Thứ sáu 20/09/2024 15:16 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Sức khỏe /

Bộ Y tế đề xuất nới quy định “mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 2 con”

20:27 | 05/01/2017

Bộ Y tế đề xuất quy định các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con. Nhà nước khuyến khích các cặp vợ chồng, cá nhân chỉ sinh đến 2 con, quy định chính sách trong từng giai đoạn, từng vùng, tỉnh, thành phố để duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý trong phạm vi cả nước.


Bộ Y tế đề xuất quy định các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con. (Ảnh minh hoạ)

Bộ Tư pháp đang chuẩn bị tổ chức cuộc họp với đại diện các bộ ngành liên quan để tư vấn thẩm định đề nghị xây dựng Luật Dân số của Bộ Y tế.

Trong tài liệu gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định dự luật này, Bộ Y tế khẳng định Pháp lệnh Dân số hiện hành còn nhiều hạn chế, tồn tại cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.

Việt Nam đã ký kết để trở thành thành viên của một số điều ước quốc tế có liên quan mật thiết đến quyền con người, quyền sinh sản, trong đó đều nhấn mạnh quyền tự do và trách nhiệm như nhau khi quyết định về số con, khoảng cách giữa các lần sinh.

Trong khi đó, Pháp lệnh Dân số sửa đổi năm 2003 quy định có tính chất “bắt buộc” về số con cho mỗi cặp vợ chồng, cá nhân “sinh 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”. Điều 17 Nghị định số 104/2003 của Chính phủ cũng quy định mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có nghĩa vụ: “Thực hiện quy mô gia đình ít con - có 1 hoặc 2 con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững”.

Bộ Y tế tính toán, số lượng người cao tuổi sẽ tăng nhanh trong 20 năm tới, từ khoảng 11 người dân mới có 1 người cao tuổi năm 2010 lên 6 người dân có 1 người cao tuổi năm 2029. Thời gian quá độ từ “già hóa dân số” sang “dân số già” của Việt Nam chỉ khoảng 18 năm, ngắn hơn rất nhiều so với các quốc gia có trình độ phát triển.

Quy mô dân số không quá 98 triệu người vào năm 2020

Bộ Y tế dẫn chứng, từ năm 2006 đến nay, Việt Nam đã duy trì tổng tỷ suất sinh ổn định trong khoảng 2-2,1 con. Tuy mức tăng quy mô dân số đã được cải thiện (tăng khoảng 1,5 triệu người/năm giảm xuống trên 900 ngàn người/năm) nhưng là nước có quy mô dân số đứng thứ 14 trên thế giới, thứ 8 châu Á, thứ 3 Đông Nam Á.

Trong thời gian tới, mức sinh có khả năng biến động khó lường: Mức sinh tăng trở lại hoặc tiếp tục giảm xuống mức rất thấp như một số nước đã gặp phải; mức sinh được duy trì ở mức sinh thay thế có biện pháp, chính sách điều chỉnh thích hợp, có hiệu quả.

Chính vì thế, mục tiêu chính sách mà Bộ Y tế mong muốn là phải duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý để bảo đảm quy mô dân số không quá 98 triệu người vào năm 2020, tạo cơ sở vững chắc để tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức 115-120 triệu người từ giữa thế kỷ XXI.

Đối với quy định về số con nhằm xác lập quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế đưa ra hai phương án.

Phương án 1: Các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định một cách có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con. Nhà nước khuyến khích các cặp vợ chồng, cá nhân chỉ sinh đến 2 con, quy định chính sách, biện pháp trong từng giai đoạn, từng vùng, tỉnh, thành phố để duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý trong phạm vi cả nước, giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.

Phương án 2: Tiếp tục quy định như hiện hành để các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền và nghĩa vụ quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian và khoảng cách sinh con. Sinh 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định. Quy định chính sách, biện pháp trong từng giai đoạn, từng vùng, tỉnh, thành phố để duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý trong phạm vi cả nước, giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; khuyến khích thực hiện mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.

Cả hai phương án trên đều có những ưu và nhược điểm nhất định nên chọn phương án nào cũng phải có biện pháp khắc phục những nhược điểm, hệ lụy tiếp theo.

Tuy vậy, theo Bộ Y tế, kinh nghiệm của các nước trên thế giới đi trước cho thấy, khi đạt mức sinh thay thế, nếu chậm nới lỏng các biện pháp kiểm soát sinh sản thì mức sinh sẽ giảm xuống mức rất thấp, khó kéo lên được, dân số suy giảm để lại hậu quả bất lợi cho kinh tế xã hội và sự phát triển bền vững trong tương lai.

Hiện nay Nhật Bản, Hàn Quốc đang phải nỗ lực thực hiện các biện pháp khuyến sinh nhưng rất khó khăn; Trung Quốc cũng đang nới lỏng dần chính sách sinh một con bằng chính sách sinh một con rưỡi hoặc hai con…

Bộ Y tế lựa chọn phương án 1 quy định quyền sinh sản vì việc khắc phục nhược điểm sẽ thuận lợi hơn so với phương án quy định cụ thể về số con.

Phá thai phải có điều kiện

Các quy định liên quan đến nạo phá thai cũng khiến nhà làm luật đau đầu. Bộ Y tế đề xuất hai phương án. Phương án 1, quy định phụ nữ có quyền được phá thai theo nguyện vọng, trừ trường hợp phá thai vì lý do lựa chọn giới tính hoặc phá thai làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người được phá thai.

Phương án 2, quy định phụ nữ có quyền được phá thai theo nguyện vọng, trừ trường hợp phá thai vì lý do lựa chọn giới tính hoặc phá thai gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của người được phá thai. Giới hạn được phá thai từ 12 tuần tuổi trở lên trừ một số trường hợp như để cứu tính mạng người phụ nữ khi thai nghén đe dọa tính mạng, do thai bất thường, bị dị tật bẩm sinh có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của đứa trẻ sau này nhằm đảm bảo sức khỏe của người được phá thai. Xem xét bổ sung việc phá thai có điều kiện như như có đơn cam kết tự nguyện phá thai, có giấy tờ tùy thân.

Cơ quan đề xuất xây dựng Luật Dân số cho biết, pháp luật của các nước trên thế giới cũng rất khác nhau, một số nước cấm phá thai, một số nước cho phép phá thai tự do, một số nước cho phép phá thai có điều kiện. Ở nhiều nước, phá thai là một vấn đề có nhiều nội dung gây tranh cãi phức tạp.

Về cơ bản, hai phương án nêu trên giống nhau về cấm phá thai vì lý do lựa chọn giới tính thai nhi, phá thai gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của người được phá thai. Phương án 2 có bổ sung một số điều kiện chỉ được phép phá thai từ 12 tuần tuổi trở lên trong một số trường hợp.

Bộ Y tế thấy rằng, phá thai có điều kiện được nhiều nước áp dụng với các điều kiện khác nhau tùy theo từng nước, nhưng có tác dụng làm giảm áp lực đối nghịch giữa nhóm nước cấm phá thai với nhóm nước cho phép phá thai tự do. Việc cấm phá thai vì lý do lựa chọn giới tính hoặc phá thai làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người được phá thai là có thể áp dụng được, các điều kiện cụ thể sẽ tiếp tục cân nhắc cho hợp lý để bảo đảm cho các điều kiện không cản trở việc thực hiện các quyền con người mà mang lại lợi tốt nhất cho phụ nữ. gia đình và xã hội.

Theo Thế Kha/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
  • Dự án Bệnh viện Đa khoa Cà Mau 1.200 giường: Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến

    (Xây dựng) – Hội đồng tư vấn có báo cáo kiểm tra kết quả lựa chon nhà thầu Gói thầu 27. Theo đó, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án công trình xây dựng tỉnh Cà Mau chưa xem xét toàn diện, khách quan, chưa đảm bảo quy định và mục tiêu của đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Bên mời thầu là Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư xây dựng Hợp Nhất xem thường pháp luật và công tác đấu thầu của Nhà nước. Gói thầu 27 được xét lại. Dự án tiếp tục kéo dài.

  • Bệnh viện Nhi Hà Nội sẽ khánh thành nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

    (Xây dựng) - Dự án xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội giai đoạn 1 tại phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông) với tổng vốn gần 794 tỷ đồng sẽ khánh thành vào đầu tháng 10, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

  • Ngành Y tế Quảng Ninh chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh sau mưa bão

    (Xây dựng) – Sau bão số 3 nhiều nơi trong tỉnh Quảng Ninh bị ngập lụt cục bộ do mưa lớn kéo dài ở hầu khắp các địa phương, làm gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh. Ứng phó tình huống này, ngành Y tế Quảng Ninh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, xử lý môi trường, an toàn thực phẩm trong và sau mưa lũ.

  • Đắk Nông: Nhiều chính sách đãi ngộ nhằm thu hút bác sỹ về công tác

    (Xây dựng) - Ngày 6/9, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông Huỳnh Thanh Huynh đã thông báo về quy định chính sách thu hút, đãi ngộ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh.

  • Tập đoàn Y tế Phương Châu: Tổ chức Hội nghị khoa học thường niên 2024 về công nghệ mới

    (Xây dựng) – Ngày 6/9, tại thành phố Cần Thơ, Tập đoàn Y tế Phương Châu đã long trọng tổ chức Hội nghị khoa học thường niên (ACP) 2024 lần thứ 8, với chủ đề “An toàn mẹ và thai nhi từ hệ sinh thái đa chuyên khoa - mang đến trải nghiệm y tế xuất sắc cho cộng đồng”. Hội nghị thu hút hơn 1.000 đại biểu tham dự cùng với sự hiện diện của đại diện Sở Y tế thành phố Cần Thơ, các ban, ngành, các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ, chuyên gia đầu ngành của các bệnh viện đến từ khắp các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

  • Thanh Hóa: Sẽ đầu tư xây dựng dự án hơn 360 tỷ đồng

    (Xây dựng) – UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 3558/QĐ-UBND, về việc phê duyệt dự án xây dựng Trung tâm tim mạch - Hồi sức tích cực - Chẩn đoán hình ảnh và Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, với tổng mức đầu tư hơn 360 tỷ đồng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load