(Xây dựng) - Sáng 18/11, thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng nhằm tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, Nhà nước; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn.
Thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (Ảnh: Quốc hội). |
Đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật
Khẳng định cần thiết sự ban hành Luật, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng: Luật Xây dựng năm 2014 qua thời gian triển khai, thi hành luật đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến xây dựng nên cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Bên cạnh đó, quá trình thực thi còn phát sinh một số hạn chế, bất cập. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đặc biệt là các luật mới.
Theo tờ trình Chính phủ, phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật được xây dựng trên cơ sở tuân thủ 03 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua, gồm: Nhóm chính sách 1: “Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng”; Nhóm chính sách 2: “Bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng” và Nhóm chính sách 3: “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan”.
Về phân loại, phân cấp công trình, theo đại biểu Trần Văn Tiến, cần có quy định về phân loại, phân cấp công trình để dễ dàng quản lý, bởi liên quan đến tiêu chuẩn thiết kế, tuổi thọ công trình, kinh phí đầu tư xây dựng, quản lý công trình.
Đại biểu cũng cho rằng, dự án đầu tư có nhiều loại công trình có nhóm, cấp khác nhau thì đánh giá chung toàn dự án phân loại như thế nào, dự thảo Luật cần xác định, làm rõ với công trình hỗn hợp, phân loại, quản lý như thế nào.
Về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, theo đại biểu Trần Văn Tiến, dự án nhóm A là công trình quy mô lớn, quan trọng và có sức ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương cần quy định các dự án nhóm A đều phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Ở đây, dự thảo chỉ quy định việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án nhóm A sử dụng vốn đầu tư công là không chặt chẽ.
Đại biểu Trần Văn Tiến cũng đề nghị quy định rõ thời gian thẩm định, chấp thuận đầu tư, phê duyệt, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế dự toán để tránh tình trạng công chức thực hiện công vụ lợi dụng gây sách nhiễu kéo dài thời gian trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư.
Thiết kế xây dựng cũng cần quy định rõ về nội dung, hồ sơ, thuyết minh thiết kế để có căn cứ triển khai… “Đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về việc quản lý, bảo đảm tuân thủ tiêu chuẩn về cốt xây dựng trong giấy phép”, Đại biểu Trần Văn Tiến cho cho ý kiến.
Đồng bộ, tránh chồng chéo
Thảo luận về dự án luật, đại biểu đoàn thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, nhiệm vụ chính của việc sửa đổi lần này chính là đồng bộ hóa pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời với việc sửa luật này, Chính phủ cũng phải trình luôn kiến nghị sửa đổi những một số điều ở những luật khác để đồng bộ với luật. Tránh sự chồng chéo với Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản…
Để đảm bảo tính đồng bộ, ý kiến đại biểu cũng cho rằng, song song với việc sửa đổi Luật Xây dựng, cần quan tâm đến khâu tổ chức thực hiện, cụ thể với một số luật liên quan như quy hoạch, kiến trúc, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính… Tất cả các văn bản pháp luật có liên quan, nếu được thực hiện đồng bộ, nghiêm túc trong thời gian tới, công tác quản lý trật tự xây dựng mới đạt yêu cầu.
Cho ý kiến hồ sơ cấp phép xây dựng ở một số vùng nông thôn, có ý kiến đại biểu cho rằng: “Trong dự luật quy định, các hộ gia đình, cá nhân phải có hồ sơ, bản vẽ thiết kế mới được cấp phép xây dựng. Các cử tri cho rằng, tại địa bàn, mỗi nhà một quả đồi, mà bỏ tiền ra làm hồ sơ thiết kế thì rất tốn kém cho dân. Nên theo tôi, với địa bàn vùng cao như Si Ma Cai (Bắc Hà), các xã vùng cao thì cần quy định riêng để họ đỡ phải bỏ ra một khoản tiền nhất định mà lẽ ra khoản đó để xây dựng hoặc làm công việc khác có ích hơn.
Về hồ sơ cấp phép xây dựng, nên phân vùng cụ thể, một là miền núi, hai là đồng bằng, ba là thành phố, thị xã. Vùng đồng bằng, miền núi nông thôn có khác nhau về địa lý nên có thể đơn giản hoá. Nhưng đối với đồng bằng, thị trấn, thành phố thì vấn đề này cực kỳ quan trọng. Do vậy, vấn đề chính là sự phối hợp tổ chức thực hiện, từ chính quyền đến tổ dân phố, tất cả đều phải phối hợp để xử lý tốt nhất…
Để hạn chế tình trạng sai phạm xây dựng vẫn diễn ra phổ biến trong thời gian qua, các đại biểu cũng đưa ra ý kiến thống nhất với dự thảo luật, đưa việc thanh kiểm tra, giám sát về một đầu mối đó là Thanh tra Chính phủ, cùng với đó là tăng cường vai trò giám sát của chính quyền địa phương.
Theo chương trình kỳ họp, sáng 27/11, Quốc hội sẽ thảo luận toàn thể tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Minh Châu
Theo