(Xây dựng) - Ngày Thế giới Phòng chống bệnh Dại – ngày 28/9, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hợp lực cùng nhau trong việc loại trừ bệnh dại ở Việt Nam.
Ngày 28 tháng 9 hàng năm, cả thế giới hợp lực cùng nhau trong cuộc chiến chống bệnh dại. Ngày Thế giới Phòng chống bệnh Dại là ngày của hành động và nhận thức. Để hưởng ứng cách tiếp cận liên ngành “Một Sức Khỏe” của ngành y tế và thú y ở Việt Nam, ngày Thế giới Phòng chống bệnh Dại năm nay có chủ đề là "Cùng nhau phòng chống bệnh Dại". Chúng sẽ ngăn ngừa bệnh dại từ gốc và phòng lây nhiễm và tử vong ở người, góp phần loại trừ bệnh dại, do đó người dân cần chủ động đưa chó đi tiêm phòng bệnh dại và những người bị chó nghi dại cắn cần phải được tiêm vắc xin phòng dại.
Bệnh dại có tỷ lệ tử vong tới 99,9% nhưng đồng thời có thể dự phòng được 100%. Có thể loại trừ được bệnh dại bằng cách tiêm phòng cho chó và ngăn chặn sự lan truyền của vi-rút dại sang người. Đây cũng là chiến lược dựa trên bằng chứng duy nhất nhằm loại trừ bệnh dại. |
Lễ hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng chống bệnh Dại năm nay tổ chức tại tỉnh Hòa Bình vào ngày 27 tháng 9 sẽ là dịp để cộng đồng, các cơ quan chức năng cùng với các chuyên gia y tế và thú y từ 28 tỉnh thành có nguy cơ cao đối với bệnh dại cùng nhau gặp gỡ. Tại sự kiện này, một bộ tài liệu mới về nâng cao nhận thức đối với bệnh dại sẽ được phổ biến, bao gồm cả áp phích và tờ rơi, nhằm trang bị cho chính quyền địa phương ở các khu vực khó tiếp cận các công cụ tốt hơn để tuyên truyền cho việc tiêm chủng và phòng chống bệnh dại.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc loại trừ bệnh dại thông qua những nỗ lực chung của cả hai ngành y tế và thú y. Báo cáo cho thấy, có 50 người tử vong vì bệnh dại ở Việt Nam từ đầu năm 2014 so với 81 trường hợp tử vong tại cùng thời điểm này vào năm trước. Mặc dù số trường hợp tử vong đã giảm một cách đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn có 24 tỉnh báo cáo có các ca bệnh dại so với năm trước chỉ có 20 tỉnh, điều này nhấn mạnh sự cần thiết đối với Việt Nam trong việc duy trì nỗ lực của mình để đạt được mục tiêu của ASEAN về Loại trừ Bệnh dại vào năm 2020.
Mục tiêu loại trừ bệnh dại ở Việt Nam vào năm 2020 đòi hỏi phải có cam kết chính trị nhất quán và bền vững, dựa trên nền tảng vững chắc của các dịch vụ y tế và thú y. "Các ban ngành khác nhau ở Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ, và ngày Thế giới Phòng chống bệnh Dại là một cơ hội để thiết lập và củng cố những mối liên kết này" Đại diện WHO tại Việt Nam, ông Jeffery Kobza, và Đại diện FAO tại Việt Nam, ông Jong-Ha Bae, cùng tuyên bố.
Khánh Phương
Theo