Thứ tư 15/01/2025 20:42 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Khoa học - Công nghệ /

Cần bổ sung các tiêu chuẩn quy định, hướng dẫn về đánh giá, quản lý rủi ro đối với các hệ thống cấp nước

14:57 | 22/09/2022

(Xây dựng) - Quá trình xử lý nguồn nước và đưa nước đã xử lý của nhà máy đến tay người dùng phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn theo quy định, không được chứa bất kỳ chất độc hại nào gây rủi ro cho sức khỏe. Tuy nhiên trong thực tế, những bất thường về nguồn nước sạch vẫn có thể xảy ra do quy trình xử lý nước có vấn đề, hoặc từ những nguyên nhân “giấu mặt” mà chúng ta không nhìn thấy được. Một trong số đó là việc sử dụng đường ống dẫn nước kém chất lượng. Nước sạch sinh hoạt chảy qua ống kém chất lượng sẽ trở thành nguồn nước ô nhiễm, trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

can bo sung cac tieu chuan quy dinh huong dan ve danh gia quan ly rui ro doi voi cac he thong cap nuoc
Hệ thống cấp thoát nước hiện đại tại các chung cư, tòa nhà cần có (Ảnh: Internet).

Tiêu chuẩn, quy chuẩn trong việc sản xuất các ống dẫn nước, thiết bị truyền dẫn nước

Khi vật liệu tiếp xúc với nước uống, tạp chất có thể thôi nhiễm vào nước, làm biến đổi tính chất của nước. Do đó vật liệu hoặc sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với nước uống có thể gây ra rủi ro đáng kể đối với sức khỏe con người hoặc có thể làm ảnh hưởng đến mùi và vị của nước uống. Nếu hệ thống cấp nước không được thiết kế, được duy trì hoặc kiểm soát chặt chẽ.

Trong hệ thống phân phối và truyền tải nước sinh hoạt, nước tiếp xúc với vật liệu chứa và dẫn nước, nhiều loại trong số đó được lắp đặt, sử dụng vĩnh viễn trong suốt vòng đời. Những thứ này có thể ảnh hưởng đến chất lượng nước bằng cách giải phóng các hợp chất không mong muốn hoặc chất độc gây nhiễm bẩn, hoặc làm giảm mùi vị nước và gây mùi hôi. Tại các quốc gia phát triển như châu Âu, các sản phẩm khi tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước nóng và lạnh phục vụ sinh hoạt ngay cả những thành phần nhỏ như gioăng cao su đều phải được kiểm tra để xác nhận sản phẩm an toàn và tuân thủ quy chuẩn. Đối với vật liệu kim loại rất dễ xác định, vì chúng chứa một hoặc nhiều kim loại theo tỷ lệ nhất định. Vật liệu hữu cơ như nhựa và cao su được tạo ra từ nhiều chất khác nhau (monome và các chất phụ gia như chất ổn định). Vật liệu xi măng thường chứa nhiều các chất không phải khoáng chất trộn lẫn trong sản phẩm hoặc phụ gia thêm vào. Ngoài các các chất được thêm vào một cách có chủ đích, có những chất là sản phẩm phản ứng và tạp chất có mặt trong các vật liệu cuối cùng.

Chia sẻ về các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong việc sản xuất các ống dẫn nước, các thiết bị truyền dẫn nước nhằm đảm bảo chất lượng nước, Ths.Nguyễn Thị Tâm – Giám đốc Trung tâm Thiết bị, Môi trường & An toàn Lao động - Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Các quốc gia trên thế giới đều có tiêu chuẩn quy định các yêu cầu tối thiểu về ảnh hưởng sức khỏe đối với các chất ô nhiễm và tạp chất hóa học bị thôi nhiễm vào nước uống từ các sản phẩm, thành phần và vật liệu sử dụng trong hệ thống nước uống. Các tiêu chuẩn được sử dụng tại một số quốc gia như: Mỹ sử dụng NSF/ANSI 61: Drinking Water System Components – Health Effects; Tại Châu Âu, chỉ thị Drinking Water Directive (DWD) Council Directive 98/83/EC sử dụng các tiêu chuẩn như EN 1420; EN 12873; EN 13052; EN 14395; EN 14944; EN 15664, Singapore áp dụng bộ tiêu chuẩn quốc gia SS375 được xây dựng trên cơ sở bộ tiêu chuẩn của Anh BS 6920,…Các thành phần vật liệu sản phẩm quy định có thể bao gồm: Vật liệu làm lớp bảo vệ (như xi măng, sơn, màng phủ); Vật liệu nối và bịt kít (các gioăng, keo xảm khe, chất bôi trơn); Các thiết bị cơ khí (đồng hồ nước, van, bộ lọc); Đường ống và các sản phẩm liên quan (ống, ống mềm, phụ kiện); Vật liệu xử lý nước (bộ lọc, nhựa trao đổi ion); Thiết bị hệ thống van vòi (van vòi nước, vòi uống nước); Vật liệu phi kim loại khác.

Tại Việt Nam các nhà sản xuất ống chất dẻo hiện nay đang sử dụng QCVN 12-1:2011/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn vệ sinh đối với bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm bằng nhựa tổng hợp; QCVN 12-3:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn vệ sinh đối với bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm bằng kim loại để đánh giá yêu cầu an toàn khi tiếp xúc với nước uống thường. Tuy nhiên đây là các quy định và phương pháp thử nghiệm áp dụng cho bao bì và dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm, chứ không phải phương pháp đánh giá an toàn khi tiếp xúc với nước uống.

QCVN 16/2019-BXD quy định các yêu cầu cơ học đối ống cấp nước đã kiểm soát được một phần việc sử dụng nguyên liệu tái chế. Trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia liên quan tới ống nước sử dụng để dẫn nước uống đều có yêu cầu “tất cả các vật liệu khi tiếp xúc lâu dài hoặc tạm thời với nước sinh hoạt phải không gây ảnh hưởng có hại đến chất lượng nước uống được quy định trong các quy chuẩn quốc gia”. Chất lượng nước sinh hoạt được quy định tại QCVN 01-1:2018/BYT - Chất lượng nước sạch sinh hoạt; Hiện nay, để đánh giá thôi nhiễm các chất độc hại vào nước sinh hoạt mới chỉ có TCVN 6253:2003 (ISO 8795:2001) - Hệ thống ống nhựa dùng để vận chuyển nước sinh hoạt - Đánh giá sự hoà tan - Xác định giá trị hoà tan của ống nhựa, phụ tùng nối và đầu nối; Các thành phần liên quan khác chưa có tiêu chuẩn thử nghiệm.

Đối với việc kiểm tra tuyến ống truyền tải nước sạch, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng đại diện Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (VIWASUPCO) cho biết: Công ty đã lắp đặt hệ thống quan trắc online tự động, liên tục chất lượng nước sạch từ Bể pha cho đến Big C - Vành đai 3 Hà Nội. Dữ liệu được truyền về bộ phận sản xuất để theo dõi cũng như truyền về sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội để theo dõi giám sát. Chất lượng nước luôn duy trì tuân theo QCVN 01-1:2018/BYT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt). Hàng ngày tuần tra, giám sát bảo vệ đường ống truyền tải nước sạch. Lắp đặt các đồng hồ đo áp lực trên tuyến ống truyền tải nước sạch và truyền dữ liệu online, liên tục về bộ phận giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố liên quan đến tuyến ống. Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị giám sát chất lượng nước online để đảm bảo nước sạch được cung cấp đảm bảo theo các quy chuẩn quy định hiện hành.

Làm thế nào để quản lý chất lượng nước cấp sinh hoạt ổn định hơn?

Các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong cung cấp nước sạch được các Công ty sản xuất nước sạch vận dụng, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn theo quy định, đại diện VIWASUPCO cho biết: Hệ thống cấp nước Sông Đà có công suất 600.000m3/ngđ được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn I công suất 300.000 m3/ngđ đã hoàn thành và được đưa vào vận hành từ năm 2009 đến nay. Dây chuyền công nghệ của Nhà máy như sau: Nước sông Đà – Trạm bơm Sông – Hồ Đầm Bài (trung chuyển và sơ lắng) - Trạm bơm hồ – Nhà máy xử lý – Tuyến ống truyền tải – Bể chứa trung gian – Tuyến ống truyền tải - Khách hàng sử dụng.

Để giám sát chặt chẽ chất lượng nguồn nước thô, công ty lắp đặt 01 hệ thống quan trắc online tự động, liên tục các thông số pH, TOC, COD, NH4+, NO3-, EC tại đầu kênh hồ Đầm Bài và được truyền về hệ thống SCADA của Nhà máy. Dữ liệu cũng được truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình và Thành phố Hà Nội để theo dõi giám sát. Ngoài ra còn lắp đặt các thiết bị đo online tự động, liên tục các thông số pH, độ đục từ Trạm bơm sông đến khu xử lý nước sạch, các bộ phận sản xuất theo dõi để điều chỉnh châm hóa chất trong quá trình xử lý.

Hàng tháng tiến hành lấy mẫu nước thô phân tích các chỉ tiêu theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt).

Hàng ngày tuần tra, giám sát bảo vệ an ninh nguồn nước thô để kịp thời phát hiện và xử lý các nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước thô, lắp đặt các camera giám sát ở các tuyến đường nằm trong lưu vực bảo vệ nguồn nước để để kịp thời phát hiện và xử lý các nguy cơ có thể gây ô nhiễm nguồn nước.

Đối với việc giám sát chất lượng nước sạch: Để kiểm soát chất lượng nước sạch tuân thủ theo Thông tư số 41/2018/TT-BYT (Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt), Công ty đã triển khai như sau: Xây dựng Phòng hóa nghiệm của Công ty đạt chứng chỉ ISO 17025/2017 (số VILAS 1300); Phòng hóa nghiệm hàng giờ, ngày, tuần, tháng lấy mẫu nước sạch sau xử lý để phân tích và kiểm tra tại phòng hóa nghiệm; Định kỳ 1 lần/tháng lấy mẫu nước sạch sau xử lý gửi Trung tâm kiểm soát bệnh tật - Sở Y tế Hà Nội để phân tích chỉ tiêu A; Định kỳ 1 lần/6tháng lấy mẫu nước sạch sau xử lý gửi Trung tâm kiểm soát bệnh tật - Sở Y tế Hà Nội hoặc đơn vị có chức năng xét nghiệm để phân tích chỉ tiêu B. Các kết quả phân tích mẫu nước sạch chỉ tiêu A, chỉ tiêu B được đưa lên Website của Công ty. Tất cả các mẫu phân tích đều đạt chất lượng theo QCVN 01-1:2018/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt) của Bộ Y tế.

Đánh giá về quy trình xử lý nguồn nước tại Việt Nam hiện nay, Ths.Nguyễn Thị Tâm nhận định: Xã hội ngày càng phát triển kéo theo số lượng chất thải sinh hoạt, công nghiệp cũng tăng lên nhanh chóng. Nước thải được xử lý đạt QCVN và được thải vào nguồn tiếp nhận. Tuy nhiên, nước thải này có chứa các chất ô nhiễm hữu cơ, vô cơ như kim loại, hóa chất trong nước thải thâm nhập vào nguồn nước cấp tự nhiên. Tại nhiều nơi, các chất thải sinh hoạt và gia súc, gia cầm không được qua xử lý, nước thải thấm xuống các mạch nước ngầm hoặc xả ra sông hồ, sử dụng phân bón và các chất bảo vệ thực vật hoặc thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước...

Đối với nguồn nước ngầm: Việt Nam là quốc gia có nguồn nước ngầm khá phong phú về trữ lượng và khá tốt về chất lượng. Theo “Báo cáo Môi trường quốc gia” do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố mới đây, nguồn nước ngầm chiếm 35 - 50% tổng lượng nước cấp sinh hoạt cho các đô thị tại Việt Nam. Nhưng ở một số khu vực đã và đang xảy ra hiện tượng ô nhiễm cục bộ nước dưới đất với thông số kim loại nặng như chì, asen, mangan vượt quy chuẩn Việt Nam và xuất hiện hiện tượng xâm nhập mặn. Tuy nhiên, công nghệ, năng lực quản lý quy trình xử lý nước sạch của nhiều cơ sở cung cấp nước còn hạn chế, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Việc lựa chọn hệ thống cấp nước không phù hợp, năng lực quản lý không tốt dẫn đến việc kiểm soát quy trình xử lý, hệ thống cấp nước nhanh bị xuống cấp. Đường ống phân phối và thiết bị chứa nước cũ, xuống cấp là nguyên nhân chính khiến các chất ô nhiễm từ bên ngoài thấm ngược vào trong, gây ô nhiễm nguồn nước cấp cho sinh hoạt sau xử lý. Việt Nam đang thiếu các tiêu chuẩn quy định, hướng dẫn về đánh giá, quản lý rủi ro đối với các hệ thống cấp nước, cần bổ sung để quản lý chất lượng nước cấp sinh hoạt ổn định hơn.

Khánh Hòa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load