(Xây dựng) - Tình trạng thiếu hụt nguồn đất đắp đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ của hầu hết các công trình đầu tư công tại tỉnh Đắk Nông. Nhiều dự án đang bị gián đoạn, không thể triển khai các bước tiếp theo hoặc phải điều chuyển nguồn vốn. Các công trình mới cũng chưa thể khởi công, gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ đầu tư công tại địa phương này.
Dự án Quảng trường Trung tâm thành phố Gia Nghĩa hiện đang chậm tiến độ nghiêm trọng. |
Cụ thể, Dự án Quảng trường Trung tâm thành phố Gia Nghĩa là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh, khởi công từ cuối năm 2022 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, do thiếu nguồn đất đắp, dự án đang chậm tiến độ nghiêm trọng. Theo hồ sơ thiết kế, quảng trường cần khoảng 360.000 m³ vật liệu để san lấp mặt bằng, trong đó, dự án tự điều phối khoảng 60.000 m³ từ nội bộ công trình, số còn lại dự kiến lấy từ các dự án khác trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn còn thiếu khoảng 210.000 m³ đất để hoàn thành.
Các công trình khác tại Đắk Nông cũng đang gặp khó khăn vì thiếu đất đắp, cụ thể: Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Lê Thánh Tông tại thành phố Gia Nghĩa đang thiếu khoảng 15.000 m³ đất đắp. Mặc dù nhà thầu đã khai thác khoảng 50.000 m³ đất vào tháng 5/2023, nhưng sau đó bị buộc tạm dừng vì nguồn đất khai thác chưa được cấp phép. Điều này đã khiến dự án ngừng thi công đến nay.
Cũng theo Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện Đắk R’lấp, địa phương này đang gặp khó khăn khi nhiều tuyến đường giao thông cần khối lượng đất đắp lớn. Trong thời gian tới, mỗi công trình cần từ 2.000 đến 30.000 m³ đất đắp, đặc biệt là dự án Khu tái định cư thôn 11, xã Nhân Cơ ước tính cần khoảng 300.000 m³.
Theo số liệu từ ngành chức năng, khoảng 50% mỏ đất được quy hoạch lại vướng vào quy hoạch bô-xít. Các mỏ đất san lấp còn lại cũng vướng nhiều thủ tục chưa thể thực hiện. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông, ông Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, từ trước đến nay, Đắk Nông chưa cấp phép mỏ vật liệu làm đất san lấp, gây khó khăn cho việc triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn.
Quyết định 1757/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh được phê duyệt 112 mỏ vật liệu san lấp với tổng trữ lượng tài nguyên dự báo khoảng hơn 79 triệu m³. Tuy nhiên, khoảng 50% mỏ đất trong quy hoạch lại vướng vào quy hoạch bô-xít, khiến việc khai thác gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình này, các đơn vị chủ đầu tư đã chủ động lập hồ sơ thiết kế dự án theo hình thức điều phối đất trong các dự án với nhau. Tuy nhiên, việc điều phối này cũng gặp khó khăn khi bị yêu cầu dừng và làm các thủ tục cấp phép.
Trước những khó khăn trên, tỉnh Đắk Nông đã nhiều lần kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các mỏ đất đắp. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã gửi văn bản đến Văn phòng Chính phủ, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
Tình trạng này đang khiến hoạt động đầu tư công tại tỉnh Đắk Nông tiếp tục bị bế tắc. Việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các mỏ đất đắp và khoáng sản là vấn đề cấp bách, nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng các công trình đầu tư công tại địa phương.
Ngọc Giang
Theo