Thứ năm 25/04/2024 17:42 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Dân nghèo đô thị thế giới ra sao mùa Covid-19?

15:39 | 20/07/2020

(Xây dựng) - Do tác động của đại dịch Covid-19, lần đầu tiên kể từ năm 1990, mức độ nghèo khổ trên toàn cầu sẽ gia tăng khiến “một thập niên tiến bộ” sẽ bị đánh mất. Thậm chí, ở một số nơi bị đại dịch tác động mạnh như khu vực Bắc Phi, cận Sahara châu Phi và Trung Đông, Mỹ Latinh, những tiến bộ đạt được trong 30 năm qua ở những nước này có thể bị tiêu tan.

dan ngheo do thi the gioi ra sao mua covid 19
Tại các khu ổ chuột Ấn Độ, vài chục người phải dùng chung một toilet, làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo virus Covid-19 (Ảnh: CNN).

Đại dịch Covid-19 được các chuyên gia đánh giá là đại dịch nguy hiểm nhất trong lịch sử nhân loại, đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người trên thế giới và nguy hiểm vẫn không ngừng rình dập. Vì sự nguy hiểm của Covid-19, có những việc làm và thói quen xưa nay chưa từng áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới, nay lại được thực hiện theo cách bất khả kháng. Người dân đô thị, đặc biệt dân nghèo là nhóm người chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ đại dịch này.

Ấn Độ

Những người dân sống trong các khu nghèo khó thiếu an toàn của thành phố đông dân nhất Ấn Độ - Mumbai hiện đang chịu đựng sự tù túng, cơ cực. Bên trong những ngôi nhà ngột ngạt của một khu phố tồi tàn Dharavi của Mumbai, tại đây người dân có cuộc sống ảm đạm, vật vờ dưới lệnh phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt.

Dharavi là khu nghèo khó lớn nhất châu Á, cũng là một trong những nơi có nguy cơ lây nhiễm virus corona trong cộng đồng cao nhất. Ở Dharavi, có khoảng 1 triệu người dân đang trong tình trạng cầm cự qua ngày nhờ vào sự quyên góp của cộng đồng. Bắt đầu từ cuối tháng 3 vừa qua, cuộc sống của họ trở nên cơ cực và từ đó đến nay, cuộc sống này vẫn vô vàn khó khăn khi tình hình dịch bệnh không thuyên giảm, nguy hiểm vẫn đang rình rập khắp nơi.

Tại đây, hàng trăm người chen chúc trong một phòng tắm nhỏ. Nguồn nước sinh hoạt thiếu độ an toàn. Khẩu trang, xà phòng hay nước rửa vệ sinh đã trở thành thứ đồ khan hiếm. Khi dịch bệnh gia tăng, người dân ở đây càng cảm thấy bất an. Họ sống trong sự nơm nớp lo lắng. Người dân phải dùng khăn của họ thay cho khẩu trang.

Ở khu vực cách ly thì vô cùng đơn sơ. Người ta dựng lên các rào chắn bằng xe đẩy, xe đạp, thậm chí bằng gậy guộc, hết sức thô sơ. Rồi người ta cũng viết lên đó dòng chữ “khu vực cách ly” để nhắc mọi người không nên đến gần.

Vì cuộc sống vẫn phải diễn ra hàng ngày nên bên trong các khu này có nhiều đám đông chen chúc mua bán vật dụng như hành tỏi, rau cỏ… Tuy nhiên, ai cũng nhanh chóng đến rồi đi một cách tự giác. Thế nhưng, vì phải quanh quẩn suốt ngày trong một khu chật hẹp nên có vẻ ai cũng u uất.

Cảnh sát khu vực như thế này rất vất vả, bởi vì người dân hầu như không có gì để mất nên họ chẳng muốn tuân theo mệnh lệnh. Cũng có những cảnh sát “rắn” trừng phạt những người vi phạm bằng cách bắt họ ngồi dưới trời nắng hoặc quất bằng roi. Còn nhân viên y tế cũng thật gian nan khi kiểm tra sức khỏe người dân nơi đây. Bởi vì, hầu như ở đâu họ cũng bắt gặp cảnh người yếu ớt, bơ phờ, rệu rã như trực có bệnh sẵn. Số người ốm đau, mắc bệnh nhiều khiến nhân viên y tế quá tải.

Hong Kong

Những người đô thị nghèo tại Hong Kong thì dường như chọn giải pháp đi cách ly, thậm chí ngủ ngoài đường còn an toàn hơn ở trong nhà trọ. Bởi vì theo họ, nơi trọ này chẳng khác gì cỗ "quan tài". Nó quá chật hẹp, quá bí bức.

Một căn hộ 47m2 được chia nhỏ ra cho tới 17 người khác cùng sinh sống nên mức độ chật hẹp chỉ đủ cho người ta ngả lưng mà thôi. Mỗi người có một công việc khác nhau. Họ ra ngoài mỗi ngày và chẳng biết họ tiếp xúc với ai cả nên mức độ lây nhiễm là rất cao. Tại đây có khoảng 210.000 người có mức thu nhập thấp sinh sống trong những căn hộ được chia nhỏ bất hợp pháp. Toàn bộ căn phòng lớn ở chỉ có đúng một cửa sổ.

Chính vì điều ấy nên khi mà họ bị phát hiện nguy cơ nhiễm bệnh, họ lại thấy cuộc sống trong khu cách ly có phần tốt hơn nhiều so với khu trọ. Trong khu vực cách ly chỉ có 6 người một phòng và được chính quyền cấp 3 bữa ăn một ngày.

Vì quá khổ cực trong khu nhà trọ, rất nhiều người đã chọn giải pháp ngủ tại đường hầm đi bộ dưới Trung tâm Văn hóa Hong Kong mỗi đêm. Người ta lấy những chiếc hộp bằng giấy rồi cuộn tròn mình trong đó ngủ. Theo họ, thà ngủ ở đây còn tốt hơn là trong nhà trọ nhồi nhét hàng chục người kia, ít ra ngoài đường còn có gió thông thoáng. Còn những đứa trẻ của người dân nghèo phải ở nhà hàng tháng trời vì dịch bệnh. Vì thế, nhiều trường hợp trẻ trở nên tự kỷ và thay đổi tính nết. Chúng thường la hét, cáu bẳn và dễ bị kích động. Bên cạnh đó, những gia đình thu nhập thấp tại Hong Kong phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt khẩu trang y tế, các sản phẩm vệ sinh.

Malaysia

Covid-19 đã và đang đẩy hàng trăm nghìn người lao động nghèo tại Malaysia vào cảnh chen chúc trong những căn nhà nhỏ nhoi. Hiện nay, khoảng hàng trăm nghìn người có thu nhập thấp và hàng triệu lao động nước ngoài ở Malaysia đang chịu cảnh chen chúc trong những khu dân sinh chật chội. Để tiết kiệm chi phí, những căn nhà 60 mét vuông tại đây thường là không gian sống chung của hơn 10 người.

Thế nhưng, để thuê những căn nhà như vậy cũng không dễ dàng. Những tòa nhà giá rẻ tại Malaysia luôn trong tình trạng hết chỗ. Nhiều thế hệ trong một gia đình cùng sống trong một không gian chật chội xảy ra khá phổ biến tại nước này, vào thời kỳ Covid-19 lại càng nhận thấy rõ.

Do sự phổ biến của xu hướng sống hiện đại, các căn hộ dưới dạng không gian sống chung chật hẹp ngày càng trở nên thu hút với những khách du lịch. Một căn chung cư cao cấp sẽ được chia thành nhiều phòng nhỏ, khách thuê sẽ sử dụng chung các tiện ích như phòng khách, phòng bếp hay phòng gym. Thế nên, tình hình lây nhiễm rất đáng sợ ở những khu này.

Trong khi đó, chính quyền đô thị tại đây áp dụng các biện pháp phòng chống lây nhiễm Covid-19 khá nghiêm ngặt, phần nào trấn an các cư dân sống tại đây. Ban quản lý tòa nhà đã rất nghiêm túc và cẩn trọng trong việc phòng chống Covid-19. Những người ra vào tòa nhà đều sẽ được đo thân nhiệt và liên hệ trợ giúp y tế nếu nhiệt độ cơ thể từ 37 độ trở lên.

Mỹ

Đại dịch khiến hàng triệu người Mỹ thất nghiệp và rơi vào cảnh nghèo đói. Các gia đình thu nhập thấp và trung bình, những người không có nhiều khoản tiết kiệm, là đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nhất. Gần 10 triệu người lao động Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong hai tuần cuối tháng 3. Tình trạng mất việc đột ngột tập trung ở nhóm ngành dịch vụ thu nhập thấp, trong khi người Mỹ có tỷ lệ tiết kiệm cực thấp, chỉ khoảng 8%.

Giãn cách xã hội đang được thực hiện nghiêm túc tại một số nơi trên khắp nước Mỹ, nhưng điều đó không đúng với những người nghèo sống nhờ nhà người quen tại các đô thị. Họ phải chạy ăn từng bữa, không gian riêng tư hay giãn cách xã hội để được an toàn thời dịch là điều xa xỉ.

Họ vẫn làm việc tại cửa hàng thức ăn nhanh, nhà máy chocolate. Họ dùng chung một vòi tắm và căn bếp đầy bát đĩa bẩn thỉu chưa có người dọn dẹp. Ngủ trên sàn hoặc ở nơi thiếu an toàn vệ sinh. Đại dịch Covid-19 đã phô bày sự bất bình đẳng ở nhiều nơi khiến cho họ có nguy cơ lây nhiễm virus cao hơn, mà còn làm nảy sinh hàng loạt vấn đề khác như bạo lực gia đình, nghèo đói, lạm dụng trẻ em, căng thẳng, lo lắng và rất nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần khác.

Những người có điều kiện thì có đầy đủ mọi thứ trong nhà để chấp nhận ở yên trong đó suốt mùa dịch, ví dụ có thể làm việc trên Zoom, mua sắm trên Amazon và gọi ship thức ăn tận nơi. Trong khi đó, những người nghèo thì lấy đâu ra nguồn lực nên họ không thể không ra đường.

Tuy nhiên, trước tình hình đó, chính quyền thành phố nhiều nơi cũng có nhiều giải pháp cho họ nhưng còn nhiều hạn chế bởi khó khăn là tình trạng chung. Thành phố San Jose (California, Mỹ) chi 17 triệu USD để xây những ngôi nhà tí hon làm nơi trú ẩn cho người vô gia cư khi đại dịch Covid-19 đang lây lan nhanh chóng. Số tiền 17 triệu USD này được thành phố chi cho việc xây 500 ngôi nhà nhỏ để người vô gia cư có thể tự cách ly.

Dự án những ngôi nhà tí hon đã được thành phố San Jose cho đi vào hoạt động vào tháng 2/2020 với 40 căn. Cả thành phố này hiện có khoảng 6.000 người vô gia cư. Về lâu dài, dự án này nhằm giúp đỡ những người vô gia cư có chỗ nghỉ ngơi sạch sẽ. Chính quyền thành phố hy vọng những ngôi nhà này sẽ có thể hoạt động bền bỉ từ 10 năm đến 15 năm.

Nhật Bản

Tại Thủ đô Tokyo của Nhật Bản có hơn 4.000 người thường xuyên phải ở trong quán cà phê, Internet. Ở đây có đầy đủ tiện nghi như một khu trọ. Người ta ở đây vì chi phí mỗi ngày chỉ mất 2.000 Yen, tương đương khoảng 400.000 đồng, rẻ hơn nhiều so với việc thuê nhà ở tại thành phố. Tuy nhiên, khi các quán Internet đóng cửa, họ không còn nơi nào để đi vì Covid-19. Thế là cuộc sống của họ trở nên vô cùng gian khó. Rất nhiều người phải chọn khu gầm cầu, tàu điện ngầm hoặc bất cứ chỗ nào mà họ có thể cuộn mình để ở một cách tạm thời.

Trước tình hình đó, giới chức địa phương đã phải ra một quyết định là cung cấp chỗ ở cho người vô gia cư khẩn để ổn định tâm lý cho một bộ phận người dân, đồng thời tránh các vụ phạm tội và giảm nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng. Các khu nhà tạm đã được dựng lên nhanh chóng và tại đây người dân đô thị tạm thời ổn định cuộc sống thời dịch bệnh. Chính phủ cũng có chính sách trợ cấp kịp thời làm cho cuộc sống của họ không bị khốn đốn như nhiều dân đô thị ở quốc gia khác.

Khánh Phương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load