(Xây dựng) – Ngày 6/10, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị trực tuyến với sự tham dự của 26 địa phương liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ Dự án 5 – Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan đồng chủ trì Hội nghị.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Thực hiện Nghị quyết 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 (Chương trình), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo và ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình (Quyết định 90) với nhiều chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ đến các Bộ, ngành, địa phương.
Thời gian qua, các Bộ đã triển khai các nhiệm vụ theo chương trình, mục tiêu của Quyết định 90, trong đó, Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì thực hiện Dự án 5 đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và kịp thời ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6 hướng dẫn hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình theo nhiệm vụ được giao nhằm quy định, hướng dẫn, quản lý, tổ chức thực hiện.
Cùng với đó, Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 10/2022/TT-BLĐTBXH ngày 31/5/2022 hướng dẫn giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 46/2022/TT-BTC ngày 28/7/2022 quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức, hướng dẫn thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao liên quan đến kế hoạch tổ chức thực hiện, các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nguồn vốn và phương án phân bổ kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 – 2025 và hàng năm. Đồng thời có các văn bản đôn đốc giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các địa phương (theo Công điện số 71/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các địa phương).
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Hội nghị. |
Đánh giá sơ bộ, các địa phương vào cuộc rất tích cực. Đến nay, 26 tỉnh đã phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn theo quy định của Thông tư 01 gửi Bộ Xây dựng… Tuy nhiên, kết quả đạt được còn khá khiêm tốn so với kế hoạch đề ra.
Do đó, Hội nghị mong muốn được lắng nghe ý kiến của các địa phương, đi thẳng vào vấn đề, kết quả thực hiện ra sao, khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị là gì? Trên cơ sở đó, cơ quan chủ trì sẽ tiếp thu và có trao đổi cụ thể với các địa phương nhằm đưa ra các giải pháp thực hiện kế hoạch 2023 đúng chỉ tiêu đã giao…
Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Hà Quang Hưng trình bày Báo cáo của Bộ Xây dựng về kết quả triển khai Dự án 5.
Theo kế hoạch triển khai Dự án 5, giai đoạn 2022 – 2023, tổng số vốn ngân sách Trung ương cấp cho các tỉnh là 1.620 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay ngân sách Trung ương mới cấp được 1.020 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 100% theo kế hoạch năm 2023, 63% theo kế hoạch năm 2022 – 2023).
Bên cạnh đó, đã có 26 tỉnh đã lập Đề án với tổng số 91.453 hộ cần hỗ trợ, tương ứng với tổng số vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương khoảng 3.015 tỷ đồng. Đồng thời cũng đã lập, phê duyệt kế hoạch, chương trình triển khai thực hiện, giám sát, đánh giá theo quy định; đã bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương đối ứng thực hiện khoảng 32,640 tỷ đồng (theo báo cáo của 11 tỉnh).
Tổng hợp báo cáo của 25/26, Bộ Xây dựng cho biết, đến hết tháng 9/2023, các địa phương đã và đang hỗ trợ 12.877 hộ/32.352 hộ, đạt tỷ lệ khoảng 39,7% kế hoạch năm 2023; đạt tỷ lệ khoảng 14,08% (12.877 hộ/91.453 hộ) kế hoạch giai đoạn 2022 – 2025; đã giải ngân vốn đã cấp từ ngân sách Trung ương khoảng 277,897 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 27,25% (277,897 tỷ đồng/1.020 tỷ đồng) năm 2023; đã giải ngân vốn ngân sách địa phương khoảng 32,640 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 3,26% (32,640 tỷ đồng/1.000 tỷ đồng) kế hoạch giai đoạn 2022 – 2025.
Tính đến hết quý III/2023, việc hỗ trợ mới đạt tỷ lệ 39,7% số hộ và 27,25% số vốn đã cấp từ ngân sách Trung ương. Vì vậy, việc hoàn thành kế hoạch và mục tiêu được giao về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trong năm 2023 cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các Bộ, ngành và địa phương.
Theo Bộ Xây dựng, việc thực hiện Dự án còn gặp phải những khó khăn khi công tác giải ngân vốn hỗ trợ từ cấp huyện đến cấp xã và đến các hộ nghèo, hộ cận nghèo còn chậm; nguồn kinh phí hỗ trợ của Dự án 5 chưa đủ cân đối để tiến hành xây dựng nhà theo đúng tiêu chuẩn 3 cứng theo quy định, dẫn đến một số trường hợp không đủ điều kiện kinh tế để cùng với kinh phí hỗ trợ của Nhà nước thực hiện xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở…
Một số ít trường hợp có nhà ở bị vướng mắc về đất đai, quy hoạch; không có quy định được vay thêm vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện xây nhà; một số trường hợp hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện được hỗ trợ đề nghị thay đổi hình thức từ sửa chữa sang xây mới và ngược lại; việc lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương với các nguồn vốn hợp pháp khác của các tổ chức, cá nhân theo hướng xã hội hóa tại các địa phương còn hạn chế.
Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, ngành tập trung, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện hỗ trợ đối với các địa phương, đặc biệt là các địa phương có tỷ lệ hỗ trợ thấp, giải ngân kém; Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm báo cáo về nguồn vốn hỗ trợ ngân sách Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ để Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt phê duyệt 2 chính sách để hộ nghèo có thể vay thêm vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cùng lồng ghép, thực hiện Dự án 5; trong giai đoạn 2024 – 2025, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính lập kế hoạch phân bổ vốn năm 2024 kịp thời cho các địa phương triển khai thực hiện hỗ trợ trong năm tiếp theo.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND các tỉnh tập trung rà soát lại Đề án đã phê duyệt để đảm bảo đúng đối tượng và điều kiện về nhà ở để đảm bảo việc hỗ trợ đúng quy định; chỉ đạo UBND cấp huyện, xã ưu tiên thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo thứ tự ưu tiên theo quy định; xác nhận khối lượng xây dựng hoàn thành theo giai đoạn và xác nhận hoàn thành công trình đưa vào sử dụng để sớm giải ngân vốn hỗ trợ; chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn, vận động cộng đồng ủng hộ, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo xây mới hoặc sửa chữa nhà ở; kiểm tra, giám sát, đánh giá và định kỳ có báo cáo gửi Bộ Xây dựng để tổng hợp.
Hội nghị cũng đã ghi nhận ý kiến tham luận đến từ 15 địa phương liên quan đến khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị, đề xuất tháo gỡ trong quá trình thực hiện Dự án 5.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ Dự án 5, đồng thời đảm bảo thực hiện tốt nhất các mục tiêu Dự án đã đề ra, UBND các tỉnh cần quyết tâm cao hơn nữa, biến ý chí thành hành động thực tiễn và cần có kế hoạch kiểm đếm, đánh giá tiến độ thực hiện Dự án theo tuần, tháng, quý…
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh, Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu toàn bộ đề xuất, kiến nghị của các địa phương tại Hội nghị để xem xét, điều chỉnh và kiến nghị điều chỉnh chính sách liên quan để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các địa phương trong quá trình triển khai Dự án 5. Trong đó, những nội dung đề xuất, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Xây dựng sẽ được Bộ sớm giải đáp cụ thể bằng văn bản gửi địa phương.
Bộ Xây dựng cũng sẽ có văn bản gửi các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương giải đáp những đề xuất kiến nghị liên quan, đồng thời tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo về những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện thực hiện công tác hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên; cần tổ chức kiểm đếm tiến độ công việc theo tuần, theo tháng, quý; đồng thời chú trọng xây dựng kế hoạch, giải pháp để thực hiện tốt nhất các mục tiêu, nhiệm vụ triển khai Dự án 5 trong năm 2023, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo...
Linh Đan
Theo