Thứ tư 05/02/2025 12:59 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Cát biển được khai thác thay thế cát sông ở một số địa phương

09:52 | 06/12/2022

(Xây dựng) - Theo Chiến lược phát triển ngành Vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam thời kỳ 2021-2030 và định hướng đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 thì nhu cầu cát xây dựng (chỉ tính riêng cho bê tông và vữa) ở nước ta đến năm 2025 khoảng 170-190 triệu m3/năm, đến năm 2030 khoảng 200-220 triệu m3/năm.

Cát biển được khai thác thay thế cát sông ở một số địa phương
Cát biển đang được lựa chọn để sử dụng trong một số công trình giao thông.

Chính vì vậy, công tác tìm kiếm và đưa vào sử dụng cát loại cát thay thế cho cát sông là việc cần thiết. Vấn đề này đã được Chính phủ quan tâm và đưa định hướng phát triển mở rộng các nguồn cát thay thế vào chiến lược phát triển VLXD trong thời gian tới. Viện Vật liệu xây dựng (VIBM) cũng đã thực hiện nhiều đề tài, dự án từ nhiều năm qua nhằm phát triển và đưa ra các loại cát thay thế cát sông cho xây dựng. Các hướng nghiên cứu vật liệu thay thế cát sông có thể kể đến: các nghiên cứu về cát nghiền (bắt đầu thực hiện từ năm 1999), đã xây dựng tiêu chuẩn về cát nghiền và hướng dẫn thiết kế thành phần bê tông sử dụng cát nghiền; nghiên cứu sử dụng cát mịn, cát chất lượng thấp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho sản xuất bê tông, vữa; nghiên cứu sử dụng các loại phế thải làm cốt liệu cho bê tông như cốt liệu chế biến từ phế thải xây dựng, cốt liệu từ xỉ thép, cốt liệu từ tro bay. Gần đây, VIBM đã thực hiện các nghiên cứu sử dụng cát biển, cát nhiễm mặn cho chế tạo bê tông phục vụ cho công trình xây dựng tại vùng duyên hải cũng như khu vực hải đảo.

Sử dụng cát biển làm cát xây dựng làm một vấn đề mới tại nước ta, tuy nhiên, cát biển đã được sử dụng ở nhiều nước và khu vực trên thế giới trong nhiều thập niên từ trước tới nay như tại Anh (cát biển chiếm khoảng 17%), Nhật Bản (khoảng 12%), Hàn Quốc (khoảng 28%), Hà Lan, Hong Kong, Trung Quốc... Tuy vậy, cát biển, cát nhiễm mặn khi sử dụng cho bê tông, vữa phải được chế biến, chủ yếu là rửa để khử muối trước khi đưa vào sử dụng để đảm bảo không gây hư hỏng, xuống cấp cho kết cấu bê tông sử dụng chúng khi trong cát còn lẫn lượng muối đáng kể, đặc biệt là gây vấn đề ăn mòn cốt thép trong bê tông.

Hiện nay ở nước ta đã có một số cơ cở chế biến cát biển làm cát xây dựng, với công nghệ chà xát tuyển rửa cát biển nhiễm mặn thành cát sạch. Qua kết quả phân tích, cát biển được chế biến, có hàm lượng ion clo, thành phần tạp chất đảm bảo mức quy định theo các tiêu chuẩn TCVN hiện hành, cũng như các tiêu chuẩn về cát cho bê tông trên thế giới. Tuy nhiên, để ứng dụng cát biển cho bê tông trong thực tế tại nước ta, còn nhiều trở ngại mà vấn đề lớn nhất là vượt qua tâm lý e ngại sử dụng cát biển do chưa rõ các vấn đề về công nghệ, khai thác chế biến cát biển, chất lượng của bê tông sử dụng cát biển khi sử dụng vào công trình, các tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng cát biển. Đồng bằng sông Cửu Long đang có hàng loạt dự án đường bộ được triển khai dẫn tới nhu cầu sử dụng cát san lấp nền tăng mạnh. Tuy nhiên, nhiều mỏ cát trong vùng đang dần cạn. Để khắc phục tình trạng này, các cấp, ngành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp tìm vật liệu san nền thay thế.

Theo tính toán đến năm 2025, Đồng bằng sông Cửu Long cần hoàn thành khoảng 400km đường cao tốc, cần tới 39.000.000 mét khối cát san lấp, chưa kể các công trình công cộng, công trình dân sinh khác nên nhu cầu san lấp cát là rất lớn. Tình trạng thiếu vật liệu làm các công trình giao thông đã gây ảnh hưởng tới tiến độ chung của các dự án đang được triển khai.

Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải có văn bản gửi 6 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng về việc hỗ trợ công tác điều tra, khảo sát nguồn vật liệu đắp nền đường phục vụ cho các dự án xây dựng đường cao tốc trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Trước tình trạng các dự án cao tốc cần hàng chục triệu mét khối cát san lấp, Bộ Giao thông vận tải đề nghị cho các đơn vị khai thác khoảng 5.000m3 cát biển trên địa bàn Trà Vinh, Sóc Trăng thí điểm đắp nền đường cao tốc khu vực ĐBSCL do nguồn vật liệu ở đây đang bị thiếu và có thể phải dùng vật liệu cát biển thay thế.

PGS.TS Nguyễn Đức Mạnh - Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết: Việc sử dụng cát nhiễm mặn đắp nền đường ôtô hiện nay ở Việt Nam là một giải pháp hoàn toàn hợp lý. Cát nhiễm mặn ở khu vực phía Nam Việt Nam qua nghiên cứu có thể sử dụng đắp nền đường ôtô ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Bộ Giao thông vận tải, các dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư.

Dự kiến nhu cầu sử dụng cát đắp nền đường khoảng 18 triệu m3. Để chủ động nguồn cung cấp vật liệu, Bộ Giao thông vận tải đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, An Giang để thống nhất cung cấp vật liệu cát đắp cho các dự án theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Tuy nhiên do các địa phương đang ưu tiên nguồn để phục vụ công trình trong tỉnh. Hiện chỉ có tỉnh An Giang cam kết cấp khoảng 1,1 triệu m3 từ việc tăng 50% công suất các mỏ. Đối với việc cấp phép các mỏ mới để khai thác phục vụ nhu cầu của các dự án, cả 2 tỉnh đều chưa khẳng định. Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp, tạo điều kiện cho Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đơn vị tư vấn trong quá trình điều tra, khảo sát các mỏ vật liệu trên địa bàn.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng: “Khoảng cuối năm 2023 sẽ có kết quả thử nghiệm dùng cát biển thay thế cát sông để làm dự án cao tốc. Hiện nay, tổng nhu cầu dùng cát để làm vật liệu cho các công trình giao thông ở ĐBSCL là 39 triệu m3, trong khi đó khu vực này chỉ có khoảng 26 triệu m3. Chính vì thế, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đặc biệt, với trách nhiệm đang triển khai rất nhiều dự án trọng điểm tại miền Tây, Bộ Giao thông vận tải đánh giá việc nghiên cứu vật liệu cát biển thay thế cát sông là nhu cầu cấp thiết". Hiện Bộ Giao thông vận tải đã lấy mẫu, làm các xét nghiệm và theo kết quả ban đầu. Nếu lấy cát biển thay cho cát sông thì riêng khu vực ĐBSCL lượng cát biển lên đến hàng tỷ khối, không chỉ dùng được cho ĐBSCL mà có thể áp dụng cho cả nước.

Bộ Giao thông vận tải cũng đã đề nghị các địa phương liên quan cho phép các đơn vị khai thác khoảng 5.000m3 cát biển trên địa bàn tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng để thi công thí điểm và phục vụ nghiên cứu. Đồng thời, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan hướng dẫn thủ tục cần thiết để thực hiện.

Mai Nam Sơn

Theo

Cùng chuyên mục
  • Viện vật liệu xây dựng: Nghiên cứu đầu ngành về vật liệu

    (Xây dựng) - Với kết quả đạt được trong năm 2024, Viện Vật liệu xây dựng khẳng định vai trò là một trong những đơn vị khoa học đầu ngành về nghiên cứu vật liệu xây dựng, là đơn vị uy tín được các doanh nghiệp đặt niềm tin vào kết quả nghiên cứu.

  • Lối nào cho thị trường xi măng?

    (Xây dựng) – Năm 2024 tiếp tục là năm khó khăn với ngành Xi măng, các doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ chật vật, thị trường xi măng cung vượt cầu và cạnh tranh khốc liệt. Nhưng phải ghi nhận nỗ lực toàn ngành, trong khó khăn, các doanh nghiệp không lùi bước, càng đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tiết giảm chi phí. “Ánh sáng cuối con đường” của năm 2024 đã gieo niềm tin, hy vọng năm 2025 tươi sáng hơn.

  • Phát triển bền vững ngành Vật liệu xây dựng

    (Xây dựng) - Để đảm bảo phát triển bền vững, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành Vật liệu xây dựng (VLXD), trong năm 2024, Vụ Vật liệu xây dựng đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD.

  • VINCEM: Nỗ lực vượt khó đổi mới sáng tạo

    (Xây dựng) - “Trong bối cảnh cả nước đang bứt phá, phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; Với truyền thống 125 năm Ngày ra đời ngành Xi măng Việt Nam, 95 năm Ngày truyền thống và 45 năm thành lập VICEM, Tổng công ty kêu gọi toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động tại công ty mẹ - VICEM và các đơn vị thành viên tiếp tục nỗ lực, cố gắng, năng động sáng tạo, nêu cao tinh thần đoàn kết, kỷ cương, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2025”, Tổng Giám đốc Lê Nam Khánh nhấn mạnh.

  • Sông Đà Cao Cường - Tiên phong sản xuất vật liệu xanh

    (Xây dựng) - Gần 18 năm xây dựng và phát triển, Sông Đà Cao Cường (SCL) trở thành thương hiệu uy tín trong nhiều lĩnh vực... góp phần quan trọng vào giải quyết bài toán môi trường cho các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất, đồng thời tạo ra nguồn nguyên liệu chất lượng cao phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản.

  • Kỳ Anh (Hà Tĩnh): Kịp thời xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn

    (Xây dựng) - Năm 2024, UBND huyện Kỳ Anh chỉ đạo các phòng, ban và UBND các xã xử lý kịp thời các kiến nghị trong công tác khai khoáng sản trên địa bàn, nhằm đảm bảo an ninh trật tư an toàn xã hội.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load