Chủ nhật 02/02/2025 20:03 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Đảng Cộng sản Việt Nam - dấu ấn trưởng thành qua các kỳ Đại hội

14:34 | 02/02/2025

Kể từ ngày thành lập đến nay, Đảng Cộng sản đã trải qua 2 hội nghị và 13 kỳ đại hội.

Đảng Cộng sản Việt Nam - dấu ấn trưởng thành qua các kỳ Đại hội
Các đại biểu biểu quyết, thông qua Nghị quyết Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)

Mỗi kỳ Đại hội Đảng là một mốc lịch sử quan trọng ghi nhận những thắng lợi, thành tựu và những bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã giành được những thắng lợi vẻ vang: từ thành công của Cách mạng tháng Tám 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến thắng lợi của hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp (1945-1954) và đế quốc Mỹ (1954-1975) cho tới xây dựng một đất nước Việt Nam hội nhập, không ngừng phát triển như hiện nay.

Những thắng lợi vĩ đại trên có ý nghĩa lịch sử và thời đại, bắt nguồn từ đường lối lãnh đạo của Đảng, trước hết là việc hoạch định cương lĩnh đúng đắn, sáng tạo và có tính hiện thực cao; sự đoàn kết nhất trí một lòng của toàn Đảng, toàn dân vượt qua mọi khó khăn, gian khổ quyết tâm xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập và giàu mạnh.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời

Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản ở Việt Nam dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, từ ngày 3 đến ngày 7/2/1930 tại Cửu Long, gần Hương Cảng (Trung Quốc) mang tầm vóc lịch sử của Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng, vạch ra đường lối giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội của cách mạng Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam - dấu ấn trưởng thành qua các kỳ Đại hội
Từ ngày 6/1-7/2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam họp ở bán đảo Cửu Long, thuộc Hong Kong (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho Quốc tế Cộng sản. (Nguồn: Tranh tư liệu-TTXVN phát)

Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng họp tại Hương Cảng, Trung Quốc (từ ngày 14 đến ngày 31/10/1930), quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua Luận cương Chính trị, các Nghị quyết quan trọng về nhiệm vụ cần kíp vận động các đối tượng quần chúng cụ thể. Hội nghị đã bầu ra Ban chấp hành Trung ương chính thức của Đảng do đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng: Củng cố, phát triển lực lượng lãnh đạo toàn dân chống đế quốc, chống chiến tranh

Ngay sau khi thành lập, Đảng đã lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc giành những thắng lợi, mà đỉnh cao là cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), khẳng định đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng. Sau đó, thực dân Pháp xâm lược thẳng tay đàn áp, khủng bố phong trào yêu nước. Tổng Bí thư Trần Phú và nhiều người cộng sản bị bắt và đã anh dũng hy sinh. Cơ quan đầu não của Đảng không còn.

Theo chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, Ban chỉ huy ở nước ngoài (Ban Hải ngoại) của Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập đầu năm 1934, do ông Lê Hồng Phong làm Thư ký (Bí thư). Ban Hải ngoại giữ vai trò lãnh đạo và tổ chức lại cơ quan Trung ương của Đảng. Vượt qua cuộc khủng bố trắng ác liệt, Đảng và các phong trào cách mạng, các cơ sở quần chúng vẫn tồn tại, phát triển rộng khắp. Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản Lê Hồng Phong cùng các vị lãnh đạo trong nước tổ chức khôi phục phong trào, tổ chức của Đảng và chuẩn bị Đại hội.

Đại hội lần thứ I của Đảng diễn ra từ ngày 27 đến 31/3/1935, tại Macau, Trung Quốc, với sự tham gia của 13 đại biểu thuộc các đảng bộ trong nước và tổ chức của Đảng hoạt động ở nước ngoài, do đồng chí Hà Huy Tập chủ trì.

Đại hội đánh giá việc khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng và phong trào đấu tranh của quần chúng, đồng thời đề ra ba nhiệm vụ củng cố và phát triển Đảng, đẩy mạnh cuộc vận động quần chúng và mở rộng tuyên truyền chống đế quốc, chống chiến tranh.

Đại hội bầu Ban chấp hành Trung ương Đảng, gồm 13 người. Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử làm đại diện của Đảng bên cạnh Quốc tế Cộng sản. Đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Đảng Cộng sản Việt Nam - dấu ấn trưởng thành qua các kỳ Đại hội

Đại hội Đại biểu lần thứ I của Đảng là một sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu thắng lợi căn bản của cuộc đấu tranh giữ gìn và khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở.

Tháng 7/1936, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương họp ở Thượng Hải (Trung Quốc) để xác định chủ trương mới của Đảng về các vấn đề chiến lược và sách lược cách mạng ở Đông Dương. Hội nghị cử đồng chí Hà Huy Tập giữ chức Tổng Bí thư.

Tháng 3/1938, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp quyết định mở rộng hơn nữa Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương. Tại Hội nghị này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, sau đó được bầu làm Tổng Bí thư.

Tháng 11/1939, Ban Chấp hành Trung ương họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ quyết định điều chỉnh sự chỉ đạo chiến lược của cách mạng Đông Dương cho phù hợp hoàn cảnh mới. Từ đó, phong trào đấu tranh cách mạng trong cả nước diễn ra sôi nổi, báo hiệu cuộc Tổng khởi nghĩa toàn quốc của nhân dân sẽ nổ ra.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng: Đảng lãnh đạo toàn dân kháng chiến, kiến quốc

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Dân tộc Việt Nam, chế độ Việt Nam đứng trước những thách thức cực kỳ hiểm nghèo: Quân Tưởng tràn vào miền Bắc kéo theo các đảng phái phản động; được sự che chở của quân Anh, quân đội Pháp quay trở lại đánh chiếm miền Nam, với mục đích chung là bóp chết Nhà nước công nông đầu tiên còn non trẻ ở Đông Nam Á.

Cùng lúc, đất nước phải đối mặt với ba khó khăn, thù trong giặc ngoài và hậu quả 80 năm dưới ách đô hộ áp bức, bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến mà nặng nề nhất là nạn đói năm 1945 làm hơn 2 triệu người chết.

Trước thế “ngàn cân treo sợi tóc,” Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung lãnh đạo kháng chiến, khôn khéo loại dần những kẻ thù, tranh thủ thời gian để chuẩn bị điều kiện và lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài. Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, động viên toàn dân gia tăng gia sản xuất; tổ chức cuộc Tổng tuyển cử, bầu Quốc hội khóa I, thành lập Chính phủ và ban hành Hiến pháp năm 1946.

Để bảo vệ hòa bình độc lập dân tộc, Việt Nam kiên trì đàm phán, thương lượng với thực dân Pháp. Song bọn thực dân quyết xâm lược Việt Nam một lần nữa. Chúng gây hấn ở Lạng Sơn, Hải Phòng rồi tiến đánh Hà Nội. Càng nhân nhượng, chúng càng lấn tới, buộc dân tộc Việt Nam phải cầm súng chiến đấu.

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.” Ngay sau đó, ngày 22/12, Đảng ra Chỉ thị toàn dân kháng chiến.

Đảng Cộng sản Việt Nam - dấu ấn trưởng thành qua các kỳ Đại hội
Đại hội họp tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang từ ngày 11 đến 19/2/1951.(Nguồn: Tư liệu TTXVN)

Sau chiến thắng thu-đông năm 1947 và chiến dịch Biên giới năm 1950, thế và lực của cuộc chiến tranh nhân dân phát triển vượt bậc. Để tiếp tục phát triển đường lối kháng chiến, kiến quốc, Trung ương Đảng quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng.

Đại hội họp tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang từ ngày 11 đến 19/2/1951, với sự tham gia của 158 đại biểu chính thức, 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho hơn 760.000 đảng viên.

Đại hội đã quyết nghị đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi mới là Đảng Lao động Việt Nam, thông qua Chính cương, Tuyên ngôn và Điều lệ mới của Đảng. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 19 ủy viên chính thức và 10 ủy viên dự khuyết. Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư.

Đại hội lần thứ II của Đảng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của Đảng, đồng thời chuẩn bị mọi điều kiện để đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc thắng lợi. Đảng lãnh đạo nhân dân miền Bắc tiến hành khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang để bảo vệ miền Bắc, chi viện cho miền Nam.

Nhân dân miền Nam tiếp tục phải đương đầu với cuộc xâm lược của đế quốc Mỹ. Chúng dựng lên chế độ độc tài, mưu đồ biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ và chia cắt lâu dài đất Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam - dấu ấn trưởng thành qua các kỳ Đại hội
Đảng tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III từ ngày 5 đến 10/9/1960 tại Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Sự phát triển của cách mạng miền Bắc, cách mạng miền Nam tạo ra những chuyển biến tích cực cho cả nước. Đảng tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III từ ngày 5 đến 10/9/1960 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 525 đại biểu chính thức và 51 đại biểu dự khuyết thay mặt hơn 500.000 đảng viên.

Trong lời khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đại hội lần này là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà.”

Đại hội thông qua nhiệm vụ và phương hướng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Đại hội chỉ rõ nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng Việt Nam, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà của nhân dân Việt Nam.

Cách mạng miền Nam có vị trí rất quan trọng, quyết định trực tiếp sự nghiệp giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân chủ nhân dân trong cả nước.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 47 ủy viên chính thức và 31 ủy viên dự khuyết. Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu lại làm Chủ tịch Đảng (Người giữ cương vị này cho đến khi qua đời, tháng 9/1969); đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội

Bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng vĩ đại: giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới.

Đại hội đại biểu lần thứ IV của Đảng diễn ra từ ngày 14 đến 20/12/1976, tại Hà Nội. Đại hội quyết định đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua điều lệ mới của Đảng.

Đảng Cộng sản Việt Nam - dấu ấn trưởng thành qua các kỳ Đại hội
Đại hội đại biểu lần thứ IV của Đảng diễn ra từ ngày 14 đến 20/12/1976, tại Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Đại hội tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, nêu những bài học kinh nghiệm lớn với nhiều nội dung phong phú, sâu sắc, đồng thời khẳng định con đường cách mạng của cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đường lối, chủ trương xuyên suốt giai đoạn này là thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc, cải tạo xã hội chủ nghĩa, hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục; xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội; củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự-an toàn xã hội, tăng cường công tác xây dựng Đảng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn mới.

Đại hội xác định đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Đại hội quyết định đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua điều lệ mới của Đảng. Đại hội đặt lại chức Tổng Bí thư thay chức Bí thư thứ nhất; bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 101 ủy viên chính thức và 32 ủy viên dự khuyết. Bộ Chính trị gồm 14 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng: Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân

Từ Đại hội lần thứ IV đến Đại hội V của Đảng là những năm đầu cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, đất nước thống nhất bước vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội lần IV của Đảng, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã ra sức khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế giành thắng lợi trên nhiều lĩnh vực.

Song nền kinh tế-xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức mới. Đảng, Nhà nước ban hành một số chủ trương, chính sách mới về phát triển kinh tế.

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV (tháng 8/1979) bàn về giải pháp khắc phục những yếu kém trong quản lý kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa, điều chỉnh những chủ trương, chính sách kinh tế, xóa bỏ rào cản, mở đường cho sản xuất phát triển; đổi mới công tác kế hoạch hóa, kết hợp kế hoạch với thị trường, kết hợp 3 lợi ích: Nhà nước, tập thể, cá nhân người lao động…

Nghị quyết Trung ương 6 (khóa IV) đã tạo động lực mới cho kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp và công nghiệp hàng tiêu dùng phát triển. Chỉ thị 100 tháng 10/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp đã bước đầu tạo khí thế mới trong sản xuất.

Công tác quản lý kinh tế bắt đầu chuyển đúng hướng. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được vẫn còn không ít khó khăn như: chưa thu hẹp được những mất cân đối nghiêm trọng của nền kinh tế quốc dân; thu nhập quốc dân chưa bảo đảm cho tiêu dùng xã hội, nền kinh tế chưa tạo được tích lũy.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng đã họp từ ngày 27 đến 31/3/1982 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 1.033 đại biểu, thay mặt hơn 1,72 triệu đảng viên trong cả nước và 47 đoàn đại biểu quốc tế.

Đại hội đã chỉ ra nguyên nhân khách quan, chủ quan của khó khăn, yếu kém. Đại hội đã thẳng thắn nêu lên nguyên nhân chủ quan, đó là những sai lầm về lãnh đạo và quản lý kinh tế, quản lý xã hội.

Trên cơ sở đó, Đại hội vạch ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu về kinh tế-xã hội từ năm 1981 đến 1985, đề ra hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đại hội khẳng định tiếp tục thực hiện đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Đại hội lần thứ IV của Đảng đã đề ra.

Đại hội thông qua Điều lệ (sửa đổi) của Đảng và bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 116 ủy viên chính thức và 36 ủy viên dự khuyết; đồng chí Lê Duẩn được Ban Chấp hành Trung ương bầu lại làm Tổng Bí thư.

Đảng Cộng sản Việt Nam - dấu ấn trưởng thành qua các kỳ Đại hội
Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm phân xưởng sản xuất của Xí nghiệp Sản xuất Máy khâu Thăng Long (1982). (Ảnh: Thế Trung/TTXVN)

Sau Đại hội, tình hình kinh tế, nhất là tình hình thị trường giá cả tiếp tục diễn biến xấu, tiền lương thực tế liên tục bị giảm sút.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 đã bàn và quyết định vấn đề cải cách một bước giá cả, tiền lương, tài chính, tiền tệ để xóa bỏ quan liêu, bao cấp, chuyển hẳn sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh sản xuất và kinh doanh có hiệu quả.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng: Đổi mới toàn diện đất nước vì thắng lợi của chủ nghĩa xã hội

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV, lần thứ V và các nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương của các nhiệm kỳ đại hội đó, nhân dân Việt Nam đã phấn đấu vượt qua khó khăn, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đã tiến thêm một bước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, nền kinh tế-xã hội Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn. Việt Nam đã mắc những sai lầm trong bố trí cơ cấu kinh tế, nhất là ở lĩnh vực đầu tư và xây dựng cơ bản của những năm 1976-1980, đã để lại hậu quả nặng nề.

Thực tiễn đất nước đặt Đảng trước những thách thức to lớn, đòi hỏi phải đổi mới phương pháp lãnh đạo, trước hết là đổi mới tư duy.

Đảng Cộng sản Việt Nam - dấu ấn trưởng thành qua các kỳ Đại hội
Đại hội đại biểu lần thứ VI của Đảng diễn ra từ ngày 15 đến 18/12/1986, tại Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Đại hội đại biểu lần thứ VI của Đảng diễn ra từ ngày 15 đến 18/12/1986, tại Hà Nội. Dự Đại hội có 1.129 đại biểu thay mặt gần 1,9 triệu đảng viên trong toàn Đảng, và 32 đoàn đại biểu quốc tế.

Đại hội VI đã đề ra đường lối đổi mới. Đại hội xác định đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực, trọng tâm trước mắt là đổi mới chính sách kinh tế, giữ vững ổn định chính trị là tiền đề bảo đảm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới.

Về phương hướng cơ bản của chính sách kinh tế-xã hội, Đại hội nêu rõ tư tưởng chỉ đạo là bố trí lại cơ cấu sản xuất, điều chỉnh lớn cơ cấu đầu tư, bố trí lại nền kinh tế quốc dân theo cơ cấu hợp lý; đổi mới cơ cấu kinh tế giữa các ngành, thực hiện bằng được ba chương trình mục tiêu về lương thực, thực phẩm; hàng tiêu dùng và xuất khẩu.

Xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế. Phát huy mạnh mẽ động lực khoa học kỹ thuật. Mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại. Thực hiện công bằng xã hội, lối sống có văn hóa; đảm bảo an toàn xã hội, khôi phục trật tự, kỷ cương trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội…

Đại hội quyết định bổ sung và sửa đổi một số điểm cụ thể trong Điều lệ Đảng cho phù hợp với tình hình mới; và bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa VI, gồm 124 ủy viên chính thức và 49 ủy viên dự khuyết. Ông Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng: Đưa Việt Nam vượt qua thử thách, đi dần vào thể ổn định và phát triển năng động, vững chắc.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, công cuộc đổi mới đất nước đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều yếu kém và khó khăn. Nhiều vấn đề kinh tế-xã hội nóng bỏng chưa được giải quyết.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII từ ngày 24 đến 27/6/1991, tại Hà Nội. Dự đại hội có 1.176 đại biểu đại diện cho 2,1 triệu đảng viên trong cả nước. Đại hội đã kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và tổng kết kinh nghiệm bước đầu về tiến hành công cuộc đổi mới. Đó là phải giữ vững định hướng Xã hội Chủ nghĩa trong quá trình đổi mới; phải đổi mới toàn diện, đồng bộ và triệt để nhưng phải có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp; phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần phải đi đôi với tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước về kinh tế-xã hội.

Đảng Cộng sản Việt Nam - dấu ấn trưởng thành qua các kỳ Đại hội
Đồng chí Đỗ Mười và các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng. (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)

Đại hội thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2000; Báo cáo xây dựng Đảng và sửa đổi bổ sung một số điểm trong Điều lệ Đảng.

Cương lĩnh chính trị nêu rõ những đặc trưng của xã hội Xã hội Chủ nghĩa mà nhân dân xây dựng và những phương hướng cơ bản để xây dựng thành công Xã hội Chủ nghĩa ở Việt Nam.

Đại hội khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Marx-Lenin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng; tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin trong điều kiện Việt Nam.

Đại hội đã quyết định phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong 5 năm 1991-1995 với mục tiêu tổng quát và phương châm chỉ đạo là vượt qua khó khăn, thử thách, ổn định và phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường ổn định chính trị, đẩy lùi tiêu cực và bất công xã hội, đưa Việt Nam cơ bản ra khỏi tình trạng khủng hoảng.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 146 ủy viên. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Các đồng chí: Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công được giao trách nhiệm là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng: Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Đại hội lần thứ VIII của Đảng diễn ra từ ngày 28/6 đến 1/7/1996, tại thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của 1.196 đại biểu đại diện cho 2 triệu đảng viên trong toàn Đảng và hơn 40 đoàn quốc tế.

Đại hội tổng kết chặng đường 10 năm đổi mới, rút ra một số bài học chủ yếu và xác định rõ giai đoạn 1996-2000 là bước rất quan trọng của thời kỳ phát triển mới - đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đảng Cộng sản Việt Nam - dấu ấn trưởng thành qua các kỳ Đại hội
Đại hội lần thứ VIII của Đảng diễn ra từ ngày 28/6 đến 1/7/1996, tại thủ đô Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Nhiệm vụ của nhân dân Việt Nam là tập trung mọi lực lượng, tranh thủ thời cơ, vượt qua thử thách, đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện và đồng bộ, tiếp tục phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa.

Phấn đấu đạt và vượt mục tiêu đề ra trong Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2000, đó là tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả cao và bền vững đi đôi với giải quyết các vấn đề bức xúc về xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao tích lũy từ nội bộ nền kinh tế, tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển cao hơn vào đầu thế kỷ sau.

Đồng thời, kiên quyết giữ vững ổn định chính trị và định hướng Xã hội Chủ nghĩa trong quá trình phát triển; tạo chuyển biến căn bản trong sự nghiệp xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước, trọng tâm là cải cách nền hành chính, mở rộng dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; mở rộng quan hệ đối ngoại, củng cố và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 170 đồng chí. Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị gồm 19 đồng chí. Đồng chí Đỗ Mười được bầu lại làm Tổng Bí thư của Đảng. Các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tại Hội nghị lần thứ 4 khóa VIII (từ ngày 23 đến 29/12/1997), Ban Chấp hành Trung ương Đảng chấp nhận đề nghị của Tổng Bí thư Đỗ Mười về việc chuyển giao chức vụ Tổng Bí thư; bầu đồng chí Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí thư của Đảng. Ba đồng chí Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng: Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Với khẩu hiệu hành động: “Trí tuệ, Dân chủ, Đoàn kết, Đổi mới,” Đại hội lần thứ IX của Đảng họp từ ngày 19/4 đến 22/4/2001 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 1.168 đại biểu thay mặt cho hơn 2,4 triệu đảng viên trong toàn Đảng và 35 đoàn đại biểu quốc tế.

Đại hội có nhiệm vụ lịch sử nhìn lại chặng đường 70 năm cách mạng Việt Nam; tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng VIII, 15 năm đổi mới đất nước, 10 năm thực hiện Chiến lược kinh tế-xã hội; rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc từ đó phát triển và hoàn thiện đường lối cách mạng cho thời kỳ tới là phấn đấu nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, động viên và phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đảng Cộng sản Việt Nam - dấu ấn trưởng thành qua các kỳ Đại hội
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng họp từ ngày 19/4 đến 22/4/2001 tại Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Đại hội đã thông qua Báo cáo Chính trị với chủ đề “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.”

Về con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam, Đại hội IX khẳng định Đảng và nhân dân quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường Xã hội Chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Về đường lối phát triển kinh tế-xã hội, Nghị quyết Đại hội IX của Đảng nêu rõ: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp, ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa; phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững; tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường; kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng an ninh.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX gồm 150 đồng chí. Đồng chí Nông Đức Mạnh được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Tổng Bí thư.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng họp từ ngày 18 đến 25/4/2006, tại Hà Nội. Dự Đại hội có 1.176 đại biểu thay mặt cho hơn 3,1 triệu đảng viên trong toàn Đảng.

Đại hội thông qua Báo cáo Chính trị, Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010 và Báo cáo về công tác xây dựng Đảng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX trình Đại hội; giao Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X căn cứ vào kết quả biểu quyết và những kết luận của Đại hội để hoàn chỉnh và chính thức ban hành.

- Thông qua toàn văn Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam đã được bổ sung, sửa đổi.

- Giao Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X và các cấp ủy, tổ chức Đảng xây dựng chương trình và kế hoạch hành động cụ thể để tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối và những chủ trương đã nêu trong các văn kiện Đại hội.

Đảng Cộng sản Việt Nam - dấu ấn trưởng thành qua các kỳ Đại hội

Các văn kiện được thông qua tại Đại hội lần này là kết tinh trí tuệ và ý chí của toàn Đảng, toàn dân, là sự tổng kết sâu sắc thực tiễn và lý luận 20 năm đổi mới để tiếp tục hoàn thiện và phát triển đường lối, quan điểm đổi mới trong giai đoạn cách mạng hiện nay của đất nước.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X gồm 160 ủy viên chính thức và 21 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu lại làm Tổng Bí thư của Đảng.

Đại hội kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX, tổng kết 20 năm đổi mới, xác định mục tiêu phương hướng phát triển đất nước 5 năm tới.

Đại hội quyết định mục tiêu tổng quát 5 năm tới là, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển văn hóa; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; tăng cường quốc phòng và an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị-xã hội; sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đại hội cũng nêu rõ thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế.

Đại hội lần thứ XI của Đảng: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước

Đại hội lần thứ XI của Đảng họp từ ngày 12 đến 19/1/2011, tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của 1.377 đại biểu, thay mặt cho hơn 3,6 triệu đảng viên trong toàn Đảng.

Đại hội thảo luận, thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020; Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X; Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi) và nhiều văn kiện quan trọng khác.

Đảng Cộng sản Việt Nam - dấu ấn trưởng thành qua các kỳ Đại hội
Chiều 13/1/2011, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình-Hà Nội), các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)

Các văn kiện được thông qua tại Đại hội lần này là sự tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn 20 năm thực hiện Cương lĩnh, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (2001-2010) và 5 năm thực hiện phương hướng, nhiệm vụ kinh tế-xã hội (2006-2010), là sự kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân ta; là sự tiếp tục khẳng định, hoàn thiện và phát triển quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng ta theo tinh thần chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh; xác định mục tiêu, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân tộc ta trong giai đoạn phát triển mới đầy triển vọng và không ít thách thức của cách mạng nước ta từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Đại hội đặc biệt coi trọng và nhấn mạnh rằng, trong những năm tới, xây dựng Đảng là một nhiệm vụ trọng yếu, là nhân tố quyết định để giữ vững vai trò và nâng cao chất lượng lãnh đạo của Đảng, để Đảng thực sự xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI gồm 175 đồng chí Ủy viên chính thức và 25 đồng chí Ủy viên dự khuyết. Tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị gồm 14 đồng chí; Ban Bí thư gồm bốn đồng chí. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Đại hội lần thứ XII của Đảng: Bước vào kỷ nguyên hội nhập và phát triển

Đại hội lần thứ XII của Đảng họp từ ngày 20 đến 28/1/2016 tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của 1.510 đại biểu được tổ chức thành 68 đoàn. Đây là Đại hội có số lượng đại biểu đông nhất trong 12 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng.

Đại hội được tổ chức sau 30 năm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thực hiện công cuộc Đổi mới kể từ Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986).

Đại hội lần thứ XII là Đại hội đầu tiên Đảng thực hiện Đề án: “Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.”

Đảng Cộng sản Việt Nam - dấu ấn trưởng thành qua các kỳ Đại hội
Sáng 28/1/2016, Lễ bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội). Đại hội diễn ra từ ngày 20 đến 28/1/2016 với sự tham dự của 1.510 đại biểu, đại diện cho hơn 4,5 triệu đảng viên trên cả nước. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII. Trong ảnh: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên bế mạc Đại hội XII. (Nguồn: TTXVN)

Trên cơ sở Đề án quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, bài bản, khoa học, thận trọng và thực sự phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, tạo được sự thống nhất cao của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI và của các đại biểu Đại hội.

Đại hội lần thứ XII được đánh giá là Đại hội Đổi mới lần hai. Kế thừa và phát huy các nghị quyết Đại hội Đảng trước đây, các văn kiện Đại hội lần này chứa đựng nhiều nội dung tư tưởng mới, xác định lộ trình, mục tiêu và những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đưa đất nước phát triển toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Trong đó, Đảng ta xác định: Phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

Tại Đại hội lần này, công tác xây dựng Đảng được đề cập ở vị trí đầu tiên trong tiêu đề của báo cáo Chính trị, là nhiệm vụ đầu tiên trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ, cho thấy Đảng ta nhận thức rõ vị trí đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay.

Với tinh thần trách nhiệm cao, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa mới gồm 200 đồng chí, trong đó 180 đồng chí Ủy viên chính thức, 20 đồng chí Ủy viên dự khuyết. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã họp để bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tín nhiệm bầu tiếp tục giữ chức vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Đại hội được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đạt được nhiều thành quả rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật; góp phần tô đậm những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới; 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991; 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020.

Đại hội XIII của Đảng họp từ ngày 25/1 đến ngày 1/2/2021, tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1.587 đại biểu, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên trong cả nước.

Đại hội XIII không chỉ đánh giá chiến lược 10 năm, mà nhìn nhận, đánh giá lại toàn diện 35 năm đổi mới của đất nước, những kết quả đạt được nổi bật và Đại hội đã đi đến thống nhất đánh giá là đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay, được đưa vào trong Nghị quyết của Đại hội.

Đảng Cộng sản Việt Nam - dấu ấn trưởng thành qua các kỳ Đại hội
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam nghe đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đọc Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. (Nguồn: TTXVN)

Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới và hướng tới định hướng cho đất nước phát triển, 100 năm kỷ niệm ngày thành lập Đảng, 100 năm kỷ niệm thành lập Nước. Tinh thần của Đại hội, không khí, quyết tâm đó là khát vọng của đại biểu, của các tầng lớp nhân dân xây dựng đất nước phát triển.

Đại hội XIII đã bầu chọn 200 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa mới, trong đó có 180 Ủy viên chính thức, 20 Ủy viên dự khuyết. Tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã bầu Bộ Chính trị gồm 18 đồng chí.

Ban Bí thư Trung ương khóa XIII gồm một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư và 5 đồng chí được bầu tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Với sự thống nhất rất cao, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp tục giữ chức vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Ngày 19/7/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế. Suốt cuộc đời cống hiến vì nước, vì dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại hệ thống tư tưởng và lý luận quý giá về con đường cách mạng Việt Nam trong thời đại mới; là tấm gương sáng ngời về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ngày 3/8/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tín nhiệm bầu đồng chí Tô Lâm làm Tổng Bí thư.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội bầu đồng chí Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Quốc hội; tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước đối với đồng chí Tô Lâm và bầu đồng chí Lương Cường làm Chủ tịch nước.

Đảng Cộng sản Việt Nam - dấu ấn trưởng thành qua các kỳ Đại hội
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội tặng hoa chúc mừng Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường. (Nguồn: TTXVN)

Việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt đã thể hiện tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta giữ vững ổn định và phát triển đất nước, tạo đà vững chắc tiến vào kỷ nguyên mới.

Lần đầu tiên Bộ Chính trị quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với lãnh đạo chủ chốt, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc do vi phạm trong thời gian giữ chức vụ Thủ tướng và đồng chí Vương Đình Huệ trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội.

Qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 35 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa.

Trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.”

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chỉ rõ, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đang ra sức phấn đấu bứt tốc, sớm về đích thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hướng đến kỷ niệm 80 năm giành độc lập, 50 năm thống nhất đất nước, quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được sống trong môi trường an ninh, an toàn, an tâm, không ai bị bỏ lại phía sau, qua đó thực hiện đúng ước nguyện trong di chúc của Bác Hồ đó là “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới."

Trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam nhân dịp Năm mới 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định giờ đây, chúng ta bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, khởi đầu bằng sự kiện trọng đại - Đại hội XIV của Đảng. Kỷ nguyên trước tạo tiền đề cho kỷ nguyên sau, kỷ nguyên sau kế thừa, phát triển thành tựu của kỷ nguyên trước, làm cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ngày càng hòa quyện, phát triển không ngừng. Ý Đảng hòa quyện lòng dân, khát vọng đưa đất nước vươn mình tiến vào kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là kỷ nguyên phát triển bứt phá, tăng tốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc; đuổi kịp, tiến cùng, sánh vai với các cường quốc năm châu./.

Đảng Cộng sản Việt Nam - dấu ấn trưởng thành qua các kỳ Đại hội
(Ảnh: Hoàng Anh Tuấn/TTXVN)

Theo (Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load