Thứ bảy 25/01/2025 02:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Cần Thơ: Đề nghị điều chỉnh 1.400 ha đất ra khỏi quy hoạch phát triển Khu công nghiệp

15:11 | 24/12/2020

(Xây dựng) – Ngày 22/12, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đã ký Tờ trình số 233/TTr-UBND về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2020 định hướng đến năm 2030, gửi trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

can tho de nghi dieu chinh 1400 ha dat ra khoi quy hoach phat trien khu cong nghiep
Cổng Khu công nghiệp Hưng Phú 2.

Hiện trạng các Khu công nghiệp

Theo Tờ trình, thành phố Cần Thơ đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phát triển 08 Khu công nghiệp với tổng diện tích 2.349,47 ha, bao gồm: Khu công nghiệp Trà Nóc I (135,67ha), Khu công nghiệp Trà Nóc II (150,5ha), Khu công nghiệp Hưng Phú I (262ha), Khu công nghiệp Hưng Phú 2A (134,3ha), Khu công nghiệp Hưng Phú 2B (67ha), Khu công nghiệp Thốt Nốt (600ha), Khu công nghiệp Ô Môn (600ha) và Khu công nghiệp Bắc Ô Môn (400ha). Thực tế trong thời gian vừa qua, việc đầu tư phát triển các Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Ngoại trừ Khu công nghiệp Trà Nóc I và Khu công nghiệp Trà Nóc II được đầu tư bằng vốn Ngân sách Nhà nước đi kèm với những chính sách ưu đãi thời gian trước đây, nên đã thu hút được nhiều dự án đầu tư (Khu công nghiệp Trà Nóc I lấp đầy 100%, Khu công nghiệp Trà Nóc II lấp đầy 89%).

Các Khu công nghiệp còn lại triển khai chậm do thiếu nguồn lực đầu tư, giá cho thuê đất cao, không được hưởng ưu đãi đầu tư, thiếu cơ chế chính sách triển khai thực hiện phù hợp. Mặt khác, địa điểm, vị trí, quy mô của một số Khu công nghiệp chưa thật sự hợp lý, chưa thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, do đó dẫn đến một số Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến thời điểm hiện nay vẫn chưa thể triển khai được.

Các Khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn như: Khu công nghiệp Ô Môn, diện tích 600ha và Khu công nghiệp Bắc Ô Môn diện tích 400ha chưa có nhà đầu tư nào quan tâm và vẫn nằm trong danh mục các dự án kêu gọi đầu tư chung của thành phố Cần Thơ; Khu công nghiệp Thốt Nốt diện tích 600ha được UBND thành phố Cần Thơ, chia thành 2 giai đoạn: Khu công nghiệp Thốt Nốt - giai đoạn 1 với diện tích theo quy hoạch là 200ha. Tại Quyết định số 1242/QĐ-UBND ngày 21/4/2009, UBND thành phố Cần Thơ đã thành lập Khu công nghiệp Thốt Nốt - giai đoạn 1 với diện tích là 104,3ha. Hiện nay, Khu công nghiệp Thốt Nốt - giai đoạn 1 vẫn đang tiếp tục thu hút các nhà đầu tư thứ cấp trong Khu công nghiệp. Khu công nghiệp Thốt Nốt - giai đoạn 2 với diện tích theo quy hoạch là 400ha. Hiện nay, Khu công nghiệp Thốt Nốt - giai đoạn 2, chưa có nhà đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp, chưa triển khai xây dựng và thành lập Khu công nghiệp.

UBND thành phố Cần Thơ cho rằng, từ hiện trạng của các Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ, để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và mục tiêu phát triển Khu công nghiệp nói riêng của thành phố Cần Thơ đã được đề ra theo Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 30/08/2013 của Thủ tướng Chính phủ, việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ là cần thiết.

Đồng thời, UBND Cần Thơ đang tổ chức lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/02/2018 về triển khai thi hành Luật Quy hoạch, trong đó có việc rà soát và tích hợp Quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ vào Quy hoạch thành phố Cần Thơ theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch, bao gồm phương án điều chỉnh quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch 03 Khu công nghiệp với diện tích 1.400ha

UBND thành phố Cần Thơ kiến nghị phương án điều chỉnh quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020 định hướng đến năm 2030, là: Đưa ra khỏi quy hoạch phát triển Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2020 đối với các Khu công nghiệp không thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư và không còn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ. Đó là: Khu công nghiệp Ô Môn, diện tích 600ha, tại phường Phước Thới, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Hiện trạng khu đất Khu công nghiệp này có đất chuyên trồng lúa nước (LUC): 270ha, đất trồng cây hàng năm khác (BHK): 80,9ha, đất trồng cây lâu năm (CLN): 90,7ha, đất ở đô thị (ODT): 70,6ha, đất giao thông (GTNT): 20ha, đất thủy lợi, sông ngòi (DTL): 35ha, đất nuôi trồng thủy sản (NTTS): 25ha, đất nghĩa địa (NTD): 1,5ha.

Khu công nghiệp Bắc Ô Môn, diện tích 400ha, tại phường Thới Long, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Hiện trạng khu này có đất chuyên trồng lúa nước (LUC): 230 ha, đất trồng cây lâu năm (CLN): 56ha, đất ở đô thị (ODT): 15ha, đất giao thông (GTNT): 8ha, đất thủy lợi, sông ngòi (DTL): 40,7ha, đất nuôi trồng thủy sản (NTTS): 50,3ha.

Khu công nghiệp Thốt Nốt - giai đoạn 2, diện tích 400ha, tại quận Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ. Hiện trạng khu này có đất chuyên trồng lúa nước (LUC): 249,5ha, đất trồng cây lâu năm (CLN): 76,2ha, đất ở đô thị (ODT): 25,2ha, đất giao thông (GTNT): 11,9ha, đất thủy lợi, sông ngòi (DTL): 30,7ha, đất nuôi trồng thủy sản (NTTS): 6,5ha.

Hiện nay, các Khu công nghiệp này chưa được thành lập, chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa thực hiện giải phóng mặt bằng và chưa có nhà đầu tư thứ cấp trong Khu công nghiệp.

Tờ trình cho rằng, điều kiện của phương án điều chỉnh quy hoạch các Khu Công nghiệp đưa ra khỏi quy hoạch phát triển là: Khu Công nghiệp Ô Môn, Khu Công nghiệp Bắc Ô Môn và Khu công nghiệp Thốt Nốt giai đoạn 2, không thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư và không còn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ nên cần thiết phải đưa ra khỏi quy hoạch phát triển Khu công nghiệp. Ngoài ra, các Khu công nghiệp này chưa được thành lập và quỹ đất quy hoạch các Khu công nghiệp này vẫn đang được giữ nguyên hiện trạng, chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa thực hiện giải phóng mặt bằng và chưa có nhà đầu tư thứ cấp trong Khu Công nghiệp.

Dự kiến, sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa Khu công nghiệp Ô Môn, Khu công nghiệp Bắc Ô Môn và Khu công nghiệp Thốt Nốt - giai đoạn 2, ra khỏi quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp, phần quỹ đất quy hoạch các Khu công nghiệp này sẽ được giữ nguyên hiện trạng. Trường hợp đưa các Khu công nghiệp này ra khỏi quy hoạch và thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ cập nhật phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ, quy hoạch chung xây dựng thành phố Cần Thơ, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 quận Ô Môn. Theo đó, các quỹ đất sẽ được sử dụng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo các quy hoạch được duyệt. Dự kiến là phát triển đô thị và dịch vụ logistic.

can tho de nghi dieu chinh 1400 ha dat ra khoi quy hoach phat trien khu cong nghiep
Khu công nghiệp Bắc Ô Môn 400ha đang đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch phát triển Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Bổ sung Khu công nghiệp vào quy hoạch phát triển Khu công nghiệp

Trong 8 Khu công nghiệp nằm trong quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ với tổng diện tích 2.349,47ha, có 6 Khu công nghiệp: Trà Nóc I, Trà Nóc II, Hưng Phú I, Hưng Phú 2A, Hưng Phú 2B và Thốt Nốt, đã được xây dựng và thành lập với quy mô diện tích 832,2ha. Các Khu công nghiệp này đã tiếp nhận được 250 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,770 tỷ USD, tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 407,1 ha chiếm tỷ lệ 62,29% diện tích đất công nghiệp cho thuê của các Khu công nghiệp 407,1/653,6 ha.

Theo phương án điều chỉnh quy hoạch các Khu công Cần Thơ, UBND đề nghị bổ sung 02 Khu công nghiệp vào quy hoạch phát triển Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2020. Đó là Khu công nghiệp Ô Môn - Cần Thơ, vị trí quy hoạch dự kiến: Phường Trường Lạc, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ; phía Bắc: giáp Rạch Giáo Dẫn, phía Nam: giáp đường Tỉnh 922, phía Đông: giáp với quận Bình Thủy, phía Tây: giáp rạch KH 8. Quy mô diện tích: khoảng 500ha. Hiện trạng khu đất dự kiến quy hoạch Khu công nghiệp có: Đất chuyên trồng lúa nước (LUC): 262 ha, đất trồng cây hằng năm khác (BHK): 60ha, đất trồng cây lâu năm (CLN): 87ha, đất ở đô thị (ODT): 29,6ha, đất giao thông (GTNT): 15ha, đất thủy lợi, sông ngòi (DTL): 27ha, đất nuôi trồng thủy sản (NTTS): 17ha, đất nghĩa địa (NTD): 1ha, các loại đất khác: 1,4ha.

Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh, vị trí quy hoạch dự kiến: Xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ; phía Bắc: cách tuyến tránh Thốt Nốt khoảng 850 m, phía Nam: cách đường tỉnh 921B khoảng 434m, phía Tây Bắc: giáp đất dân, cách Quốc lộ 80 khoảng 590m, phía Tây: giáp rạch KH 8. Dự kiến quy mô diện tích: khoảng 900ha. Hiện trạng khu đất dự kiến quy hoạch Khu công nghiệp: đất chuyên dùng trồng lúa nước (LUC): 880ha, đất trồng cây lâu năm (CLN) + đất ở tại nông thôn (ONT): 2ha, đất giao thông nông thôn (GTNT): 2ha, đất thủy lợi (DTL): 8ha, đất nuôi trồng thủy sản (NTTS): 8ha.

Theo phương án điều chỉnh quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ, tổng diện tích Khu công nghiệp đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch là 1.400ha, tổng diện tích Khu công nghiệp đề nghị bổ sung quy hoạch là 1.400ha, vì vậy không làm tăng tổng diện tích đất quy hoạch Khu công nghiệp của thành phố Cần Thơ đã được phê duyệt.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 30/08/2013, các Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ được định hướng phát triển như: Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư vào các Khu công nghiệp Hưng Phú I, II, Thốt Nốt, Bắc Ô Môn và Ô Môn. Điều chỉnh quy hoạch Khu công nghiệp Thốt Nốt phù hợp với quy hoạch đường Hồ Chí Minh. Quy hoạch và triển khai thực hiện Khu công nghiệp công nghệ thông tin để tập trung nghiên cứu, phát triển, sản xuất kinh doanh và đào tạo nguồn nhân lực về công nghiệp công nghệ thông tin (phần cứng, phần mềm). Quy hoạch đầu tư xây dựng vườn ươm công nghệ cao và khu công nghệ cao. Quy hoạch các cụm công nghiệp, tạo điều kiện phát triển mạnh công nghiệp nông thôn và di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra ngoài các khu dân cư, khu đô thị.

Việc triển khai hạ tầng các Khu công nghiệp: Thốt Nốt, Ô Môn và Bắc Ô Môn thuộc danh mục các dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư thời kỳ 2011 - 2020 của thành phố Cần Thơ theo Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 30/08/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Theo phương án điều chỉnh quy hoạch Khu công nghiệp, Khu công nghiệp Thốt Nốt giai đoạn 2, thực chất sẽ được điều chỉnh vị trí vào sâu trong huyện Vĩnh Thạnh và đổi tên thành Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh. Do vậy, việc bổ sung quy hoạch Khu công nghiệp Ô Môn - Cần Thơ và Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh đảm bảo phù hợp Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo nhận định của UBND thành phố, các Khu công nghiệp bổ sung có nhiều điều kiện thuận lợi và tiềm năng phát triển. Vị trí dự kiến bổ sung quy hoạch Khu công nghiệp Ô Môn - Cần Thơ và Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh có điều kiện thuận lợi về giao thông bộ, có khả năng liên kết phát triển đối ngoại cao, có nguồn cung ứng nguyên liệu, lao động, dịch vụ dồi dào, phong phú và được bố trí tại các khu vực sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp có năng suất thấp, không ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực và cùng với đó là hệ thống giao thông thuận lợi.

Khu công nghiệp Ô Môn - Cần Thơ có vị trí quy hoạch dự kiến nằm cạnh tuyến đường Tỉnh 922 mới và vị trí quy hoạch tuyến đường cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - An Giang và Campuchia, gần đường dẫn cầu Vàm Cống đi Kiên Giang, An Giang và thành phố Hồ Chí Minh, thuận lợi về giao thông đường bộ, khả năng liên kết phát triển cao. Đồng thời, khu vực này có hệ thống điện cao thế, hệ thống cấp nước đi qua; nguồn cung ứng lao động và dịch vụ lớn, nguồn nguyên liệu nông, thủy sản dồi dào. Khu công nghiệp Ô Môn - Cần Thơ: Dự kiến những ngành nghề, lĩnh vực đầu tư là Khu công nghiệp đa ngành, có khả năng thu hút các ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến hoa quả đóng hộp; sản xuất linh kiện, lắp ráp sản phẩm điện máy, điện công nghiệp, công nghiệp điện tử, chất bán dẫn, công nghệ tin học, công nghệ kỹ thuật cao.

Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh có vị trí quy hoạch nằm gần đường dẫn cầu Vàm Cống đi Kiên Giang và thành phố Hồ Chí Minh và dọc theo vị trí quy hoạch tuyến đường cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - An Giang và Campuchia; có hệ thống điện cao thế, hệ thống cấp nước đi qua và cùng với đó là nguồn cung ứng lao động và dịch vụ lớn, nguồn nguyên liệu nông, thủy sản dồi dào, nhất là rau quả các loại. Dự kiến là Khu công nghiệp đa ngành, có khả năng thu hút các ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến hoa quả đóng hộp; chế biến thủy, hải sản, sản xuất máy nông nghiệp phục vụ trong nước và xuất khẩu sang các nước lân cận như Campuchia, Lào...

Tờ trình nêu: Xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương và nhu cầu phát triển các Khu công nghiệp của thành phố Cần Thơ, khả năng đóng góp của các Khu công nghiệp Cần Thơ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, cũng như khả năng về quỹ đất mở rộng Khu công nghiệp; trên cơ sở các quy định pháp lý về Khu công nghiệp và các quy hoạch vùng, tỉnh, thành phố và quy hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND thành phố Cần Thơ đã xây dựng Đề án điều chỉnh quy hoạch các Khu công nghiệp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Cần Thơ. UBND thành phố Cần Thơ kính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Huỳnh Biển

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load