Thứ ba 05/11/2024 01:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Cưỡng chế phá dỡ nhà ở trong trường hợp nào?

10:51 | 06/09/2022

(Xây dựng) – Tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 95 Luật Nhà ở 2014 quy định rõ về cưỡng chế phá dỡ nhà ở.

cuong che pha do nha o trong truong hop nao
Ảnh minh họa (nguồn: Internet).

Cụ thể, trường hợp nhà ở phải phá dỡ theo quy định tại Điều 92 của Luật này mà chủ sở hữu nhà ở, chủ đầu tư công trình hoặc người đang quản lý, sử dụng không tự nguyện thực hiện việc phá dỡ nhà ở thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ nhà ở.

Thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ nhà ở được quy định như sau:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế đối với trường hợp phá dỡ nhà ở để thu hồi đất quy định tại khoản 3 Điều 92 của Luật này, phá dỡ nhà ở riêng lẻ quy định tại các khoản 1, 4 và 5 Điều 92 của Luật này;

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định cưỡng chế đối với trường hợp phá dỡ nhà chung cư quy định tại các khoản 1, 2, 4 và 5 Điều 92 của Luật này.

Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức cưỡng chế phá dỡ nhà ở theo quyết định cưỡng chế phá dỡ nhà ở quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 92 Luật Nhà ở 2014 quy định về các trường hợp nhà ở phải phá dỡ như sau:

Nhà ở bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng đã có kết luận kiểm định chất lượng của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở hoặc trong tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai.

Nhà ở thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 110 của Luật này.

Nhà ở thuộc diện phải giải tỏa để thu hồi đất theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nhà ở xây dựng trong khu vực cấm xây dựng hoặc xây dựng trên đất không phải là đất ở theo quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Nhà ở thuộc diện phải phá dỡ theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Như vậy, nếu nhà ở thuộc trường hợp phải phá dỡ mà chủ sở hữu nhà ở, chủ đầu tư công trình hoặc người đang quản lý, sử dụng không tự nguyện thực hiện việc phá dỡ nhà ở thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cưỡng chế phá dỡ nhà ở và người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ nhà ở được quy định như trên.

Tuệ Minh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load