(Xây dựng) – Thời gian qua, công tác lập quy hoạch, quản lý sau quy hoạch tại tỉnh Nam Định gặp phải một số tồn tại, trong đó nổi cộm lên việc nhiều khu, cụm công nghiệp được triển khai chậm chạp, thậm chí bị để hoang hóa nhiều năm. Vì sao lại có tình trạng này, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc quy hoạch của tỉnh đang có “vấn đề” về tầm nhìn? Kèm theo đó là công tác quản lý, hệ lụy dẫn tới việc nhiều khu công nghiệp chưa phát triển tương xứng theo ý tưởng quy hoạch ban đầu.
Bản đồ quy hoạch vùng tỉnh Nam Định đến 2030, tầm nhìn 2050. |
Nam Định là tỉnh có địa hình tương đối bằng phẳng, chủ yếu là đồng bằng thấp trũng và đồng bằng ven biển, có chiều dài bờ biển 72 km và hệ thống sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ chảy qua, mang lại rất nhiều điều kiện thuận lợi trong vận tải đường thuỷ và phát triển kinh tế biển cho tỉnh Nam Định và tạo ra các khu du lịch nghỉ dưỡng.
Với vai trò trung tâm thương mại vùng Nam đồng bằng Sông Hồng, được kỳ vọng trở thành tâm điểm phát triển kinh tế, đô thị, dẫn dắt sự phát triển chung của vùng. Song, hiện tại phát triển kinh tế của tỉnh còn chưa tương xứng với kỳ vọng và đang có xu hướng tụt hậu so với các tỉnh trong vùng. Vậy nguyên nhân tại đâu?
Như đã phân tích ở bài viết trước, tỉnh Nam Định định hướng phát triển ngành công nghiệp là mũi nhọn, tạo nguồn thu chính cho ngân sách tỉnh. Để phục vụ mục tiêu này, tỉnh đã quy hoạch hàng chục khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn. Từ góc nhìn quy hoạch, một số chuyên gia cho rằng: Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh được quy hoạch còn rời rạc, manh mún, xen kẽ trong các khu dân cư, chưa đồng bộ hạ tầng giao thông, cấp thoát nước. Trong đó có một số khu được chuyển đổi từ khu đô thị thành khu công nghiệp, gây bức xúc trong nhân dân về vấn đề môi trường. Và đây cũng là một hệ lụy lâu dài, khó giải quyết.
Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025. Tỉnh có 20 cụm công nghiệp, đến năm 2020 mở rộng 11 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 145,4ha; đã triển khai xây dựng 9 cụm công nghiệp trong quy hoạch và bổ sung vào quy hoạch thêm 2 cụm công nghiệp. Trong giai đoạn 2021-2025, sẽ tiếp tục bổ sung thêm 14 cụm công nghiệp. Như vậy, quy hoạch đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh có 45 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 697 ha.
Theo Ban quản lý KCN tỉnh Nam Định, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm 10 khu công nghiệp với tổng diện tích đất được quy hoạch là 2.046 ha. Đến nay, 06 khu công nghiệp đã triển khai đầu tư xây dựng, thu hút đầu tư; đang làm thủ tục lập quy hoạch xây dựng để triển khai tiếp 02 khu công nghiệp. Dự kiến hết năm 2022, tổng số khu công nghiệp được thành lập trên địa bàn là 08 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.602ha (chiếm tỷ lệ 80% số khu công nghiệp được quy hoạch phát triển).
Tỉnh Nam Định định hướng phát triển Công nghiệp thành ngành kinh tế mũi nhọn, song các chuyên gia cho rằng, cần phải quy hoạch cân bằng hơn trong cơ cấu các ngành kinh tế. |
Theo một số chuyên gia, trong khi tỉnh chủ trương tập trung đầu tư vào khu, cụm công nghiệp thì các khu, cụm công nghiệp còn có nhiều tồn tại nhiều bất cập như thiếu đồng bộ hạ tầng giao thông, điện nước, thoát nước, xử lý rác thải, nước thải, hệ thống vận tải, logistic, cảng biển, cảng sông vừa thiếu, vừa kém về chất lượng. Các dự án khu, cụm công nghiệp còn triển khai chậm, chậm tiến độ, thiết đồng bộ cơ sở hạ tầng, chưa thu hút được các ngành công nghiệp sạch chất lượng cao, công nghệ cao,…
Cụ thể như trường hợp của khu công nghiệp Rạng Đông, theo ông Phan Thanh Dũng, Chủ tịch thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng): Dự án khu công nghiệp Rạng Đông tiến độ chậm, đến nay chưa xây dựng xong cơ sở hạ tầng nên chưa bàn giao đưa vào sử dụng. Việc thi công rất ì ạch, chưa biết khi nào mới xong được hạ tầng.
Chia sẻ một số bất cập tại khu công nghiệp Hòa Xá, đại diện một doanh nghiệp cho rằng, do thiếu nghiên cứu trong lúc lập và duyệt quy hoạch, nên hiện nay trong khu công nghiệp có một số diện tích đất hành lang an toàn lưới điện, cây xanh nằm lọt giữa các nhà máy hoặc giáp ranh các khu dân cư nên không có lối vào, không có đường để tiếp cận hoặc nếu có thì cũng bị những người vô ý thức xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, công tác quản lý trật tự xây dựng yếu kém, dân cư sống gần luôn có xu hướng lấn chiếm phần diện tích của khu công nghiệp, dẫn tới những vấn đề về môi trường trong tương lai.
Dọc các trục đường chính của tỉnh, rất nhiều khu đất trống, dự án bị bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên. |
Phát biểu trên báo chí, Ban Quản lý các KCN tỉnh Nam Định: Tiến độ triển khai dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Dệt may Rạng Đông còn chậm; chưa thống nhất được quy hoạch hệ thống thoát nước theo phương án quy hoạch chung xây dựng khu chức năng phía nam đô thị Rạng Đông với quy hoạch hệ thống thoát nước của KCN Dệt may Rạng Đông, gây khó khăn cho việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật của KCN, ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao hạ tầng đã cam kết với các nhà đầu tư thứ cấp. KCN Mỹ Trung do Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh đầu tư dang dở, đã có quyết định thu hồi để chuyển giao cho nhà đầu tư khác tiếp tục xây dựng, song việc xử lý gặp nhiều vướng mắc, dẫn đến việc hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN Mỹ Trung gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là tại đây chưa được đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải KCN, công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn KCN còn phức tạp. Tại KCN Hòa Xá, do đặc thù về vị trí, quy hoạch, nên hiện nay trong KCN có một số diện tích đất hành lang an toàn lưới điện, cây xanh nằm lọt giữa các nhà máy hoặc giáp ranh các khu dân cư nên không có lối vào, không có đường để tiếp cận hoặc nếu có thì cũng bị những người vô ý thức xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.
Nhiều khu công nghiệp được xây dựng, hoạt động ngay gần khu dân cư khiến người ta lo ngại về vấn đề an toàn môi trường, trong ảnh là KCN Mỹ Thuận do Công ty Đại Phong là Chủ đầu tư. |
Tại dự án KCN Mỹ Trung, ông Trần Xuân Phóng - Chủ tịch UBND xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) cho biết: Dự án này trước đây là trung tâm thương mại, nay được tỉnh chuyển đổi thành khu công nghiệp. Nếu chuyển đổi thành khu công nghiệp thì vấn đề kết nối hạ tầng phải được quan tâm, một vấn đề khác là vấn đề đảm bảo an toàn môi trường cho người dân sinh sống xung quanh.
Chúng tôi cho rằng, từ một khu đô thị, nay được chuyển thành cụm công nghiệp thì vấn đề chuyển đổi này có tùy tiện? Vì trước đây khu vực này là khu đô thị, dân cư xung quanh phát triển đông đúc, nay chuyển thành khu công nghiệp để đảm bảo vấn đề môi trường thì vấn đề dân cư được giải quyết ra sao? Liệu có phải tổ chức di dời những hộ dân trong vùng ảnh hưởng đi không?
Trở lại bài viết trước, chúng tôi đã quan tâm đến “Trung tâm thương mại du lịch quốc tế Đồng bằng sông Hồng”. Với quy mô diện tích khoảng 20ha, được nằm trọn trong khu dân cư, đủ điều kiện để xây dựng một Trung tâm thương mại du lịch; nhà đầu tư cũng đã tiến hành xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì “bỗng dưng” bị chính quyền tỉnh chuyển đổi thành cụm công nghiệp. Trong khi diện tích đất này không đủ điều kiện theo tiêu chuẩn xây dựng đối với một cụm công nghiệp.
Xét về quy hoạch các khu vực ven các con sông lớn, Nam Định nên nghiên cứu và rút kinh nghiệm công tác quy hoạch của các tỉnh thành có sông Hồng chảy qua như Hà Nội hay Hưng Yên. Bởi lẽ, xu thế mới hiện nay người ta quy hoạch khu vực ven sông lớn thành những khu đô thị hiện đại, đồng bộ hay những khu trung tâm thương mại, dịch vụ du lịch lớn như tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên có Dự án khu đô thị nhà vườn sinh thái Văn Giang được quy mô gần 200ha. Hay như quy hoạch phân khu sông Hồng tại Thủ đô đều được các chuyên gia hướng tới xây dựng trở thành khu đô thị hiện đại, văn minh và hướng tới không gian xanh, sạch kết hợp bảo vệ văn hóa, lịch sử.
Bài học Công ty Vedan “giết chết” sông Thị Vải suốt 14 năm không bị phát hiện. Hay như trường hợp Formosa Hà Tĩnh xả thải ra biển gây hủy hoại môi trường biển cho 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế và nhiều khu công nghiệp khác trên đất nước đang “giết chết” hệ thống sông suối và môi trường của chúng ta. Đó cũng là bài học, là vấn đề cần đặt ra khi quy hoạch các khu công nghiệp, nhà máy đặt sát những dòng sông.
Theo các chuyên gia, để Nam Định trở thành “trái tim” vùng Nam đồng bằng Sông Hồng về phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục. Tỉnh Nam Định cần nghiên cứu kỹ vấn đề quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, cần hài hòa trong quy hoạch phát triển công nghiệp với phát triển các khu đô thị và du lịch, đây là việc tận dụng thế mạnh của tỉnh về sông, biển…Đặc biệt, việc quy hoạch khu công nghiệp ngoài việc phải tính trước vấn đề kết nối hạ tầng, vấn đề tiêu chuẩn quy hoạch một khu công nghiệp, nhằm đảm bảo môi trường bền vững, đảm bảo đời sống của nhân dân gần các khu công nghiệp.
Đỗ Lê
Theo