(Xây dựng) – Tại họp báo Chính phủ tháng 6, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã thông báo kết quả tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phòng cháy chữa cháy cho công trình. Theo đó, nhiều văn bản đã được ban hành, nhiều khó khăn đã được giải quyết.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn. |
Kết quả tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản
Theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, thời gian qua, Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản do Bộ trưởng Bộ Xây dựng là Tổ trưởng đã làm việc trực tiếp với nhiều địa phương, trên cơ sở báo cáo gửi về tổ công tác, nhiều văn bản đã được ban hành, nhiều giải pháp, vướng mắc đã được giải quyết, có thể kể đến các địa phương đã được Tổ công tác làm việc, tháo gỡ khó khăn đó là: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và Đồng Nai.
Qua sàng lọc thì các nhóm vướng mắc chia làm 3 nhóm: Nhóm về thể chế; nhóm về tổ chức thực hiện và nhóm về vốn, như thị trường trái phiếu, tín dụng. Tổ công tác đã có nhiều khuyến nghị lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ đó đã có nhiều văn bản được ban hành trong đó nổi cộm lên như Nghị quyết 33 nhằm giải quyết khó khăn vướng mắc, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Đi vào giải pháp của từng nhóm vấn đề, từ tháng 3-6 Chính phủ đã ban hành 1 loạt các văn bản, ở tầm Nghị định thì đã có Nghị định về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ ra thị trường trong nước rồi các nghị định hướng dẫn Luật Đất đai. Mới nhất ngày 20/6 Nghị định 35 hướng dẫn 1 số vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng rồi Chính phủ cũng trình Quốc hội 1 loạt các Luật như: Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, hi vọng kỳ họp thứ 5, thứ 6 Quốc hội sẽ thông qua các Luật này.
Về tháo gỡ khó khăn trong tổ chức thực hiện, tổ công tác đã nhận được khoảng 108 văn bản từ địa phương, từ doanh nghiệp và Bộ Xây dựng đã rà soát, chuyển văn bản về các tỉnh nếu thuộc về thẩm quyền giải quyết của tỉnh, trực tiếp giải quyết nếu thuộc thẩm quyền của Bộ, ngành và báo cáo Thủ tướng những vấn đề khó khăn.
Nhóm vấn đề liên quan đến thị trường vốn, trong thời gian qua Thống đốc ngân hàng Nhà nước đã ban hành một loạt Thông tư, như: Thông tư 02 về cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 1 số doanh nghiệp; Thông tư 03 về tổ chức tín dụng, kênh các ngân hàng nước ngoài mua bán trái phiếu đặc biệt là gói tín dụng 120 nghìn tỷ dành cho phát triển nhà ở xã hội.
Thêm vào đó, vừa qua Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp giai đoạn 2021-2030. Cùng với việc phê duyệt đề án này, Bộ Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn gửi các địa phương xác định đối tượng, danh mục và điều kiện vay vốn. Bộ Xây dựng cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để thúc đẩy đề án này, đặc biệt là tiếp cận nguồn vốn 120 nghìn tỷ đồng.
Đối với các dự án cụ thể, Bộ Xây dựng, Tổ công các cũng giải quyết theo nguyên tắc trước tiên là đôn đốc các địa phương chủ động giải quyết các vướng mắc mà thẩm quyền do địa phương giải quyết; thứ 2 là đề nghị các bộ ngành hướng dẫn khó khăn cho các địa phương; thứ 3 là cùng các địa phương tham mưu, trình Chính phủ đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng.
Đối với các dự án ở 1 số địa phương như tại Đồng Nai; Tổ công tác đã rà soát 7 dự án lớn như dự án của Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Hưng Thịnh… trong đó xác định 1 số vướng mắc như vấn đề quy hoạch, hay vấn đề không bố trí 20% nhà ở xã hội. Các vấn đề này tổ công tác đã tham mưu cho Chính phủ vào ngày 31/5 và Chính phủ đã thống nhất phương án sớm giải quyết trong thời gian tới.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ công đã làm và giải quyết 30 kiến nghị, trong đó có 10 kiến nghị về nhà chung cư, 10 kiến nghị về nhà ở xã hội, 4 vấn đề về quy hoạch… Về cơ bản, các kiến nghị này đề thuộc thẩm quyển của địa phương và địa phương chưa hiểu và áp dụng pháp luật 1 cách đầy đủ.
Tại Bình Thuận; Tổ công tác đã phối hợp với Bộ Tài Nguyên và Môi trường, tham mưu cho Chính phủ giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Thời gian qua, các địa phương cũng đã rất tích cực phối hợp, tuy nhiên thời gian chưa nhiều trong khi các khó khăn đã diễn ra từ lâu, kéo dài cho nên cần có thêm thời gian để tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc. Thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ và kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai các chỉ đạo của Chính phủ trong đó có Nghị quyết 33, các công điện, thông báo, chỉ đạo của Thủ tướng, theo nguyên tắc thẩm quyền của cấp nào ban hành thì cấp đó phải giải quyết dứt điểm và coi đây là công việc cấp bách cần phải thực hiện ngay để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Quang cảnh họp báo. |
Về khó khăn, vướng mắc trong phòng cháy chữa cháy
“Chúng ta đều biết là vấn đề phòng cháy chữa cháy là vấn đề hết sức phức tạp, để giải quyết vấn đề này với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành đang rà soát một cách có hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan. Chúng tôi đang tham mưu sửa đổi từ vấn đề luật, rồi đến Nghị định 136 và các văn bản pháp lý liên quan. Đối với các bộ ngành có liên quan trực tiếp đến các quy chuẩn, tiêu chuẩn. Hiện có tới 9 quy chuẩn, 52 tiêu chuẩn liên quan đến phòng cháy, chữa cháy, đây là khối lượng khổng lồ”, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết.
Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cũng thông tin thêm một số vấn đề như: Đối với Bộ Xây dựng, Chính phủ giao cho 2 việc: Việc thứ nhất, cấp bách là tháo gỡ cho các công trình hiện hữu nhưng không đáp ứng được quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy nhưng đã đi vào hoạt động và việc thứ 2 là tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 06 về phòng cháy chữa cháy cho nhà và công trình.
Đối với vấn đề thứ nhất, theo chỉ đạo của Chính phủ thì thời gian qua Bộ Công an đã rà soát lại các công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh. Qua rà soát khoảng 1.182.722 công trình trên cả nước thì có khoảng 96,78% là đáp ứng điều kiện phòng cháy chữa cháy (PCCC), số còn lại khoảng 32.000 công trình đã đi vào hoạt động nhưng không đảm bảo PCCC, do đó ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh, sản xuất của các cơ sở này nên Chính phủ đã có chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn cho nhóm này.
Việc tháo gỡ bằng cách đưa ra giải pháp tăng cường, bổ sung, nâng cao khả năng PCCC để các công trình này sớm đi vào hoạt động. Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Công an đưa ra dự thảo dưới hình thức là Nghị quyết của Thủ tướng tháo gỡ cho vấn đề này.
Bộ Xây dựng đã hoàn thành dự thảo Nghị quyết, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, xin ý kiến của 18 Bộ ngành, 44 địa phương và 4 Hiệp hội. Ngày 28/6, Bộ Xây dựng đã có tờ trình số 30 trình Thủ tướng Chính phủ về nội dung này để làm sao sớm ban hành Nghị quyết, đưa và triển khai để tháo gỡ khó khăn.
Liên quan đến Nghị quyết 06, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Công an rà soát, đánh giá lại tất cả khó khăn, vướng mắc thì thấy 1 số vấn đề. Thứ nhất là công trình, cơ sở hiện hữu chúng tôi đã giải quyết bằng nghị quyết của Chính phủ. Thứ 2 là Quy chuẩn 06/2022 mới có hiệu lực từ tháng 01/2023, qua đánh giá còn 1 số vấn đề như hiểu chưa đúng, áp dụng chưa đúng, đặc biệt là điều khoản chuyển tiếp nên gây ra một số khó khăn. Thứ 3, Quy chuẩn 06 là Quy chuẩn có kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi phải có kiến thức, quy chuẩn viết cho cơ quan tư vấn.
Bộ Xây dựng với tinh thần rất cầu thị, lắng nghe và trân trọng các ý kiến đóng góp các địa phương, các bộ ngành, chuyên gia, doanh nghiệp và tới đây sẽ sớm ban hành hướng dẫn Quy chuẩn 06 để mọi người hiểu đúng, áp dụng đúng trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời tiếp tục rà soát, sửa đổi Quy chuẩn 06 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 29/6, Bộ Xây dựng đã rà soát xong, đang phối hợp với Bộ Công an để lấy ý kiến các bộ ngành. Theo quy định thì phải chờ kết thúc đăng tải lấy ý kiến các địa phương, các bộ ngành, các đơn vị liên quan. Mục tiêu trong tháng 9 sẽ ban hành hướng dẫn Quy chuẩn 06.
Đỗ Quang
Theo