(Xây dựng) - Sáng 29/7, Đoàn công tác số 7 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí (đ/c) Huỳnh Phong Tranh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, Ủy viên Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng, công bố Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng tại Bộ.
Tiếp và làm việc với đoàn có đ/c Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; các Thứ trưởng Phạm Hồng Hà, Phan Thị Mỹ Linh, Lê Quang Hùng...
Toàn cảnh buổi làm việc.
Tại Bộ Xây dựng, Đoàn công tác đã tập trung kiểm tra, giám sát ở hoạt động đầu tư xây dựng, nhất là về định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn, lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình; công tác lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng; quản lý chất lượng công trình xây dựng; lĩnh vực nhà ở; thị trường BĐS, VLXD; việc thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với DN nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào DN khác theo quy định của pháp luật...
Đoàn công tác đã làm việc với các đơn vị: Cục Quản lý hoạt động xây dựng; Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình; Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS; Viện Kinh tế xây dựng; TCty Công nghiệp Xi măng Việt Nam; TCty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) và TCty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO).
Trên cơ sở báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng và kết quả làm việc trực tiếp tại 7 đơn vị thuộc Bộ, Đoàn công tác đánh giá: Bộ Xây dựng là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao; nhà ở; công sở; thị trường BĐS... Với 73 đơn vị trực thuộc, Bộ quản lý nhiều lĩnh vực, có ảnh hưởng lớn đến xã hội. Đây cũng là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tham nhũng.
Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; xác định công tác phòng, chống tham nhũng làm một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm.
Bộ đã quan tâm kiện toàn bộ máy tổ chức để tăng cường công tác phòng chống tham nhũng. Nhiều quy chế, văn bản quy định đã được Bộ Xây dựng ban hành nhằm phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực thuộc Bộ như các văn bản công khai thủ tục hành chính và thái độ, tác phong của cán bộ, công chức ngành xây dựng trong giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan trực tiếp đến người dân và DN; các quy chế quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí các nhiệm vụ, đề tài, dự án khoa học công nghệ, môi trường, dự án sự nghiệp kinh tế sử dụng nguồn vốn ngân sách; quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Bộ. Bộ quan tâm xây dựng, hoàn thiện và thực hiện cơ chế, chính sách về công tác cán bộ để phòng, chống tham nhũng; thực hiện công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, chỉ đạo làm tốt các khâu tuyển dụng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ và công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trực thuộc Bộ.
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng đã thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp phòng, ngừa tham nhũng. Bộ tham mưu xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách theo chức năng quản lý nhà nước để phòng, chống tham nhũng; đồng thời tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các định mức kinh tế kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chi phí xây dựng, chống thất thoát, lãng phí, nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xây dựng. Công tác lập quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn được tập trung thực hiện có nhiều đổi mới, theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển...
Báo cáo của đoàn công tác cũng chỉ ra một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống tham nhũng tại Bộ Xây dựng, gồm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; kê khai, minh bạch tài sản thu nhập; công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo; việc phát hiện, xử lý tham nhũng...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đồng tình với báo cáo của Đoàn về công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc phòng chống tham nhũng tại Bộ Xây dựng. Bộ trưởng nhấn mạnh: Bộ Xây dựng quản lý những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, nhất là lĩnh vực đầu tư xây dựng. Nếu không quản lý tốt thì thất thoát rất lớn. Do đó, Bộ Xây dựng luôn xác định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt quan trọng là việc quản lý bằng cơ chế chính sách, hoàn thiện thể chế, tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra.
Bộ trưởng khẳng định: Công tác phòng, chống tham nhũng được Bộ Xây dựng thực hiện thường xuyên, lâu dài không chỉ trong nội bộ ngành mà còn góp phần phòng, chống tham nhũng cho toàn xã hội.
Đồng chí Huỳnh Phong Tranh đề nghị Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ và nâng cao hiệu quả các giải pháp phòng, chống tham nhũng.
Kết luận buổi làm việc, đ/c Huỳnh Phong Tranh đề nghị Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ và nâng cao hiệu quả các giải pháp phòng, chống tham nhũng. Bộ đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, thúc đẩy công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu của từng cơ quan, đơn vị.
Ngoài ra, Bộ cần tập trung chỉ đạo công tác xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực quản lý của Bộ Xây dựng, nhất là những lĩnh vực dễ có nguy cơ tiêu cực, tham nhũng như quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng... Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tái cơ cấu DN của Bộ; phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện, tránh tiêu cực, tham nhũng...
Vân Anh - Ảnh: Thiên Trường
Theo