(Xây dựng) – Tại Điều 122 Luật Nhà ở 2014 quy định rõ việc công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở.
Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở sẽ được chứng thực tại UBND cấp xã nơi có nhà, đất. |
Cụ thể, trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở 2014.
Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng.
Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.
Văn bản thừa kế nhà ở được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự.
Việc công chứng hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng; việc chứng thực hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà ở.
Bên cạnh đó, tại Điểm a Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại Điểm b khoản này”.
Căn cứ vào quy định nêu trên, các bên có quyền lựa chọn công chứng hoặc chứng thực hợp đồng về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.
Về nơi công chứng hợp đồng về nhà đất, Điều 42 Luật Công chứng năm 2014 quy định: “Công chứng viên của tổ chức hành, nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản”.
Theo như quy định trên, khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở thì các bên phải công chứng tại tổ chức công chứng có trụ sở trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bất động sản.
Về nơi chứng thực hợp đồng về nhà đất, theo Khoản 2 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực: Hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai, gồm: Chuyển nhượng, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất…; Chứng thực hợp đồng, giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở.
Như vậy, hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở sẽ được chứng thực tại UBND cấp xã nơi có nhà, đất.
Ngọc Linh
Theo