Thứ tư 27/11/2024 13:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Các giải pháp khắc phục hướng ban công nóng

19:04 | 05/05/2019

(Xây dựng) - Không phải công trình nhà ở nào cũng có thể lựa chọn được hướng mở ban công như ý. Để giúp cho ban công nhà bạn vừa đẹp, vừa chống nóng hiệu quả, hãy tham khảo một số giải pháp sau.

Trồng cây chịu nắng

Trồng cây xanh là giải pháp chống nóng cho ban công hướng Tây, Tây Bắc, Tây Nam hiệu quả. Bởi cây xanh giúp giảm, che chắn ánh nắng chiếu vào phòng trực tiếp, giảm nhiệt lượng mà vẫn giúp không khí lưu thông, lọc không khí tốt và đặc biệt cũng giúp cho ban công đẹp hơn, tạo nơi thư giãn tuyệt vời.

Với nhược điểm ban công các hướng trên là gió và nắng nóng suốt ngày thậm chí cả ban đêm vào mùa hè, vì vậy việc chọn cây trồng thích hợp, có khả năng chịu nóng tốt mới đảm bảo chúng sống và điều hòa không khí, giúp giảm ánh nắng và nhiệt lượng chiếu vào nhà.

Bạn có thể tham khảo một số cây trồng ban công chịu nắng tốt đó là các cây dây leo, cây xanh có thể bám lên tường nhà, hoặc trồng hoa nhưng phải đảm bảo các loại cây này chịu được nắng nóng, khô hạn tốt, ưa sáng và dễ trồng, chi phí thấp, ít phải chăm bón.

Một số loại cây chịu nắng nóng tốt như: Hoa hồng ngoại, hoa leo chùm ớt, hoa tử đằng, hoa dừa cạn rủ, hoa mười giờ, hoa mắt huyền, hoa giấy. Bên cạnh đó còn có rất nhiều loại hoa đẹp, chịu hạn, ưa nắng có thể trồng ở ban công nhiều nắng như:  Hoa hướng dương, hoa dâm bụt, hoa bát tiên...

Lưu ý, nếu muốn trồng cây ban công cũng nên chọn các loại cây hợp với điều kiện không khí của hướng đó và tránh trồng cây tán lớn rộng, có gai, cần nhiều nước tưới… để giảm công chăm sóc và đảm bảo an toàn khi sử dụng ban công.

Thiết kế ban công có mái che

Đối với ban công các hướng Tây, Tây Nam, Tây Bắc, bạn có thể cải tạo ban công hoặc khi xây mới ban công các hướng nóng thì có thể thiết kế ban công có mái che dài để tránh nắng chiếu trực tiếp mà vẫn đảm bảo có độ thông thoáng cho căn nhà.

Những thiết kế mái nhà hoặc mái che các ban công hướng nóng có độ dốc lớn, che phủ khu vực chiếu sáng của mặt trời từ hướng Tây (phần tường ngăn nhà và ban công, gạch lát sàn…) giúp cho không gian trở nên dễ chịu, giảm nắng nóng hiệu quả.

Làm mái cách nhiệt nếu ban công có mái che giúp giảm nhiệt lượng hấp thụ vào nhà. Ngoài ra, bạn nên sơn tường ngăn ban công bằng sơn chống nóng giúp cách nhiệt bên ngoài tường ban công căn hộ hướng Tây, Tây Bắc và Tây Nam.

Sử dụng vật liệu cách nhiệt

Ban công các hướng Tây, Tây Nam, Tây Bắc dù nóng nhưng trong nhiều trường hợp vẫn cần phải mở để lấy ánh sáng và thông thoáng cho nhà ở. Vì vậy, ngoài giải pháp phủ xanh không gian ban công bằng các loại cây trồng ban công chịu nắng, che phủ tốt thì có thể sử dụng các vật liệu cách nhiệt cho phòng có ban công hướng nắng nóng như: Nên chọn chất liệu cửa bằng kính cách nhiệt 2 lớp thay vì kính thông thường. Sử dụng mành tre, mành trúc để cách nhiệt tự nhiên mà vẫn không khiến cho căn hộ ban công hướng tây bị bưng bít, ngột ngạt như đóng cửa kín.

Ngoài ra, nên chọn các vật liệu nội thất hay ngoại thất để ngoài ban công bằng gỗ, gạch ốp lá dạng đất nung để hút nhiệt, tránh dùng quá nhiều kính và sử dụng đồ dùng, tông màu sơn nhạt, màu lạnh, tránh các màu nóng để tạo không gian mát mẻ, giảm nhiệt. Thiết lập tường với lớp chống nóng bên trong bằng vách thạch cao, chèn giữa lớp tường xây và vách thạch cao là vật liệu chống nóng giúp giảm hấp thụ nhiệt.

Tóm lại, muốn giúp chống nắng, giảm đi các nhược điểm của hướng ban công nóng thì cần phải nắm được các nguyên tắc chống nóng cho ban công phía Tây, Tây Nam và Tây Bắc cơ bản như: Lựa chọn biện pháp giúp giảm mức hấp thụ nhiệt vào căn hộ; Tạo môi trường thông gió tự nhiên, tránh bưng bít, thiểu sự thông thoáng trong căn hộ.

Đoan Trang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load