(Xây dựng) – Tại phiên họp ngày 26/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024. Theo đó, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nổi lên là các sai phạm lớn ở một số lĩnh vực như: quy hoạch, xây dựng, năng lượng, đấu thầu, quản lý tài sản công, quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản...
Quang cảnh phiên họp ngày 26/11. (Ảnh: Quốc hội) |
Khắc phục bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024 tại phiên họp. Theo đó, năm 2024, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) thường xuyên được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, nhất là Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC; các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có chức năng PCTNTC đã tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng…
Tuy nhiên, thời gian qua công tác PCTNTC vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như việc khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật còn chậm so với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được triển khai thực hiện toàn diện. Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm chậm được khắc phục. Việc truy bắt đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn. Giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn tồn đọng lớn.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong năm 2025 sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo và các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về PCTNTC.
Trong đó, nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiên quyết chấn chỉnh, xử lý tình trạng làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ sai không dám làm trong cán bộ, đảng viên.
Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về PCTNTC, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; giải quyết kịp thời các tố cáo, kiến nghị, phản ánh về tham nhũng, tiêu cực liên quan đến nhân sự đại hội đảng bộ các cấp; đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; đẩy mạnh công tác PCTNTC ở địa phương, cơ sở, khắc phục tệ “tham nhũng vặt” và tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”...
Tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn ra ở một số lĩnh vực như: quy hoạch, xây dựng, năng lượng, đấu thầu, quản lý tài sản công, quản lý, sử dụng đất đai…(Ảnh minh họa) |
Công tác phát hiện, xử lý tội phạm về tham nhũng cần được nâng cao
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, về cơ bản tán, Ủy ban Tư pháp tán thành với Báo cáo của Chính phủ đánh giá về tình hình tham nhũng, đồng thời nhận thấy, trong năm 2024, công tác PCTNTC tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt và hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương; nhiều chính sách, quy định mới về PCTNTC được ban hành, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc.
Thế nhưng, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nổi lên là các sai phạm lớn ở một số lĩnh vực như: quy hoạch, xây dựng, năng lượng, đấu thầu, quản lý tài sản công, quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản... Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn còn diễn ra.
Những sai phạm về tham nhũng, tiêu cực thời gian qua cho thấy có sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của nhiều tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức. Việc khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, hạn chế về năng lực, sợ sai không dám làm còn chậm. Nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN là thực trạng đã được nhận diện rõ từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân, trên cơ sở đó đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống hiệu quả.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật; thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong công tác xây dựng pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, đấu thầu, quản lý tài sản công, quản lý tài nguyên, khoáng sản; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tội phạm về tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng; tập trung chỉ đạo khắc phục những bất cập trong công tác giám định, định giá tài sản…
Linh Đan
Theo