Thứ sáu 29/03/2024 20:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Công trình dưới lòng đất: Thế giới ngầm ấn tượng

15:31 | 30/09/2021

(Xây dựng) – Bên cạnh nhiều cái tên nổi tiếng trên thế giới như Coober Pedy - Nam Australia, mỏ muối Wieliczka - Ba Lan, hầm mộ Paris - Pháp… Địa đạo Củ Chi - Việt Nam cũng được xếp hạng là 1 trong những công trình dưới lòng đất có kiến trúc độc đáo, hút khách tham quan du lịch.

cong trinh duoi long dat the gioi ngam an tuong
Coober Pedy, Nam Australia (Nguồn: TripAdvisor).

Coober Pedy, Nam Australia

Coober Pedy được mệnh danh là Thủ đô opal của thế giới do sản lượng lớn opal được khai thác ở đây. Coober Pedy được thành lập vào năm 1915, khi nam thiếu niên 14 tuổi phát hiện ra trữ lượng lớn opal hay còn gọi là ngọc mắt mèo trong chuyến đi tìm vàng cùng nhóm tìm kiếm của cha mình.

Nhiệt độ ở bóng râm tại đây lên đến gần 40 độ C và sự khan hiếm nguồn nước là những yếu tố khiến người dân Coober Pedy xây dựng thị trấn này. Ở đây có cả cửa hàng sách, nhà thờ… trong đó có khách sạn Desert Cave.

Khách sạn Desert Cave bắt đầu được xây dựng năm 1984. Khách sạn độc đáo này gồm 19 phòng ngủ ngầm, cùng hệ thống các phòng chơi game, quán bar...

Ngày nay, Coober Pedy đã phát triển thành một trong những địa điểm du lịch độc đáo nhất nước Úc. Đến đây, du khách sẽ thấy thật khó để tìm thấy bất kì người nào hay nhà ở nào trên mặt đất mặc dù dân số cả thị trấn chỉ vào khoảng 3.000 người. Nguyên nhân chính là do thời tiết mùa hè ở đây quá khắc nghiệt nên người dân thích sống trong những ngôi nhà dưới lòng đất hơn.

Những ngôi nhà dưới lòng đất này được xây dựng tuyệt đẹp, có lối đi vào nhà liền kề với phố bên ngoài. Mặc dù ở dưới lòng đất nhưng ở đây bạn vẫn có thể bắt gặp những khu vườn nhỏ được thiết kế trước lối vào mang đến màu sắc tươi sáng cho khung cảnh ngôi nhà.

Vật liệu chính bên trong các ngôi nhà ở Coober Pedy là đá sa thạch bởi nó dễ khai thác, có tính ổn định và đem lại sự vững chắc cho ngôi nhà. Không chỉ vậy, đá sa thạch có màu sắc tuyệt đẹp mang lại sự sang trọng, đồng thời tôn thêm vẻ ấm áp, thân thiện, đối lập với cái nóng khắc nghiệt của thời tiết bên ngoài vùng sa mạc.

Tất cả các căn phòng trong căn nhà đều được thông gió thông qua một trục thẳng đứng hẹp. Ánh sáng tự nhiên chiếu vào khu vực nhà bếp, phòng sinh hoạt qua một trục thông ánh sáng lớn hơn. Phòng ngủ thì được đẩy lui, nằm phía sau cùng của ngôi nhà để giữ được sự yên tĩnh tuyệt đối.

Với thiết kế độc đáo và thú vị, hiện nay ngày càng có nhiều du khách trên thế giới đến thăm Coober Pedy. Các nhà làm phim cũng bị thu hút bởi địa điểm độc đáo này của Úc, một số bộ phim nổi tiếng đã được ghi hình tại thị trấn như: Red Planet, Pitch Black, Opal Dream và Nữ hoàng sa mạc.

cong trinh duoi long dat the gioi ngam an tuong
Mỏ muối cổ được UNESCO công nhận là Di sản thế giới (Ảnh: russos_ap 1).

Mỏ muối Wieliczka, Krakow, Ba Lan

Mỏ muối Wieliczka ở ngoại ô thành phố Krakow, phía Nam Ba Lan dài khoảng 290km, nằm ở độ sâu hơn 300m, đây thực sự là một mê cung dưới lòng đất. Mỏ muối bắt đầu đi vào khai thác vào thế kỷ 13 và cho tới nay vẫn tiếp tục hoạt động kết hợp với du lịch.

Tại đây, du khách được chiêm ngưỡng những bức tượng, một nhà nguyện và một nhà thờ được chạm khắc bởi các thợ mỏ. Tất cả được trưng bày dưới ánh sáng của những chiếc đèn chùm làm từ muối mỏ.

Hầm mộ Paris, Pháp

Hầm mộ Paris là địa điểm tham quan rất lý tưởng cho những khách du lịch yêu thích sự bí ẩn. Đây là nơi chứa hài cốt của hơn 6 triệu người được chôn cất từ năm 1785 đến 1860, khi nghĩa trang của thành phố hết chỗ.

Độ sâu của hầm mộ tương đương với một toà nhà 5 tầng. Toàn bộ khu nghĩa địa có chiều rộng lên tới 2km. Du khách có thể mất ít nhất là 45 phút nếu muốn đi một vòng cả khu hầm mộ. Nhiệt độ ở trong hầm mộ luôn ở mức 14 độ C, tạo ra một cảm giác lạnh lẽo rùng rợn. Tổng diện tích của các đám rêu trong hầm lên tới 11.000 mét vuông. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, hầu hết các bên đều tận dụng đường hầm này để ẩn nấp và điều hướng kẻ địch…

cong trinh duoi long dat the gioi ngam an tuong
Địa đạo Củ Chi – Một trong 10 công trình ngầm vĩ đại nhất thế giới.

Địa đạo Củ Chi, Việt Nam

Địa đạo Củ Chi hình thành trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (khoảng năm 1948). Hệ thống địa đạo được xây dựng sớm nhất tại hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An, tên gọi Địa đạo Củ Chi cũng xuất hiện từ đó.

Đây được coi là nhà ở, bệnh viện, đường tiếp tế và nhà kho, thậm chí người ta còn tìm thấy cả một chiếc xe tăng tại một trong những đường hầm.

Hệ thống địa đạo phức tạp kéo dài 120km, là một phần của mạng lưới đường hầm lớn hơn nhiều trong cả khu vực, hiện nay được coi là một đài tưởng niệm và mở cửa cho du khách tham quan.

Theo Ban quản lý Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, hiện nay trung bình mỗi năm thu hút khoảng 1,5 triệu du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Nơi đây cũng đã đón nhiều đoàn khách là lãnh đạo cao cấp Nhà nước, quân đội của các quốc gia trên thế giới.

Đến với Địa đạo Củ Chi, du khách sẽ được tận mặt chứng kiến một hệ thống địa đạo quy mô, bài bản và chắc chắn nhưng lại được thực hiện hoàn toàn thủ công và bằng sức người đã tồn tại suốt hơn 75 năm qua.

Địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2367/QĐ-TTg ngày 23/12/2015).

cong trinh duoi long dat the gioi ngam an tuong
Hệ thống cống ngầm G-Cans, Nhật Bản.

Hệ thống cống ngầm G-Cans, Nhật Bản

Công trình G-Cans (Metropolitan Area Outer Underground Discharge Channel) thuộc sự quản lý của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, là công trình thoát nước ngầm khổng lồ, nằm bên dưới thành phố Saitama, cách thành phố Tokyo 38km.

Dự án được xây dựng từ 1993 đến 2006, với chi phí khoảng 2,6 tỷ USD. Công trình gồm 5 hầm chứa bằng bê tông với chiều cao 65m và đường kính 32m, nối với nhau bằng các đường hầm dài 6,4km.

Bên cạnh đó là một bể nước lớn cao 25,4m, dài 177m và rộng 78m mang tên gọi riêng "The Temple" (Ngôi đền). Nâng đỡ bể nước tối quan trọng này là 59 cột trụ lớn kết nối với 10 máy bơm công suất cao có thể bơm tới 200 tấn nước vào sông Edogawa mỗi giây.

Sau khi nhận lượng nước khổng lồ, các giếng này sẽ giúp điều tiết và đưa nước ra ngoài qua hệ thống cống ngầm đặc biệt. Quy trình vào - ra đều được xử lý bằng 78 máy bơm công suất lớn (10MW - tốc độ: 200 tấn nước/s).

Theo tính toán của các chuyên gia, hệ thống thoát nước này (G-Cans) có thể xử lý được số lượng nước mưa trên 550mm liên tục trong 3 ngày. Ở cuối hệ thống, nước sẽ được trữ trong một bể kiểm soát áp lực khổng lồ. Bể này có chức năng giảm áp lực của nước chảy, cũng như kiểm soát dòng nước trong trường hợp chẳng may có một máy bơm bị vỡ. Bể chứa có kích thước dài 177m, rộng 78m và cao khoảng 22m dưới lòng đất.

Mặc dù chỉ là cống xả ngầm, địa điểm này lại thu hút nhiều du khách tới check-in bởi sự đồ sộ, hoành tráng. Công trình dưới lòng đất này được xây dựng để bảo vệ cư dân Thủ đô Tokyo khỏi những đợt mưa lớn và bão lũ.

Tuệ Minh (T/h)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load