Thứ ba 05/11/2024 01:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Cần 220.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025

20:19 | 01/11/2021

(Xây dựng) - Theo Bộ Xây dựng, số liệu tổng hợp từ báo cáo của các địa phương cho thấy nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025 cho đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp khoảng 294.600 căn với tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng.

can 220000 ty dong phat trien nha o xa hoi giai doan 2021 2025
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet).

Trong số đó, nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp ở khu vực đô thị là khoảng 131.100 căn với tổng mức đầu tư 138.000 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, phát triển nhà ở xã hội và việc thực hiện phân bổ nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ, tính đến hết quý III/2021, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị. Quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn với tổng diện tích hơn 7.100.000m2, đạt khoảng 56,8% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020.

Hiện cả nước vẫn đang tiếp tục triển khai 278 dự án với quy mô xây dựng khoảng 274.000 căn, tổng diện tích khoảng 13.800.000m2.

Đánh giá về giai đoạn 2016-2020, việc phân bổ nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về kế hoạch đầu tư công trung hạn thì vốn hỗ trợ để thực hiện chính sách nhà ở xã hội cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội là 9.000 tỷ đồng; vốn cấp cho cho 4 ngân hàng thương mại được chỉ định là 9.977,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại được chỉ định, ngày 3/10/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Văn bản số 7481/NHNN-TD điều chỉnh lại kế hoạch vốn cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại được chỉ định từ 9.977,5 tỷ đồng xuống còn 248,63 tỷ đồng. Như vậy, tổng kế hoạch vốn đến năm 2020 của Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng là 9.248,63 tỷ đồng.

Theo báo cáo, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã được phân bổ 2.163 tỷ đồng và vẫn còn thiếu 6.837 tỷ đồng so với nhu cầu 9.000 tỷ đồng để cho các đối tượng cá nhân vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.

Các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định gồm 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định vẫn chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội (nhu cầu vốn 248,63 tỷ đồng). Như vậy, so với kế hoạch vốn phát triển nhà ở xã hội đến năm 2020, ngân sách cấp cho phát triển nhà ở xã hội vẫn còn thiếu tổng số là 7.085,63 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020.

Bộ Xây dựng đã chính thức kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế-xã hội sau dịch Covid-19 gói tín dụng 65.000 tỷ đồng và cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Trong số này, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và gói tín dụng 50.000 tỷ đồng theo hình thức Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại dành cho một số đối tượng vay như: công nhân, người lao động làm việc trong khu công nghiệp được vay ưu đãi từ Chương trình để mua, thuê mua nhà ở xã hội; chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê; chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua.

Để thực hiện các mục tiêu này, Bộ Xây dựng đề xuất UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Xây dựng trong việc rà soát, cho ý kiến về đối tượng, điều kiện và lập danh mục dự án được vay theo quy định, đồng thời phối hợp triển khai thực hiện các giải pháp trong Nghị quyết về gói tín dụng nêu trên.

Đối với dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua, Bộ Xây dựng đề xuất chủ đầu tư được vay để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội nếu đáp ứng một số điều kiện như: Đã có quyết định chủ trương đầu tư; có đất sạch; được cấp phép xây dựng hoặc được miễn cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật xây dựng.

Bộ Xây dựng yêu cầu ưu tiên chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội đã và đang triển khai thực hiện nhưng bị dừng do thiếu vốn. Cụ thể là những dự án đã hoàn thành xây dựng xong phần móng; đã hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo phân kỳ đầu tư; các đối tượng vay của Chương trình phải đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Về trình tự thực hiện cho vay đối với dự án nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng hướng dẫn các chủ đầu tư có nhu cầu gửi hồ sơ đăng ký vay vốn hỗ trợ đến UBND cấp tỉnh nơi có dự án. UBND cấp tỉnh rà soát, tổng hợp và lập danh mục các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn đáp ứng tiêu chí xét duyệt có đề nghị vay vốn hỗ trợ và gửi về Bộ Xây dựng để được xem xét cho vay.

Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, Bộ Xây dựng sẽ kiểm tra, rà soát, cho ý kiến về đối tượng, điều kiện và lập danh mục các dự án để gửi Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại để được xem xét cho vay.

Trên cơ sở danh mục các dự án nhà ở xã hội được Bộ Xây dựng công bố, gửi tới Ngân hàng Nhà nước thì các ngân hàng thương mại có trách nhiệm thẩm định, quyết định dự án tài trợ vốn trên cơ sở quy định nội bộ của tổ chức tín dụng và quy định của pháp luật hiện hành.

Tuyết Hạnh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load