Thứ sáu 19/04/2024 11:13 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Các dự án khí đốt mới ở châu Á có nguy cơ mắc kẹt 379 tỷ USD

16:21 | 27/10/2021

(Xây dựng) – Báo cáo mới nhất của Tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu (GEM) cho biết, kế hoạch mở rộng cơ sở hạ tầng khí đốt trị giá 379 tỷ USD ở châu Á đang có nguy cơ trở thành tài sản bị mắc kẹt khi thế giới đang quay lưng lại với nhiên liệu hóa thạch.

cac du an khi dot moi o chau a co nguy co mac ket 379 ty usd
Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng ở tỉnh Quảng Trị đã được khởi động từ tháng 10/2021 (Ảnh: Internet).

Theo báo cáo của GEM, 379 tỷ USD đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khí đốt mới ở châu Á bao gồm 189 tỷ USD đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện khí, 54 tỷ USD xây dựng đường ống dẫn khí và 136 tỷ USD xây dựng kho cảng xuất nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới.

Trong đó, các nhà máy khí đang trong quá trình phát triển tại châu Á sẽ bổ sung thêm 320GW, và khiến công suất điện khí ở khu vực này tăng gần gấp đôi so với hiện nay. Số công suất bổ sung này tương đương quy mô công suất điện khí của châu Âu và Nga, và nó sẽ khiến công suất điện khí toàn cầu tăng thêm 1/5.

Bên cạnh đó, các nước châu Á còn có kế hoạch xây dựng các kho cảng nhập khẩu LNG mới với tổng công suất 452 triệu tấn mỗi năm, chiếm 70% tổng công suất đang được lên kế hoạch phát triển trên toàn cầu.

Nếu được xây dựng và vận hành tối đa công suất, các kho cảng nhập khẩu và đường ống dẫn khí LNG đang được phát triển ở châu Á sẽ cung cấp đủ lượng khí nhập khẩu để thải ra 117 gigatonnes carbon dioxide (Gt CO2-eq) tương đương trong toàn bộ thời gian hoạt động của các dự án, hoặc 1/4 tổng lượng khí thải thế giới có thể thải ra theo kịch bản hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C.

Tác giả của báo cáo, Robert Rozansky cho biết: “Việc xây dựng các dự án khí đốt được đề xuất của châu Á là một ván cược 379 tỷ USD đầy rủi ro. Nếu được xây dựng, hệ thống cơ sở hạ tầng khí đốt mới này có thể đe dọa nỗ lực của các nước châu Á nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng không”.

“Khi giá LNG tiếp tục ở mức cao và thị trường tiếp tục biến động mạnh, nhiều dự án đã được lên kế hoạch ở châu Á sẽ không thể tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng và có thể phát sinh chi phí lớn cho Nhà nước trong việc cho các dự án ngừng hoạt động”.

cac du an khi dot moi o chau a co nguy co mac ket 379 ty usd
Các tổ chức công sẽ tiếp tục tài trợ cho các dự án khí đốt ở châu Á trong giai đoạn tới (Ảnh: Internet).

Ngoài ra, nghiên cứu của GEM cũng chỉ ra rằng, các tổ chức công đã tài trợ 22,4 tỷ USD cho các dự án khí đốt ở châu Á trong giai đoạn 2014 – 2018, và khoản tài trợ này có thể tiếp tục được cung cấp trong thời gian tới. Các thông báo gần đây của Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác cho thấy, các tổ chức này vẫn chưa cam kết ngừng cung cấp tài trợ cho lĩnh vực khí đốt mà vẫn tiếp tục tài trợ việc xây dựng cơ sở hạ tầng kho cảng nhập khẩu và đường ống dẫn khí, nhà máy điện khí.

Dịch Phong

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load