Thứ sáu 29/03/2024 00:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Cơn “sốt” đất nền vùng ven thành phố Vinh, người người làm bất động sản

09:13 | 28/03/2021

(Xây dựng) - Trong 3 tháng đầu năm 2021, tại nghệ An, tình trạng “sốt” đất bùng nổ ở nhiều nơi, thế nhưng nguồn cơn của cơn “sốt” này lại được các chuyên gia về bất động sản nhận định là do suốt thời gian dài ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 các thành phần đầu tư bi đóng băng không làm ăn được đã chuyển dịch sang đầu tư bất động sản…

con sot dat nen vung ven thanh pho vinh nguoi nguoi lam bat dong san
Hạ tầng các xã vùng ven thành phố Vinh đang được đầu tư mạnh khiến người người lao vào kinh doanh bất động sản.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ngay từ đầu năm 2021, đặc biệt là sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhiều khu vực đô thị, thậm chí cả khu vực vùng ven thành phố, thị xã, thị trấn tại Nghệ An xuất hiện tình trạng “sốt” đất, có nơi giá đất tăng theo giờ, theo ngày. Đáng chú ý, giới đầu cơ là những nhà kinh doanh các loại hình dịch vụ như du lịch, kinh doanh nhà hàng, xây dựng, giao thông... đang dừng hoạt động, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị đổ xô gom đất và kinh doanh khiến giá đất những khu vực này bị đẩy giá lên cao.

Qua khảo sát, đất nền các xã vùng ven thành phố Vinh đã có dấu hiệu tăng nhẹ từ trước Tết Nguyên đán, sau khi Đề án mở rộng quy hoạch thành phố Vinh đến năm 2030 tầm nhìn 2050 được phê duyệt. Cùng với đó, việc cầu Cửa Hội vừa mới tổ chức lễ thông xe, kết hợp dự án đường ven biển đoạn Nghi Lộc – Cửa Lò đang được triển khai được xem như thời cơ ngàn vàng để giới đầu cơ đất tranh thủ nắm bắt cơ hội mua bán trao tay khiến thị trường bất động sản những địa phương có dự án đi qua “tăng nhiệt” rõ rệt.

con sot dat nen vung ven thanh pho vinh nguoi nguoi lam bat dong san
Cầu Cửa Hội được thông xe nối 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh là một nguyên do khiến thị trường bất động sản “tăng nhiệt”.

Tại một số xã vùng ven thành phố Vinh như Hưng Lộc, Nghi Ân, Nghi Kim, Nghi Phong, Nghi Thái… giá đất nền tăng một cách “chóng mặt”. Hàng ngày, các nhà đầu tư bất động sản nhỏ lẻ và giới cò đất, người dân... nườm nượp đổ về các địa phương này. Giá đất ở đây không chỉ tăng theo ngày mà còn tăng theo từng giờ. Có những lô đất buổi sáng được rao bán với giá 5-6 triệu/m2 thì buổi chiều đã tăng lên 7,5-8 triệu/m2. Sự “tăng nhiệt” ở các vùng này cũng thể hiện rõ 2 tháng trước và sau Tết Nguyên đán.

Một chuyên gia bất động sản lâu năm tại thành phố Vinh – nơi thị trường bất động sản đang rất sôi động cho biết: Thời gian gần đây đúng là giá đất khu vực thành phố Vinh, đặc biệt là những vùng ven đã và đang được đầu tư hạ tầng, đường giao thông rộng lớn hơn thì có “tăng nhiệt” thật. Nguyên do cũng bởi tình hình dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều ngành nghề loại hình kinh doanh dịch vụ, khó khăn, thậm chí phải dừng hoạt động nên mọi nguồn tiền sẵn có các chủ cơ sở đã tập trung đầu tư vào kinh doanh đất cho an toàn. Bên cạnh đó, cũng do ảnh hưởng của Covid-19 khiến người dân không dám mạo hiểm dồn tiền vào các lĩnh vực kinh doanh khác dẫn đến lượng tiền nhàn rỗi trong dân cũng khá nhiều mà lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp nên nhà nhà, người người đều “rót” tiền vào kinh doanh đất có phần an toàn hơn.

Nhu cầu mua đất thì nhiều mà lượng đất vùng ven cũng chỉ có giới hạn, thế là người này bán cho người kia chênh nhau một ít để kiếm lợi nhuận, bởi đa phần người mua đất ven đô giai đoạn này chủ yếu là để kinh doanh trao tay, cộng thêm chi phí bồi dưỡng cho các đội “cò” sau một lần họ môi giới và cứ thế giá đất tại những khu vực này tăng lên là chuyện tất yếu.

Theo số liệu thống kê từ chi nhánh Văn phòng đăng ký sử dụng đất thành phố Vinh, trong 3 tháng đầu năm 2021, lượt giao dịch tại bộ phận một cửa bình quân mỗi ngày có khoảng hơn 50 hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới (tăng 30% so với cùng kỳ năm 2020), chưa kể đến các hồ sơ tách thửa và các giao dịch liên quan đến đất đai khác cũng tăng. Với số liệu trên, có thể khẳng định sự việc đất vùng ven “tăng nhiệt”.

Thời gian qua, với việc người người, nhà nhà làm bất động sản đã khiến nghề “cò” đất tại Nghệ An trở nên hot hơn bao giờ hết. Họ tập trung nhân lực, thời gian tại những địa điểm “nóng” để sẵn sàng phục vụ nhu cầu khách hàng.

Với những nhà đầu tư, họ còn bỏ tiền vốn của mình hoặc vay vốn ngân hàng để mua đi bán lại cho người cần thì ít có chiêu trò đẩy giá lên quá mức, vì nếu để ngâm lâu chờ lên cao quá sẽ khó bán dẫn đến chậm thu hồi vốn. Nhà đầu tư bỏ tiền ra mua một lô đất, sau đó canh thị trường đang lên thì bán lại nhanh với giá cao hơn để kiếm lời trong một thời gian ngắn rồi chuyển sang mảnh khác.

Còn đối với những nhóm “cò” đất đa phần là họ tìm kiếm thông tin, kết nối khách hàng với chủ đất, nếu giao dịch thành công họ sẽ nhận được tiền hoa hồng từ người bán hoặc người mua. Tuy nhiên, cũng có tình trạng các nhóm “cò” làm việc trực tiếp với chủ đất làm giá, đặt cọc khoảng từ 10-20 triệu đồng làm tin, xem như đất đã là của mình, rồi tung chiêu nghe ngóng tìm khách hàng đẩy giá giao dịch kiếm chênh lệch. Hình thức này được gọi là “tay không bắt giặc” - không cần bỏ ra khoản tiền lớn mà vẫn có lợi nhuận như các nhà đầu cơ. Đối với những trường hợp như thế này, người chủ đất bán bị thiệt và người mua cũng bị thiệt và chỉ những nhóm “cò” được hưởng lợi đơn, lợi kép mà thôi.

Việc giá đất tăng thời gian qua tại các vùng ven có xuất phát từ nhu cầu thật hay thực sự chỉ là theo quy luật cung cầu của sản phẩm gọi là đất đôi lúc vẫn có kèm theo điều kiện chiêu trò đẩy giá của các “cò” đất, tương tự như kịch bản đã diễn ra nhiều nơi mỗi khi có quy hoạch hay các dự án được công bố?

Trước thực trạng giá đất đang “nhảy múa” cần sự vào cuộc định hướng của UBND tỉnh Nghệ An, từ đó chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật về đất đai, quản lý đất đai, quản lý giá, sớm bình ổn tình hình. UBND các huyện, thành phố cần tổ chức phổ biến rộng rãi, công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng theo đúng luật quy hoạch đô thị; chủ trương, lộ trình, tiến độ thực hiện các công trình, dự án. Điều này để người dân tiếp nhận các nguồn thông tin chính thống, không bị “nhiễu thông tin” không đúng sự thật dẫn đến đầu tư ồ ạt, làm tăng giá đất bất thường; cảnh báo người dân về những rủi ro khi đầu tư theo hiệu ứng đám đông.

Quang Hợp - Phương Dung

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load