(Xây dựng) - Đền Xã Tắc là công trình văn hóa cổ đại bên bờ sông Bắc Luân, dòng sông biên giới Việt - Hoa theo Công ước Pháp - Thanh năm 1895. Ngôi đền có thần tích và danh thiêng vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia, tỏa sáng nét đẹp cột mốc văn hóa vùng biên ải.
Quang cảnh một nghi lễ tế thần đền Xã Tắc. |
Trầm tích đền Xã Tắc được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII, khi ấy cương vực của Nhà nước phong kiến Việt Nam có khác, nhưng đền tọa ở thổ đất vượng khí cùng với đền người xưa còn lập đàn tế trời, đất thiêng còn “hô phong hoán vũ”. Đầu thế kỷ XIV, triều đình có sắc trùng tu, cấp điền địa hương hỏa, khóa lễ. Quan phụ mẫu địa phương cùng nhân dân hưng công xây dựng, có tạc bia lưu bút định danh đền thờ thần Xã Tắc Sơn Hà, theo văn hóa lúa nước người Việt và khẳng định chủ quyền đất đai của dân tộc.
Đền Xã Tắc là công trình văn hóa lâu đời, nay thần tích thần sắc không còn đầy đủ. Tục truyền, xa xưa ngôi đền chỉ là một am cỏ nhỏ ở sát mép Thác Mang trên dòng sông Bắc Luân đoạn chảy vào đất Móng Cái gọi là sông Ka Long. Vào khoảng đầu thế kỷ XX, trong một trận bão lớn, ngôi đền bị sạt lở, bát nhang, ban thờ trôi dạt vào một gò đất cao người địa phương gọi khu vực ấy là Xoáy Nguồn. Tại vị trí này, người dân đã xây dựng lại ngôi đền bằng gạch đất nung, mái lợp ngói âm dương - loại VLXD phổ biến ở vùng Đông Bắc thời đó.
Trải qua biết bao thăng trầm của thời gian, ngôi đền đã được trùng tu nhiều lần và lần trùng tu lớn nhất là vào năm Kỷ Mão (1879). Trong chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, ngôi đền bị phá hủy, chỉ còn lại một vài tấm bia và nền móng cũ. Sau năm 1989, đền được phục hồi lại nhưng với quy mô nhỏ hơn đền cũ. Đền Xã Tắc được trùng tu gần đây nhất là vào năm 2009, trên diện tích khoảng 20.000 m2, bao gồm đền chính và một số khu phụ cận khác. Khu chính của đền có diện tích 308 m2, gồm tòa tiền đường với ba gian hai chái, hai gian chung đường và ba gian hậu cung. Đền được xây dựng chủ yếu bằng gỗ lim, mái lợp ngói vảy rồng, tường xây gạch. Đền hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị, như các bức hoành phi, câu đối và một số tấm bia đá…
Đền Xã Tắc thờ tam vị Thánh, gồm: Xã Tắc Đại vương (Thần chủ của đất đai quốc gia xã tắc), Cao Sơn Đại vương (Thần chủ về văn hóa nước Đại Việt) và Hưng Nhượng Đại vương Trần Quốc Tảng (Anh hùng dân tộc thời nhà Trần). Cả 3 pho tượng đều được đúc bằng đồng nguyên khối. Tượng Xã Tắc Đại vương được đặt ở chính điện có chiều cao 2,2 m, tượng Cao Sơn Đại vương và Hưng Nhượng Đại vương được đặt hai bên và cùng có chiều cao 1,8 m. Các công trình phụ trợ quanh đền bao gồm: Cổng nghi môn ngoại, cổng nghi môn nội, nhà Tả vu - Hữu vu; lầu chuông, lầu trống, bình phong bằng đá, miếu thờ thần linh.
Lễ hội đền Xã Tắc được phục dựng gồm các khóa lễ: Lễ cấp thủy; lễ mộc dục; lễ nghinh thần; lễ an vị tượng; lễ tế Xã Tắc; dâng lễ vật của nhân dân địa phương; thả thuyền giấy, đèn hoa đăng trên sông Ka Long.
Với vị trí và lịch sử đặc biệt, ngôi đền có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền nơi biên giới quốc gia, đồng thời là di tích lịch sử - văn hoá, ghi sâu dấu ấn lịch sử nơi ông bà ta trấn yên bờ cõi và khẳng định những nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa của người Việt. Với giá trị lịch sử khẳng định nền độc lập chủ quyền dân tộc, đền Xã Tắc còn là nơi lưu giữ và khẳng định những nét đặc trưng riêng trong đời sống văn hóa của nhân dân Việt Nam nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc.
Lễ công bố quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đền Xã Tắc. |
Ngày 11/4/2021, thành phố Móng Cái đã tổ chức trọng thể Lễ công bố quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đền Xã Tắc; Lễ kết hợp cùng hội với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao sôi nổi và đặc sắc như chương trình văn nghệ dân gian hát nhà tơ - hát múa cửa đình, hát chầu văn; các hoạt động khởi động mùa du lịch và hoạt động của Phố đi bộ Trần Phú trình diễn nghệ thuật, giới thiệu sản phẩm OCCOP và hội chợ quê, giải giao hữu bóng đá khối các trường THPT, Đại hội thể dục thể thao phường Trà Cổ; Triển lãm ảnh đẹp về du lịch Móng Cái cùng các hoạt động trò chơi dân gian như cở tướng, đẩy gậy, kéo co, bịt mắt đập niêu, viết thư pháp.
Vũ Phong Cầm
Theo