Thứ ba 05/11/2024 01:05 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Đề xuất ban hành Luật Thuế bất động sản: Hạn chế đầu cơ, minh bạch thị trường

17:49 | 15/02/2023

(Xây dựng) - Bộ Tư pháp đang đề xuất Chính phủ xây dựng dự án Luật Thuế bất động sản (BĐS) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bổ sung dự án Luật Thuế BĐS vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội. Theo đó, Luật Thuế BĐS chung sẽ được xây dựng, thay thế cho Luật Sử dụng đất nông nghiệp và Luật Sử dụng đất phi nông nghiệp hiện nay. Đề xuất này được cho là rất cần thiết nhằm ổn định thị trường, giảm đầu cơ, tránh lãng phí, tăng thu ngân sách…

Đề xuất ban hành Luật Thuế bất động sản: Hạn chế đầu cơ, minh bạch thị trường
Luật Thuế BĐS dự kiến sẽ tách riêng đất ở, nhà ở để đánh thuế nhằm đảm bảo đơn giản, thuận lợi trong công tác quản lý thu thuế và phù hợp với thông lệ quốc tế (Ảnh minh họa).

Thực tế cho thấy, thời gian qua, dù giá BĐS được đẩy lên cao, nhưng với một bộ phận người đầu tư, đầu cơ giá BĐS thì thị trường này vẫn rất sôi động, kéo theo tình trạng đầu cơ, lướt sóng, thổi giá làm rối loạn thị trường. Dư nợ tín dụng liên quan đến BĐS cao hơn rất nhiều so với sản xuất, kinh doanh, tiềm ẩn rủi ro khi thị trường BĐS phát triển nóng, khó kiểm soát… Do đó, sử dụng công cụ thuế để điều tiết các hành vi đầu tư, khai thác, sử dụng tài nguyên BĐS là hoạt động cần thiết.

Theo Bộ Tư pháp, việc đánh thuế cần nghiên cứu theo nguyên tắc không áp dụng với nhà có mức đầu tư thấp như nhà tạm, nhà thiếu kiên cố, nhà ở nông thôn, miền núi.

Bên cạnh đó, cần đánh thuế nhà, đất lấn chiếm; nhà, đất chưa đưa vào sử dụng ở mức cao gấp 5 lần so với BĐS đã xây dựng. Bộ Tư pháp cũng đề xuất miễn thuế đối với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong khi đánh thuế cao với căn hộ cao cấp có giá trên 50 triệu đồng/m2…

Các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng Luật Thuế BĐS là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng để dự án Luật này khả thi, thì hệ thống pháp luật liên quan cần được hoàn thiện trước cũng như phải có lộ trình nghiên cứu kỹ trước khi ban hành, thực hiện.

Đại diện Hội Môi giới Việt Nam cho biết, thời gian qua, các cá nhân khi chuyển nhượng BĐS thường kê khai giá trị giao dịch thấp hơn nhiều so với giá trị mua bán thực tế làm giảm số thuế phải nộp. Việc quản lý thuế bất động sản quá dễ, dẫn đến những người đầu cơ dễ dàng lách thuế và đẩy giá đất tăng gấp nhiều lần. Nếu quy định chặt chẽ và áp thuế cao hơn đối với hành vi găm giữ bất động sản thời gian ngắn sẽ làm cho hành vi đầu cơ không thể trục lợi. Thời gian diễn ra càng nhanh thì thuế suất phải đóng càng cao, làm giảm sức hấp dẫn của việc lướt sóng bất động sản, hạn chế đầu cơ. Người dân sẽ được mua nhà với giá trị thực.

Tuy nhiên, quá trình hoàn thiện các chính sách thuế cũng cần phải được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành vào thời điểm thích hợp để đảm bảo tính khả thi, đồng thuận cao. Hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản bền vững, minh bạch dưới sự điều tiết, giám sát của Nhà nước, phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển...

Theo GS.Đặng Hùng Võ, việc đánh thuế với BĐS đã được các nước phát triển trên thế giới áp dụng từ lâu. Thuế BĐS là công cụ điều chỉnh rất tốt để ngăn chặn đầu cơ, hạn chế sốt đất cho thị trường nhưng tại Việt Nam, do thu nhập của phần lớn người lao động quá thấp, không có chi phí cho nhà ở nên thuế BĐS từ trước đến nay rất thấp, không đáng kể, điều này vô hình chung tạo điều kiện cho một bộ phận đầu cơ đất đai.

Trước khi đánh thuế, hệ thống quản lý đất đai, BĐS và quản lý thuế phải rõ ràng, minh bạch, kịp thời thông qua công nghệ số… Đồng thời, muốn xây dựng Luật Thuế BĐS hiệu quả, thiết thực thì cần phải thận trọng, đảm bảo đồng bộ các luật, trong đó có Luật Đất đai sửa đổi đang chờ được thông qua. Bởi đây là bộ luật “xương sống” của nhiều Luật khác có liên quan đến lĩnh vực đất đai, làm nền tảng để đưa ra các luật khác, bao gồm cả Luật Thuế BĐS nhằm đảm bảo tính khả thi, tính đồng thuận cao, góp phần hạn chế đầu cơ BĐS.

Trước đó, trong dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trước khi trình Chính phủ, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất thu thuế nhà đất, trong đó đáng chú ý là đề xuất thu thuế nhà đất thứ hai trở lên nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ nhà đất, đưa bất động sản về đúng giá trị thực và tăng thu cho ngân sách.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam chưa đủ khả năng đánh thuế, vì hiện có rất nhiều nguồn cung nhà ở nhưng chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu nhà đất trên phạm vi cả nước nên sẽ rất khó đánh thuế nhà đất. Do đó, cần có lộ trình và bước đi rõ ràng, đồng thời phải sớm xây dựng được cơ sở dữ liệu địa chính trên toàn quốc, xác định rõ đâu là đầu cơ, đâu là nhu cầu thực tế, tránh “đánh” thuế oan cho những đối tượng không đủ khả năng chi trả.

Đan Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load