(Xây dựng) - Số liệu của Cục Thống kê Singapore cho thấy diện tích đất của nước này là 722 km2 trong khi dân số lên đến hơn 5,6 triệu người tính đến tháng 7/2018 và ước tính tăng lên thành 6,9 triệu người vào năm 2030.
Trong nhiều năm qua, Singapore liên tục bồi đắp, lấn biển để mở rộng quỹ đất nhưng biện pháp này không mang tính bền vững vì khiến mực nước biển dâng lên và gây ra một số tác động khác về biến đổi khí hậu. Chính vì lý do đó, những nhà quy hoạch và phát triển đô thị Singapore đã nghĩ đến phương án: sử dụng không gian ngầm.
Singapore đã có sẵn cơ sở để triển khai dự án này khi có sẵn hệ thống tàu điện, đường cao tốc, đường dành cho người đi bộ hiện đại bên dưới lòng đất. Năm 2014, Chính phủ đưa vào hoạt động hệ thống các hang đá lớn được đào sâu 130 m bên dưới đảo nhân tạo Jurong với 950 triệu SGD và 1.700 công nhân làm việc trong suốt 8 năm trời mới hoàn thành.
Về mặt luật pháp từ năm 2015, Singapore đã sửa đổi Luật Đất đai cho phép Chính phủ mua lại quyền sử dụng phần đất bên dưới các khu đất tư nhân, đồng thời quy định chủ sở hữu chỉ được quyền sử dụng phần đất sâu đến 30 m bên dưới bất động sản của mình. Điều này tạo điều kiện dễ dàng trong việc triển khai các dự án ngầm cũng như tránh gây ra xung đột về sử dụng lòng đất với người dân.
Quá trình cải tạo đất ở Singapore đã giúp đất nước này mở rộng thêm 25% đất đai trong hơn 2 thế kỷ qua. Nhiều dự án trong những năm qua đã phát triển công trình ngầm, cụ thể đó là xây dựng công trình ngầm tầng thứ nhất 1 - 3 m: đất trên cùng là đường dành cho người đi bộ kết nối từ điểm này sang điểm khác. Singapore hy vọng sẽ tiếp tục mở rộng các đường kết nối này trong tương lai. Công trình tầng thứ hai 5 - 50 m là đường hầm dịch vụ chung. Đường hầm này được xây dựng ở khu vực vịnh Marina. Đây là đường hầm dịch vụ thứ hai ở châu Á sau Nhật Bản để chạy cáp viễn thông, đường ống nước, đường dây điện. Đi xuống sâu hơn nữa là hệ thống tàu điện ngầm MRT và đường hầm cho xe cộ lưu thông đẳng cấp thế giới. Thêm vào đó là công trình ngầm tầng thứ ba 100 m và sâu hơn được trưng dựng là kho đạn dược. Ở tầng này là dự án hang đá trên đảo Jurong và Kho đạn ngầm. Đây là hai dự án ngầm nổi tiếng hoàn hảo về thách thức đất chật để mở rộng không gian dưới lòng đất. Dự án Jurong hoàn thành năm 2014, gồm 5 kho ngầm dưới đáy biển Banyan Basin dùng để dự trữ dầu. Hang Jurong nằm ở độ sâu 150 m so với mặt đất. Bên trong có 5 hang tạo nên không gian 61 ha dưới đáy biển với đường hầm dài 9 km dẫn vào bên trong. Mỗi hang cao tương đương tòa nhà 9 tầng, chỗ chứa bên trong cao 27 m, rộng 20 m và dài tới 340 m. Trong mỗi hang có thể chứa tới 64 bể bơi tiêu chuẩn Olympic, 1.300 xe buýt 2 tầng.
Tuy nhiên, Singapore không dừng lại ở đó. Dự án Quy hoạch tổng thể ngầm sẽ được chính quyền Singapore công bố trong năm 2019 nhằm phát triển, khai thác không gian dưới lòng đất Singapore sẽ tập trung sử dụng không gian ngầm cho giao thông, nhà máy, công sở và kho chứa. Từ đó giải phóng phần đất trên bề mặt để phát triển nhà ở, các công trình cộng đồng và không gian xanh. Theo dự án mới, Singapore sẽ tập trung sử dụng không gian ngầm cho giao thông, nhà máy, công sở và kho chứa để giải phóng phần đất trên bề mặt nhằm phát triển nhà ở, các công trình cộng đồng và không gian xanh.
Quy hoạch tổng thể công trình ngầm của Singapore sẽ có các khu vực gồm trung tâm dữ liệu, nhà máy tiện ích, kho xe buýt, hệ thống nước thải đường hầm sâu, kho bãi và hồ chứa nước. Bên cạnh đó, cũng có thêm các trung tâm giao thông ngầm, những làn đường dành cho khách bộ hành, người đi xe đạp, nhà máy điện, khu phức hợp công nghiệp, trung tâm nghiên cứu và lưu trữ, các khu vực mua sắm.
Singapore sử dụng công nghệ 3D để xây dựng Quy hoạch tổng thể dưới lòng đất này. Hình mẫu 3D sẽ cung cấp đầy đủ dữ liệu và hỗ trợ mọi công việc, từ lập kế hoạch đô thị đến hạn chế thiên tai. Dự án này sẽ cho thấy địa hình, hình dạng và vị trí các tòa nhà thật sự, giúp việc phân tích lũ lụt, đồng thời hỗ trợ việc nghiên cứu và phát triển của thành phố. Ngoài ra, họ cũng đang bắt tay vào một nghiên cứu với quy mô lớn bên dưới Công viên khoa học Singapore. Dự án này nhắm đến xây dựng một thành phố khoa học 30 tầng dưới lòng đất có thể chứa các phòng thí nghiệm, nghiên cứu, các văn phòng và trung tâm dữ liệu.
Singapore nghĩ đến phương án này cũng bởi lý do: Do khí hậu nóng ẩm và mưa nhiều tại Singapore khiến mạng lưới cơ sở hạ tầng công cộng bị hao mòn nhanh hơn. Việc đưa những hệ thống này xuống lòng đất là phương án hợp lý, khả thi và được ủng hộ. Thế nhưng, xây dựng công trình ngầm chưa bao giờ là đơn giản. Người ta sẽ phải nghiên cứu phát triển công trình ngầm bằng công nghệ tiên tiến và thiết kế thân thiện với con người để hạn chế cảm giác bức bối khi phải làm việc, sinh hoạt dưới lòng đất như một số quốc gia đã từng gặp phải.
Cục Xây dựng công trình Singapore - đơn vị chịu trách nhiệm giám sát các dự án không gian ngầm cho biết, vào năm 2050, người dân Singapore có thể “sống, làm việc và giải trí trong lòng đất”.
Khánh Phương
Theo