Thứ bảy 21/12/2024 23:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Con đường nào cho cát nhân tạo: Tương lai của vật liệu xây dựng bền vững

23:13 | 23/08/2024

(Xây dựng) – Số liệu của Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VABM) cho thấy, nguồn cung cát tự nhiên ở nước ta hiện chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu. Tiềm năng của cát nhân tạo ở nước ta là rất lớn. Tuy nhiên, loại vật liệu quan trọng này lại đang gặp khó khăn do cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh cùng nhận thức của người tiêu dùng…

Con đường nào cho cát nhân tạo: Tương lai của vật liệu xây dựng bền vững
Với sự đa dạng nguồn nguyên liệu cùng với dễ dàng kiểm soát chất lượng, cát nhân tạo (cát nghiền) đang đứng trước những cơ hội lớn trong ngành Xây dựng.

Tiềm năng cát nghiền là rất lớn

Theo VABM, nước ta có 331 mỏ cát sông với tổng trữ lượng khoảng hơn 2.079 triệu m³. Nguồn cát chính cung cấp cho sản xuất bê tông và vữa chủ yếu tập trung ở các dự án được cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác các mỏ hoặc nạo vét khơi thông luồng lạch, nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60 - 65% nhu cầu và cung cấp cho các đô thị lớn.

Đối với cát san lấp, nhu cầu hàng năm cần từ 525 triệu m³– 575 triệu m³. Được biết, hiện cả nước có 71 cơ sở khai thác cát san lấp được cấp phép với tổng công suất đạt trên 4,5 triệu m³/năm, mới đáp ứng được 1,5% so với mức độ tiêu thụ cát xây dựng.

Nhìn chung, nguồn cung cát tự nhiên ở nước ta hiện chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu. Theo dự báo, nguồn tài nguyên cát tự nhiên sẽ sớm cạn kiệt và nguy cơ nước ta nhập khẩu cát xây dựng là điều có thể sẽ xảy ra.

Bên cạnh đó, việc khai thác cát sông quá mức ảnh hưởng lớn đến môi trường sống ven sông và thủy sinh, phá hủy hệ động thực vật địa phương, mất nơi lưu trú và lớp che phủ cho lòng sông. Ngoài ra, khai thác cát trực tiếp từ lòng sông đang chảy làm ảnh hưởng đến mật độ của các quần thể động vật không xương sống và cá ở đáy sông...

Trong khi đó, cát nhân tạo (cát nghiền) lại dễ sản xuất và đảm bảo chất lượng. Là đơn vị sản xuất cát nhân tạo, ông Phan Hiền, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hùng Vương chia sẻ, cát là vật liệu không thể thiếu cho ngành Xây dựng cơ bản và nó chiếm tỷ lệ rất cao trong các vật liệu cấu thành công trình. Tuy nhiên, cát tự nhiên ngày càng khan hiếm và chất lượng không ổn định. Trong khi đó, nguyên liệu để sản xuất cát nghiền rất nhiều và phong phú về chủng loại. Hơn nữa, công nghệ hiện đại đã cho phép sản xuất được các loại cát nghiền với chất lượng rất cao, có module khác nhau đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu khắt khe nhất của ngành Xây dựng.

Dây chuyền công nghệ sản xuất cát nhân tạo là yếu tố quan trọng để đảm bảo sản phẩm đầu ra đạt tiêu chuẩn và ổn định, đủ sức thay thế cát tự nhiên. Trên thị trường có nhiều công nghệ sản xuất cát nghiền, các công nghệ này giúp doanh nghiệp quản lý chất lượng và độ ổn định của sản phẩm, đồng thời giảm thiểu tối đa tác động xấu đến môi trường.

“Hiện nay, Công ty Hùng Vương chúng tôi đã lựa chọn và áp dụng công nghệ đến từ châu Âu. Quá trình sản xuất là khép kín, không gây bụi, không vượt quá quy định về tiếng ồn. Tất cả các chất thải đều được thu gom bằng công nghệ lắng hoặc ép bùn, nước sử dụng trong quá trình sản xuất đều được thu lại để tái sử dụng. Suốt quá trình sản xuất đều được giám sát nghiêm ngặt, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và môi trường.

Sản lượng sản xuất và tiêu thụ của nhà máy đạt khoảng hơn 1 triệu m3/năm, chúng tôi sử dụng cát nghiền cho chính Công ty Hùng Vương với sản lượng chiếm khoảng 30-40% trong lĩnh vực sản xuất bê tông đúc sẵn và bê tông tươi. Phần còn lại được cung cấp cho các trạm trộn bê tông tươi, bê tông đúc sẵn trên địa bàn tỉnh Bình Phước và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh...” - Ông Hiền cho biết thêm.

Cần có cơ chế cho doanh nghiệp

Trên thực tế, cát nghiền là sản phẩm không mới trên thế giới, từ những năm 80 thế kỷ trước, các nước phương Tây đã sử dụng cát nhân tạo trong các dự án lớn ở châu Âu như: Đập French Alps tại Pháp (năm 1980), đập Ataturk Turkey ở Thổ Nhĩ Kỹ (năm 1986)... với công nghệ làm cát nhân tạo giai đoạn đầu bằng sự kết hợp côn – nghiền bi…

Con đường nào cho cát nhân tạo: Tương lai của vật liệu xây dựng bền vững
Cát nghiền nếu phát huy hết tiềm năng sẽ trở thành một trong những giải pháp quan trọng để giải “nút thắt” thiếu cát trong xây dựng.

Tại Việt Nam, trong định hướng phát triển vật liệu xây dựng, ngay từ những năm đầu của thế kỷ XXI, Chính phủ đã có chủ trương phát triển vật liệu cát nhân tạo để thay thế cát tự nhiên, cũng như nâng cao chất lượng cốt liệu bê tông như: Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014, phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030…

Tuy nhiên, trên thực tế, việc sử dụng cát nhân tạo trong các công trình xây dựng ở nước ta vẫn chưa được phổ biến nên các nhà đầu tư chưa mạnh dạn sản xuất. Điều này đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ thói quen sử dụng cát tự nhiên đến giá thành sản xuất cát nhân tạo còn cao, khó cạnh tranh.

Cũng theo ông Phan Hiền, để đầu tư dây chuyền công nghệ và đảm bảo được số lượng, chất lượng cát nghiền cần nguồn lực kinh tế không hề nhỏ. Cùng với đó, việc lựa chọn nhà cung cấp có đủ kinh nghiệm, kiến thức, giải pháp phù hợp với yêu cầu sản xuất hiện đại và thân thiện với môi trường, dịch vụ hậu mãi cũng là một khó khăn cho doanh nghiệp muốn tham gia sản xuất mặt hàng này.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cát nhân tạo cho biết, khó khăn lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt khi sản xuất, kinh doanh cát nhân tạo các tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức, đơn giá, hướng dẫn sử dụng liên quan đến sản xuất và sử dụng cát nhân tạo chưa được đồng bộ. Cùng với đó, các chính sách, cơ chế khuyến khích sản xuất và sử dụng cát nhân tạo chưa đầy đủ, chưa thực sự có hiệu quả trong thực tế.

Đồng quan điểm, TS. Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VABM cũng nhận định, để phát huy tối đa tiềm năng của cát nhân tạo và đưa cát nhân tạo vào các công trình xây dựng cần phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Trong đó, các cơ quan Nhà nước phải rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích có hiệu quả việc sản xuất và sử dụng cát nhân tạo như: Các chính sách ưu đãi về thuế, chuyển giao công nghệ, vốn vay… cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và sử dụng cát nhân tạo…

Công Danh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load