Thứ năm 21/11/2024 14:46 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính

08:35 | 21/11/2024

(Xây dựng) – Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng trong cuộc làm việc với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tiền Giang về kết quả cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong 10 tháng đầu năm 2024, diễn ra vào ngày 20/11, theo hình thức trực tuyến.

Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính
UBND các tỉnh đã tăng cường cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ. (Ảnh minh họa)

Các địa phương đẩy mạnh công bố công khai TTHC

Theo báo cáo, các địa phương đã hoàn thành tốt việc cải cách quy định TTHC. Trong công tác kiểm soát quy định TTHC trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, UBND tỉnh Bình Dương đã có ý kiến góp ý đối với 3 dự thảo Văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có quy định 9 TTHC và báo cáo đánh giá giá tác động.

Trong khi đó, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành nhiều quyết định về kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC, kiểm soát TTHC, cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Đối với công tác phân cấp trong giải quyết TTHC, UBND các tỉnh đã ban hành các Kế hoạch để phân cấp, ủy quyền giải quyết TTHC theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/08/2022 về phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết TTHC thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ; thực hiện đúng quy định về thẩm quyền giải quyết TTHC, dịch vụ công, đảm bảo thuận lợi hơn, tiết kiệm hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Đối với nhiệm vụ cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ, trên cơ sở Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/09/2022 của Thủ tướng Chính phủ, UBND các tỉnh đã ban hành Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022 – 2025. Trong đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa 249 TTHC nội bộ; UBND tỉnh Bình Phước 17 TTHC; UBND tỉnh Tiền Giang 2 TTHC.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đang tích cực rà soát, đánh giá TTHC, kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, TTHC liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Về cải cách việc thực hiện TTHC gắn với Bộ chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công trực tuyến, các địa phương đều nghiêm túc thực hiện việc công khai, minh bạch trong thực hiện TTHC.

Trong 10 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh Đồng Nai đã rà soát, công bố công khai 1.782 TTHC; UBND tỉnh Bình Phước công khai 1.782 TTHC; UBND tỉnh Bình Dương công khai 1.877 TTHC; UBND tỉnh Tiền Giang công khai 1.079 TTHC. Sau khi được công bố, các TTHC đều được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia và Cổng Dịch vụ công của tỉnh để công khai tới người dân, đảm bảo thông tin tra cứu chính xác, thống nhất. Ngoài ra, các địa phương còn tích cực đồng bộ, công khai quá trình giải quyết hồ sơ TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Về tiến độ, kết quả giải quyết TTHC, tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhận 1.103.421 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 98,43%. Tỉnh Bình Dương tiếp nhận 288.948 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 94,37%. Về tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, tỉnh Đồng Nai đạt 30,9%; tỉnh Bình Dương đạt 99,55%; tỉnh Tiền Giang đạt 50,56%.

Về tỷ lệ cấp kết quả giải quyết TTHC bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng, tỉnh Đồng Nai đạt 30,68%; tỉnh Bình Dương đạt 99,55%; tỉnh Tiền Giang đạt 56,77%.

Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Các tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến. (Ảnh minh họa)

Về thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tỉnh Đồng Nai đã triển khai 232 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần, 942 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Số liệu này của tỉnh Bình Dương là 1.027 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần và 672 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Về mức độ hài lòng, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tiền Giang đều có mức độ hài lòng đạt trên 17 điểm (trong tổng số 18 điểm).

Bên cạnh những kết quả đạt được, các địa phương cũng gặp một số khó khăn trong công tác cải cách TTHC. Đối với tỉnh Đồng Nai là các vướng mắc về việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ đầu tư, TTHC về lập quy hoạch tại các khu công nghiệp, thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại khu công nghiệp, thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua mạng...

Đối với tỉnh Bình Dương là bất cập về nền tảng thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, tổ chức thí điểm mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh…

Đối với tỉnh Bình Phước là vướng mắc trong rà soát, công bố TTHC nội bộ địa phương; chưa đồng bộ, thống nhất việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giải quyết TTHC giữa các Hệ thống thông tin điện tử Bộ, ngành với Hệ thống dịch vụ công tỉnh…

Đối với tỉnh Tiền Giang là hạn chế về thể chế, pháp luật liên quan đến kiểm soát, cải cách TTHC; nguồn lực tổ chức, biên chế, chế độ, chính sách, trang thiết bị làm việc đối với công tác cải cách TTHC

Trên cơ sở những khó khăn, hạn chế, UBND các tỉnh có đưa ra một số kiến nghị, đề xuất với Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành khác nhằm tăng cường cải cách TTHC tại các địa phương trong thời gian tới.

Tập trung thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực cùng kết quả đã đạt được của các địa phương trong công tác cải cách TTHC. “Những kết quả này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước mà còn mang đến sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Xây dựng hoàn toàn đồng tình với các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp được trình bày trong báo cáo”, Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng nhận định.

Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác cải cách TTHC vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập. Những vấn đề này cần được phân tích, làm rõ nguyên nhân, đề xuất những giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Để tiếp tục thúc đẩy cải cách TTHC, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng đề nghị các địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, về cải cách quy định TTHC, các địa phương cần tích cực rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc mạnh dạn đề xuất bãi bỏ những TTHC, quy định không cần thiết, gây phát sinh chi phí tuân thủ, đặc biệt tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.

Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Thứ trưởng đề nghị các địa phương cần tích cực rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc mạnh dạn đề xuất bãi bỏ những TTHC, quy định không cần thiết.

Các địa phương thúc đẩy phân cấp, ủy quyền gắn liền với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi công vụ các cấp, đồng thời tăng cường giám sát kiểm tra để xử lý nhanh chóng, giảm thiểu bước trung gian trong giải quyết TTHC.

Các địa phương cần chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương thực hiện phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC liên quan đến kinh doanh, quản lý dân cư và các lĩnh vực trọng yếu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Khẩn trương công bố đầy đủ TTHC nội bộ giữa cơ quan hành chính Nhà nước, đồng thời rà soát, đơn giản hóa quy trình nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, về thực hiện TTHC, Thứ trưởng đề nghị các địa phương đảm bảo công khai, minh bạch đầy đủ TTHC theo quy định; phấn đấu 100% hồ sơ TTHC được tiếp nhận và xử lý trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và phải liên thông, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia, tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp theo dõi, đánh giá.

Các địa phương cần đẩy mạnh việc số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC, gắn nhiệm vụ này với trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường tái sử dụng dữ liệu số hóa để cải thiện hiệu quả công việc, tránh lãng phí.

Thứ trưởng cũng lưu ý nhiệm vụ đẩy mạnh thực hiện Đề án 06, giải quyết các điểm nghẽn trong triển khai, nâng cấp các cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng công nghệ thông tin và chia sẻ dữ liệu, qua đó đơn giản hóa các giấy tờ hành chính và thúc đẩy các dịch vụ công trực tuyến đảm bảo an toàn, bảo mật cao.

Thứ ba, về trách nhiệm giải trình và chất lượng phục vụ, Thứ trưởng đề nghị tăng cường phát huy vai trò người đứng đầu trong đối thoại trực tiếp với người dân, doanh nghiệp; kịp thời tiếp nhận, xử lý, phản ánh, kiến nghị; chấn chỉnh tình trạng né tránh trách nhiệm hoặc trả lời chung chung.

Các địa phương cần định kỳ công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, nghiêm túc xử lý các trường hợp chậm trễ, tiêu cực trong giải quyết hồ sơ TTHC, đảm bảo thái độ phục vụ chuyên nghiệp, tận tâm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ và xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, làm phát sinh thêm TTHC không cần thiết.

Dịch Phong

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load