Thứ bảy 27/07/2024 07:12 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Cần lưu ý các “lợi ích nhóm” trong đề xuất xây dựng lại khách sạn Thắng Lợi

09:19 | 07/06/2018

(Xây dựng) – Xung quanh thông tin UBND TP Hà Nội có văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng đề xuất cải tạo xây dựng một phần khách sạn Thắng Lợi lên 36 tầng và đổi tên thành Hilton Hà Nội Westlake. Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Cần lưu ý đến vấn đề “lợi ích nhóm” trong xây dựng khách sạn Thắng Lợi. Khách sạn Thắng Lợi là công trình mang tính lịch sử và nó thể hiện tình cảm đặc biệt giữa Việt Nam và Cuba. Khi cải tạo nâng cấp, xây dựng các hạng mục cần phải lưu ý đến vấn đề lịch sử, chúng ta chỉ nên làm tốt đẹp hơn chứ không nên làm trầm trọng hơn thêm những vấn đề có tính “nhạy cảm” như thế này”.    

Cảnh quan hồ Tây và khách sạn Thắng Lợi là báu vật của Thủ đô Hà Nội.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Nếu chúng ta muốn làm gì đó về cảnh quan Hồ Tây thì có rất nhiều nơi làm được việc đó, chứ không nhất thiết phải phá Khách sạn Thắng Lợi”.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre), Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng.

Ông cũng lưu ý rằng: Hãy đặt ra bài toán ở đây về mặt lợi ích, lợi ích ở đây có cả vật chất lẫn tinh thần. Tôi thấy ở đây có tình trạng hay nhòm ngó vào những khu đất vàng, khu đất đẹp, mà ở đó không thể không nói đến những nhóm lợi ích. Hà Nội đã xuất hiện rất nhiều các nhóm lợi ích có liên quan đến vấn đề đó là sử dụng những khu đất vàng, các khu đất hiện nay, chúng ta thấy cần thiết phải đưa vào công trình công cộng chứ không cần thiết đặt nhiều vào vấn đề phát triển, các lợi ích nhóm công.

Cần giữ gìn khách sạn Thắng Lợi như một di sản vô giá.

Cũng về vấn đề này, ĐBQH Khóa 13 Đỗ Văn Vẻ cũng bày tỏ: Tôi đã biết về Khách sạn Thắng Lợi qua mấy chục năm, tôi rất tự hào vì Việt Nam có một công trình nằm ở vị trí đắc địa, có vị trí đất vàng của Thủ đô, cảnh quan mà nhiều nơi khác không thể có được. Điều đặc biệt, đó là công trình hữu nghị giữa Việt Nam và CuBa, công trình kỷ niệm sâu sắc về tình anh em. Những người Lãnh đạo cấp cao của CuBa đã từng tới đó và là niềm tự hào của Thủ đô. Việc cải tạo xây dựng khách sạn đàng hoàng hơn, khang trang hơn là điều cần thiết phải làm. Tuy nhiên, chúng ta phải xét đến yếu tố đặc biệt của công trình này. Khi thiết kế xây dựng chúng ta cần tham khảo ý kiến của người dân, các chuyên gia, các nhà quản lý trong lĩnh vực xây dựng để đảm bảo được kiến trúc đẹp, văn minh đô thị, giữ được tình hữu nghị giữa hai nước.

Có thể vẫn giữ một góc lịch sử mà khi tới thăm người ta nhận ra đó là món quà của Cu Ba. Cải tạo xây dựng mới như thế nào cần nghiên cứu về chiều cao, hình thức để đảm bảo cảnh quan đô thị. Đó là một điều rất cần thiết mà Hà Nội hoàn toàn có khả năng làm được, không nhất thiết phải xã hội hóa.

Ông cũng lưu ý: “Nếu để các doanh nghiệp tư nhân vào cải tạo cần phải đấu thầu công khai, minh bạch để lựa chọn những doanh nghiệp có tâm có tầm, có trách nhiệm với xã hội mà không đơn thuần chỉ nghĩ về lợi nhuận”.

Cùng chung trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Xây dựng, các chuyên cũng cho rằng, Khách sạn Thắng Lợi là một di sản vô giá, là một tác phẩm kiến trúc có giá trị về văn hóa lịch sử thể hiện tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Cu Ba. Việc cải tạo, xây dựng lại khách sạn lên 36 tầng là không cần thiết, không phù hợp với quy hoạch.

KTS.Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh: “Quan điểm của tôi, Hồ Tây là một di sản một lá phổi xanh rất quý của Thủ Đô. Khách sạn Thắng Lợi cũng là một di sản, là quà tặng của Lãnh tụ Fidel Castro đối với Việt Nam ở những năm 70. Đây  là một tác phẩm kiến trúc có giá trị. Vậy nên khi chúng ta định làm gì ở đó thì cần phải suy nghĩ, bởi đây không chỉ vì lợi ích kinh tế mà vấn đề còn văn hóa còn lịch sử và điều đó là vô giá”.

Đồng quan điểm, TS.Phạm Sỹ Liêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng: “Quy hoạch chi tiết ở khu vực Hồ Tây đã có quy định rõ ràng chúng ta phải tuân thủ, cần phải xem việc xây mới Khách sạn Thắng Lợi có phù hợp với quy hoạch hay không? Tại sao chúng ta lại phải cải tạo khách sạn hiện có, chúng ta có thể xây dựng một tòa khách sạn bên cạnh hoặc phát triển thêm, phá di tích ấy là không ổn. Bởi đó là niềm tự hào của Hà Nội thủa bấy giờ, công trình đàng hoàng quy mô đầu tiên của Hà Nội do CuBa xây dựng và tặng chúng ta. Đây là kỷ niệm rất quý báu và đáng phải được trân trọng, giữ gìn”.

Có thể nhận thấy, việc phá đi một di sản, một giá trị lịch sử, tình hữu nghị để xây dựng tòa nhà cao tầng vì mục đích kinh doanh thương mại nào đó thiết nghĩ là không nên. Vấn đề này cần phải được công khai bàn thảo kỹ lưỡng, tránh tiêu cực và vấn đề lợi ích nhóm xung quanh vấn đề này.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục trở lại vấn đề này ở bài viết sau.

Việt Khoa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load