Thứ sáu 08/11/2024 03:35 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Dấu ấn ngành Xây dựng năm 2023

07:54 | 31/12/2023

(Xây dựng) - Năm 2023, ngành Xây dựng đối diện với thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn vẫn nhiều hơn. Bằng sự quyết tâm chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Xây dựng, các đơn vị hành chính, sự nghiệp trực thuộc Bộ, các DN trong Ngành tập trung, nỗ lực thực hiện các chương trình, kế hoạch và đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Tốc độ tăng trưởng ngành Xây dựng ước đạt 7,3 - 7,5%. Cùng Báo Xây dựng nhìn lại thành quả đạt được của ngành Xây dựng trong năm 2023 qua một số dấu ấn quan trọng, nổi bật.

Dấu ấn ngành Xây dựng năm 2023
Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi)

Một trong những thành quả nổi bật nhất trong năm 2023 là Bộ Xây dựng đã chủ trì soạn thảo, tham mưu cho Chính phủ, trình và được Quốc hội khóa XV thông qua Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 ngày 27/11/2023, Luật Kinh doanh BĐS số 29/2023/QH15 ngày 28/11/2023.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Luật Nhà ở được sửa đổi nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành; bổ sung các quy định điều chỉnh vấn đề mới phát sinh, hoàn thiện chế tài xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm quy định pháp luật về nhà ở; đồng thời luật hóa các quy định dưới luật đã được thực tiễn khẳng định phù hợp... qua đó, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền có nhà ở của công dân, góp phần ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội.

Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 gồm 13 chương với 198 điều (tăng 15 điều so với Luật hiện hành), trong đó có một số điểm mới, như: Quy định yêu cầu chung về phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở; Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; Cải cách một số thủ tục về đầu tư dự án nhà ở, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; Bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Quy định cụ thể các chính sách về nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân, tạo thuận lợi cho người dân, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của người dân về nhà ở…

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, góp phần khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật; Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường BĐS, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; Bảo đảm thị trường BĐS phát triển ổn định, minh bạch, lành mạnh, bền vững, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và người dân theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Luật Kinh doanh BĐS số 29/2023/QH15 có 10 chương 83 điều (tăng 4 chương, 1 điều so với Luật hiện hành), trong đó bổ sung các quy định về: Kinh doanh quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án BĐS; Chuyển nhượng dự án BĐS; Hợp đồng kinh doanh BĐS; Xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS; Điều tiết thị trường BĐS…

Có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 nhưng ngay từ khi được Quốc hội thông qua, cả 2 Luật đã được cộng đồng DN, các hiệp hội đón nhận và phản hồi tích cực. Theo đó, các chính sách từ 2 Luật có thể tháo gỡ nhiều nút thắt của thị trường.

Đối với Luật Nhà ở, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu nhận định: Luật rất tích cực, phù hợp thực tiễn, bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật. Luật Nhà ở năm 2023 có chất lượng tốt nhất trong hơn 30 năm qua, kể từ Pháp lệnh Nhà ở năm 1991, Luật Nhà ở năm 2005 và Luật Nhà ở năm 2014 được ban hành…

Bộ Xây dựng hiện đang khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn dưới luật để trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền, đảm bảo có hiệu lực đồng bộ với 2 Luật.

Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030"

Đề án do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023, có mục tiêu: Phát triển NƠXH, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở để tạo điều kiện cho mọi người có chỗ ở theo cơ chế thị trường, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở, nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.

Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; Giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.

Ngay sau khi được phê duyệt, Bộ đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước, địa phương triển khai thực hiện Đề án như ban hành nhiều văn bản đôn đốc các địa phương thực hiện nhiệm vụ giao tại Đề án; Chủ trì tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai Đề án…

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị các Bộ, ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc và có giải pháp thực hiện hiệu quả Đề án.

Các địa phương đề xuất giải pháp thiết thực, hiệu quả, nhất là giải pháp về huy động mọi nguồn lực từ xã hội cùng tham gia, với sự hỗ trợ của Nhà nước, để thúc đẩy phát triển NƠXH.

Các DN, tập đoàn kinh doanh BĐS lớn, ngoài việc phát triển các dự án khu đô thị, nhà ở thì cần quan tâm hơn nữa đến đầu tư phát triển NƠXH dành cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, tại các địa phương, nhằm đảm bảo công tác an sinh, xã hội…

Bước đầu, việc triển khai Đề án đạt một số kết quả tích cực. Riêng năm 2023, các địa phương đã khởi công 10 dự án NƠXH, nhà ở công nhân trong khu công nghiệp, với tổng số gần 20 nghìn căn hộ.

Tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS

Với sự tham mưu và trình của Bộ Xây dựng, ngày 11/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững...

Dấu ấn ngành Xây dựng năm 2023
Trong năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì 2 hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS.

Mục tiêu của Nghị quyết gồm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn cho thị trường BĐS; Thúc đẩy thị trường BĐS phát triển, tăng nguồn cung, đồng thời điều chỉnh cơ cấu sản phẩm thị trường BĐS hợp lý hơn, chú trọng phát triển NƠXH, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân; Thường xuyên theo dõi, giám sát có hiệu quả tình hình thị trường để kịp thời có biện pháp, giải pháp phù hợp, nhằm ngăn chặn tình trạng thị trường "phát triển nóng" hoặc "đóng băng", tình trạng tung tin đồn thổi, đầu cơ thổi giá BĐS lên cao để trục lợi, mất cân đối cung - cầu và đảm bảo vận hành lành mạnh theo cơ chế thị trường.

Nghị quyết đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, nhằm hiện thực hóa mục tiêu nói trên, ở các phương diện: Pháp lý, tín dụng, cung - cầu BĐS…

Ngay khi Nghị quyết được ban hành, các chủ thể tham gia trên thị trường BĐS nhận định: Nghị quyết có các quan điểm và mục tiêu bám sát thực trạng những vấn đề tạo ra khó khăn, vướng mắc, lệch lạc của thị trường hiện tại, từ đó giao nhiệm vụ đến từng Bộ, ngành liên quan với những nhóm vấn đề sát thực tiễn… Nghị quyết tiếp thêm động lực để thị trường BĐS hồi phục và phát triển.

Cũng trong năm 2023, Bộ cũng đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức thành công 2 hội nghị do Thủ tướng chủ trì là Hội nghị phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững (ngày 14/7) và Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS (ngày 03/8).

Tại các hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện hệ thống khung pháp lý, chính sách đối với các hoạt động kiểm soát, điều chỉnh, hỗ trợ thị trường BĐS…

Năm 2023 cũng ghi nhận những nỗ lực của Bộ Xây dựng trong việc phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai hướng dẫn đối tượng, điều kiện của khách hàng, chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng thông qua 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước…

Lần đầu tiên tổ chức triển lãm EXPO Kiến trúc tại Việt Nam

Triển lãm EXPO Kiến trúc 2023, với chủ đề “Kiến trúc - Tạo lập không gian bền vững cho cộng đồng”, do Bộ Xây dựng phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam và UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức, từ ngày 08 - 10/9 tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Đây là lần đầu tiên triển lãm EXPO Kiến trúc được tổ chức tại Việt Nam.

EXPO Kiến trúc 2023 gồm 1 phiên khai mạc toàn thể, 2 hội thảo chuyên đề và 1 triển lãm kiến trúc diễn ra song song. Tại EXPO Kiến trúc 2023, các nhà quản lý, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kiến trúc - quy hoạch và các chuyên ngành khác liên quan, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã cùng thảo luận về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc…; Góp ý đối với khung chính sách nhằm đạt được các mục tiêu phát triển kiến trúc bền vững, đáp ứng yêu cầu biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh và thiên tai; Xây dựng hình ảnh kiến trúc Việt Nam hội nhập với kiến trúc khu vực và thế giới…

Phát biểu tại EXPO Kiến trúc 2023, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhận định: Kiến trúc Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong giai đoạn phát triển mới của đất nước - giai đoạn phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng của đất nước - với các thách thức truyền thống và phi truyền thống. Do đó, yêu cầu bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống cùng với xây dựng nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc cần được nghiên cứu kỹ và được cụ thể hóa hơn nữa với việc tiếp thu chọn lọc, ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng vật liệu mới, bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên, năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Cơ hội, yêu cầu mới đòi hỏi đội ngũ kiến trúc sư Việt Nam, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, các chủ đầu tư và công tác quản lý nhà nước về kiến trúc cần phải có những quan tâm nỗ lực, tiếp cận mới, có định hướng, giải pháp phù hợp, hiệu quả…

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 15/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là 1 trong 2 quy hoạch ngành thuộc hệ thống quy hoạch Quốc gia do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mục tiêu của quy hoạch là phát triển bền vững hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD, tương xứng với tiềm năng khoáng sản, đáp ứng tối đa nhu cầu nguyên liệu sản xuất VLXD cho nền kinh tế, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, cảnh quan; Hình thành ngành khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD tập trung, đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, phù hợp với xu thế của thế giới.

Giai đoạn đến năm 2030, phấn đấu đến năm 2030, ngành công nghiệp khai thác - chế biến các loại khoáng sản làm VLXD trở thành ngành công nghiệp hiện đại, áp dụng triệt để các giải pháp công nghệ thông tin, công nghệ định vị vào quản lý và sản xuất; Hạn chế các hoạt động sản xuất VLXD sử dụng không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới thiết bị khai thác, chế biến tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính; Đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và lợi thế cạnh tranh; Đầu tư các dự án khai thác, chế biến khoáng sản làm xi măng và đá hoa trở thành ngành công nghiệp chủ đạo, phát triển bền vững tương xứng với quy mô khoáng sản.

Giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050: Phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất VLXD thành ngành kinh tế mạnh, đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước; áp dụng triệt để công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi toàn diện công nghệ, thiết bị các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản tiên tiến, hiện đại theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tương đương với các nước tiên tiến khu vực châu Á, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050…

Bộ Xây dựng đồng thời chủ trì soạn thảo quy hoạch ngành trong hệ thống quy hoạch quốc gia khác là quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, đây là quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển hệ thống đô thị trong giai đoạn phát triển 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Là việc rất mới, rất khó mà chưa có tiền lệ trước đây…

Các vấn đề lớn được đề cập trong quy hoạch này gồm: Giải quyết điểm nghẽn trong tổ chức không gian đô thị hoá của Việt Nam, nhằm tăng cường tích tụ và thúc đẩy chuyển đổi kinh tế sang giá trị gia tăng cao hơn; Tạo nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của dân số đô thị; Kiểm soát không gian đô thị trên nguyên tắc đô thị hoá đất đai tương xứng với đô thị hoá dân số; Tạo cân bằng phát triển đô thị và nông thôn…

Quy hoạch hiện đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị Hội đồng thẩm định và đang được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đến nay, cả nước đã hoàn thành 317 dự án NƠXH khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 159.000 căn, với tổng diện tích hơn 8,1 triệu m2; Đang tiếp tục triển khai 419 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 432.500 căn với tổng diện tích khoảng 22,6 triệu m2…

Năm 2023 ngành Xây dựng thực hiện đạt một số chỉ tiêu

- Tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng, số giao dịch thanh toán của dịch vụ công đạt 59,89%...

- Tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa quy định, chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh đạt 50%...

- Tỷ lệ lập Quy hoạch chung đô thị đạt 100%.

- Quy hoạch phân khu tại đô thị đặc biệt và đô thị loại I ước tính đạt khoảng 79%, tại đô thị còn lại ước tính khoảng 55% so với đất xây dựng đô thị.

- Quy hoạch chi tiết tại đô thị đặc biệt và đô thị loại I ước tính khoảng 39%, các đô thị còn lại ước tính khoảng 23% so với diện tích đất xây dựng đô thị.

- Tỷ lệ số xã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên cả nước đạt khoảng 98,9%.

Quý Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load