tả và bản vẽ của sách Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ thì lăng có ba cấp nền, cấp trong cùng cao nhất có chiều dài 2 trượng (6,6m); rộng 1 trượng 5 thước (5m), nền ngoài (tức cấp nền 2) dài 6 trượng (19,8m), cao 1 thước. Sân nằm giữa hai cấp nền rộng 1 trượng (3,3m); hai bên tả hữu có hai nền (giống như kiểu Tả Vu, Hữu Vu, kích thước rộng 1 trượng 5 thước (5m) dài 2 trượng 5 thước (8,25m). Xung quanh vòng ngoài có tường bao bằng đá, khoảng cách từ cấp nền 2 đến tường bao là 26 trượng (85,8m); các bậc thềm đều có thành bậc chạm rồng và sấu 39.


Khu lăng tẩm, đền miếu của nhà Trần còn sót lại ở Đông Triều, Quảng Ninh. Ảnh: TL.

Tháng 6/2012, Ban quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh và Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành đã khai quật thăm dò di tích lăng Phụ Sơn. Kết quả khai quật đã phát hiện một phần nền móng của Chính Tẩm, dấu vết sân và tường bao và các loại gạch ngói dùng để xây dựng tại đây.

Các kiến trúc ở lăng Phụ Sơn được trang trí hết sức đẹp đẽ và tinh xảo. Khảo cổ học đã tìm được những lá đề cân gắn trên ngói mũi sen trang trí hình vũ nữ apsara; những lá đề lệch trang trí hình rồng. Các di vật này cho chúng ta hình dung phần nào về các trang trí trên mái kiến trúc của lăng Phụ Sơn.

Di tích lăng Ngải Sơn (lăng vua Trần Hiến Tông) sẽ khai quật trong thời gian từ 25/7 - 25/10 với diện tích là 400m2. Chủ trì khai quật là Lâm Thị Mỹ Dung (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội). Vua Trần Hiến Tông là vua thứ 6 của nhà Trần, tên húy là Trần Vượng, con thứ của vua Trần Minh Tông. Ông sinh ngày 15 tháng 2 năm Kỷ Mùi (1319), năm 10 tuổi được vua cha Trần Minh Tông truyền ngôi, ở ngôi 13 năm, mất ngày 11 tháng 6 năm Tân Tỵ (1341), thọ 23 tuổi.

Về An lăng hiện cũng còn nhiều vấn đề chưa thống nhất, trong đó có vấn đề tên gọi và vị trí xây dựng của lăng. Các tài liệu ghi chép về hai vấn đề này có khá nhiều khác biệt, thậm chí bản thân sách Đại Việt sử ký toàn thư chép cũng không thống nhất.

An lăng hay Ngải Sơn lăng hiện thuộc khu làng Trại Lốc, xã An Sinh, huyện Đông Triều (Quảng Ninh), diện mạo An lăng cụ thể như thế nào vẫn là một bí ẩn trong lòng đất. Theo mô tả của Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ thì lăng có quy mô to lớn, các dấu vết còn lại gồm: “Nền trong dài hai trượng, chín thước (9,57m); rộng 8 thước (2,64m); cao 1 trượng (3,30m), tường vây quanh bằng gạch, mỗi mặt dài 4 trượng 5 thước (14,85m), dày 3 thước (1m)”.

Xung quanh khu lăng hiện còn lại rất nhiều di vật, trong đó đặc biệt phải kể đến là bộ tượng bằng đá, gồm: tượng quan hầu, tượng thú và rùa. Bộ tượng này vốn được đặt dọc hai bên Thần đạo của lăng theo từng cặp đối xứng nhau, tượng quan hầu ở tư thế đứng chầu, tượng các loại thú đều được tạc ở dạng phủ phục. Bộ tượng đá ở An lăng không chỉ được đánh giá là một sưu tập quý của nghệ thuật điêu khắc thời Trần, mà điều quan trọng hơn nữa là, qua bộ tượng này chúng ta biết được trong cấu trúc Thần đạo lăng tẩm thời Trần hai bên có tượng quan hầu và tượng thú đứng chầu.

Ngoài các tượng thú, tại An lăng còn có hai tượng rùa đá của thời Trần, trong đó có một tượng rùa có kích thước rất lớn: dài 1,57m; rộng 0,94m, dày 0,34m, trên lưng rùa có một lỗ mộng lớn cho thấy rùa này cõng bia. Năm 2002, lăng được xây lại như hình dáng hiện nay, việc tôn tạo không dựa trên những nghiên cứu đã khiến cho công trình hiện nay không phù hợp với diện mạo ban đầu của lăng.

Bộ VHTTDL lưu ý, trong thời gian khai quật, các cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.

Những hiện vật thu được trong quá trình khai quật phải được tạm nhập vào Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh để giữ gìn, bảo quản; Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, Sở VHTT tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Chậm nhất ba tháng sau đợt khai quật, Ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh Quảng Ninh, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội phải có báo cáo sơ bộ, sau một năm phải có báo cáo khoa học gửi về Cục Di sản văn hóa.

(*) Tiêu đề đã được Báo Điện tử Xây dựng thay đổi

Theo Hà Tùng Long/Dantri.com.vn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load