(Xây dựng) – Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã khẳng định vị thế của Thành phố Hồ Chí Minh là động lực phát triển cho vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, chỉ ra các thuận lợi và thách thức cũng như gợi mở một số giải pháp phát triển đô thị cho Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, giúp định hướng rõ hơn một số nội dung của nhiệm vụ quy hoạch phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội thảo. |
Sáng ngày 5/5, tại Trụ sở UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo khoa học “Định hướng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045”. Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, sự tham dự của ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Thay mặt Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Lê Quang Hùng đã có tham luận đóng góp ý kiến cho định hướng phát triển thành phố.
Đánh giá cao vị thế của Thành phố Hồ Chí Minh trong tạo động lực phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, Thứ trưởng Lê Quang Hùng thể hiện sự thống nhất cao với các mục tiêu phát triển đã được Đại hội đảng bộ lần thứ XI của thành phố xác định.
Để đạt được các mục tiêu này, từ góc độ của Bộ xây dựng cho thấy có 3 thuận lợi và 4 thách thức cơ bản. Theo đó, trong quá trình quy hoạch thành phố cần chú ý một số vấn đề trọng tâm, các nhóm giải pháp về quy hoạch đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, cải tạo chỉnh trang đô thị và quản lý đô thị.
Về quy hoạch đô thị, dân số Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đã vượt quá chỉ tiêu dự báo dân số cho năm 2025, phân bổ không đồng đều giữa các khu vực. Hệ thống giao thông đô thị đã có quy hoạch nhưng tỷ lệ đất dành cho giao thông thấp, chưa có hệ thống giao thông công cộng hiệu quả. Đô thị hóa ở nhiều khu vực tương đối tự phát. Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Lê Quang Hùng lưu ý chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố để phù hợp với yêu cầu phát triển, ứng phó những thách thức mới. Quy hoạch chung xây dựng phải phù hợp quy hoạch phát triển thành phố theo Luật Quy hoạch, phải đặt trong mối quan hệ liên kết của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có phân kỳ phù hợp và lộ trình thực hiện khả thi. Nghiên cứu định hình rõ mô hình đô thị thành phố với vai trò siêu đô thị là trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Thành phố Hồ Chí Minh. Các chương trình dự án quan trọng của thành phố phải đặt trong một khung phát triển có tầm nhìn dài hạn, có tính thực thi cao. Khu vực đô thị hiện hữu và thành phố Thủ Đức có thể phát triển thành trung tâm tài chính, đô thị thông minh. khu vực Cần giờ thành khu dự trữ sinh quyển; xem xét hướng phát triển mới lên Củ Chi vì có địa hình tương đối cao. Việc lập quy hoạch cần bám sát các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Về vấn đề phát triển hạ tầng đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, thành phố đã sớm có các quy hoạch chuyên ngành giao thông, cấp nước, thoát nước. Vấn đề là việc tổ chức thực hiện quá chậm, cần nghiên cứu phân tích rõ các nguyên nhân, có giải pháp huy động nguồn lực hiệu quả để từng bước khép kín các đường vành đai, hoàn thiện đường xuyên tâm. Chú trọng thực hiện chương trình chống ngập gắn với chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu tổng thể của thành phố. Cần nghiên cứu lập quy hoạch không gian ngầm để phục vụ phát triển.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng - (bên phải) đang lắng nghe các ý kiến tham luận tại hội thảo. |
Theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng, hiện nay công tác thu gom, xử lý rác thải cũng cần được chú trọng hơn do tỷ lệ chôn lấp rác còn rất cao. Thành phố cần nghiên cứu, có chiến lược lâu dài để có thể chủ động giải quyết yêu cầu về xử lý rác thải áp dụng công nghệ đốt.
Về phát triển nhà ở, Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhấn mạnh, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cần sắp xếp thứ tự ưu tiên theo từng nhóm, trước hết chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người nghèo, thu nhập thấp, cải tạo nhà ở chung cư cũ và nhà ở ven kênh rạch. Đối với phân khúc nhà ở thương mại, cần tiếp tục nghiên cứu để ưu tiên một phần tỷ trọng quỹ nhà nhằm thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao, gắn với liên kết vùng để người dân các tỉnh có thể đến làm việc ở Thành phố.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh cần đổi mới mô hình quản lý đô thị. Cụ thể, khi xuất hiện các khu vực có tính liên kết cao giống như thành phố Thủ Đức thì có thể thành lập đơn vị hành chính độc lập để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thúc đẩy sáng tạo, giải quyết các vấn đề bất cập trong quản lý siêu đô thị.
Hội thảo khoa học “Định hướng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045”. |
Tại hội thảo, nhiều đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các trường đại học và lãnh đạo các cơ quan trung ương, địa phương… cũng tham gia phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra thế mạnh, các thách thức lớn liên quan đến biến đổi khí hậu, tình trạng di dân, quá tải hạ tầng giao thông, thực trạng kinh tế, an ninh, khả năng huy động nguồn lực đã và đang đe dọa đến sự phát triển bền vững của thành phố.
Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu và khẳng định đây là nguồn tài liệu quý giá bước đầu để thành phố làm dữ liệu đầu vào, phục vụ cho nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng trực tiếp giao cho Viện nghiên cứu và phát triển thành phố hệ thống lại các nội dung tham luận và thống kê thành từng nhóm vấn đề để phục vụ cho công tác quy hoạch của thành phố. “Kinh phí có thể lấy một phần ngân sách và một phần xã hội hoá để công tác quy hoạch đạt được chất lượng cao,thể hiện được những khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Thành phố Hồ Chí Minh”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Tâm Bút
Theo