Thứ năm 26/12/2024 18:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Cần phải quy định mức vốn pháp định trong kinh doanh BĐS

14:54 | 15/07/2014

(Xây dựng) - Ngày 15/7, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp cho ý kiến về dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi).


Kinh doanh BĐS là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi chủ đầu tư phải có số vốn lớn.

Sau hai phiên họp thảo luận ngày 27/5 và ngày 18/6 vừa qua về dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), đa số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết cũng như quan điểm xây dựng Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) để thay thế cho Luật Kinh doanh BĐS hiện hành. Trong đó, các đại biểu đánh giá cao sự nghiêm túc, công phu của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc chuẩn bị dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), đã tiếp thu và chỉnh lý nhiều nội dung mà Ủy ban Kinh tế (UBKT) và UBTVQH cho ý kiến. Dự án Luật đã tiếp cận sát với thực tế, khắc phục được nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, đồng thời đã thể chế hóa được chủ trương, đường lối của Đảng và Hiến pháp 2013 về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực kinh doanh BĐS.

Đa số ý kiến đại biểu tán thành với quy định về vốn pháp định như dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị không nên quy định cụ thể mức vốn pháp định trong Luật mà nên giao Chính phủ quy định cho phù hợp từng thời kỳ; có ý kiến cho rằng mức vốn pháp định 50 tỷ là quá cao, rất khó thực hiện, đề nghị quy định mức vốn pháp định không thấp hơn 20 tỷ đồng là phù hợp hơn.

Đối với ý kiến về quy định mức vốn pháp định, Cơ quan soạn thảo cho rằng kinh doanh BĐS là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và đòi hỏi chủ đầu tư phải có số vốn lớn, do đó cần phải quy định mức vốn pháp định đối với ngành nghề kinh doanh này. Song, do thực tế có nhiều đối tượng với nhiều mức độ kinh doanh BĐS khác nhau trên các địa bàn khác nhau. Do đó, để phù hợp với tình hình thực tế, cơ quan soạn thảo dự kiến tiếp thu theo hướng giảm mức vốn pháp định và giao Chính phủ quy định cụ thể cho phù hợp từng thời kỳ, đồng thời đề nghị UBKT xin ý kiến UBTVQH về nội dung này theo hướng giữ nguyên như dự thảo Luật là không thấp hơn 50 tỷ đồng hoặc không thấp hơn 20 tỷ đồng hoặc không quy định cụ thể mức vốn pháp định trong dự thảo Luật mà giao Chính phủ quy định cụ thể.

Theo UBKT, kinh doanh BĐS là ngành nghề kinh doanh đòi hỏi chủ đầu tư phải có năng lực tài chính, khả năng quản lý, tạo lập phát triển thị trường lành mạnh, bền vững, do đó cần phải quy định mức vốn pháp định và đề nghị quy định vốn pháp định tối thiểu là 50 tỷ đồng như dự thảo Luật. Tuy nhiên, cần phải khảo sát, đánh giá tác động, mức độ ảnh hưởng doanh nghiệp kinh doanh BĐS và thị trường thực tế hiện nay khi áp dụng quy định này.

Bên cạnh đó, còn có ý kiến đề nghị đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân mua bán, cho thuê BĐS thì không nhất thiết phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh BĐS để bảo đảm tính khả thi. Ý kiến khác đề nghị đã kinh doanh thì phải thành lập doanh nghiệp.

Để bảo đảm phù hợp với thực tế và có tính khả thi của dự án Luật, cơ quan soạn thảo dự kiến tiếp thu những ý kiến này theo hướng giao Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp mua bán, cho thuê BĐS mà không bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp…

Kết luận phiên họp, UBTVQH đánh giá cao việc chuẩn bị dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) nghiêm túc, công phu theo đúng quy định ban hành văn bản pháp luật, đúng các thủ tục trình tự, tán thành sự cần thiết để bổ sung, điều chỉnh luật này, đồng thời tán thành nhiều nội dung cơ bản trong tờ trình của Chính phủ của bên thẩm tra sơ bộ là UBKT, đảm bảo luật có tính thống nhất, minh bạch với các luật liên quan, các điều ước quốc tế. UBTVQH đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu tại phiên họp…

Linh Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load