(Xây dựng) – Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của 56/63 tỉnh/thành phố và các cơ quan liên quan, Bộ Xây dựng đã tổng hợp thị trường bất động sản quý III/2020 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong đầu quý III, dịch bệnh Covid-19 có dấu hiệu phát triển trở lại nhưng chỉ tác động cục bộ tại một số khu vực, đặc biệt là Đà Nẵng và đã sớm được khoanh vùng, kiểm soát. Mặc dù còn có nhiều khó khăn nhưng lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản cả nước vẫn ghi nhận những điểm tích cực và các chỉ số đáng kể.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Một số giải pháp, cơ chế, chính sách về nhà ở và thị trường bất động sản được đề ra và ban hành từ cuối năm 2019, đầu năm 2020 bắt đầu có hiệu lực và phát huy tác dụng như Luật Đầu tư sửa đổi 2020, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Nghị định 25/2020/NĐ-CP, hàng loạt Thông tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Xây dựng ban hành...
Một số chính sách mới tác động đến thị trường bất động sản như: Ngày 17/6/2020, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi một số điều của Luật Xây dựng (Luật số 62/2020/QH14). Bộ Xây dựng đã dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và dự thảo Nghị quyết về phát triển dự án nhà ở thương mại giá thấp. Hiện tại, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp… để tiếp tục hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian tới.
Số lượng các dự án phát triển nhà ở, dự án bất động sản đang triển khai; Số lượng nhà ở hoàn thành theo tổng hợp từ 56/63 địa phương có báo cáo số liệu, trong quý III/2020 như sau:
Đối với dự án phát triển nhà ở thương mại: Trên cả nước có 295 dự án với 125.449 căn hộ được cấp phép; 1.272 dự án với 243.265 căn hộ đang triển khai xây dựng; 118 dự án với 25.911 căn hộ hoàn thành. Số lượng dự án nhà ở được cấp phép giảm nhẹ (giảm khoảng 9,3%) so với quý II/2020.
Đối với dự án nhà ở xã hội: Trong quý III/2020, số lượng dự án nhà ở xã hội hoàn thành đưa vào sử dụng rất ít, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 04 dự án, quy mô xây dựng khoảng hơn 3.630 căn, tương ứng khoảng hơn 181.500m2 và không có dự án mới được khởi công.
Đối với dự án du lịch nghỉ dưỡng: Trên cả nước có 49 dự án với 3.772 căn hộ du lịch, 3.505 biệt thự du lịch và 48 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép; 94 dự án với 18.812 căn hộ du lịch và 6.089 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng; 23 dự án với 68 căn hộ du lịch, 375 biệt thự du lịch và 1 căn văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành. Số lượng dự án du lịch, nghỉ dưỡng được cấp phép giảm mạnh (giảm khoảng 46,7%) so với quý II/2020.
Nguồn cung nhà ở, bao gồm số lượng chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền đều có xu hướng tăng. Theo tổng hợp, số lượng nhà ở đủ điều kiện bán trong quý III/2020 tăng mạnh, tổng số nhà ở đủ điều kiện được bán tăng khoảng 82% so với quý trước, nhiều địa phương trên cả nước nguồn cung nhà ở có xu hướng tăng so với quý trước và cùng kỳ năm 2019. Số lượng bất động sản được Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm định trong quý III/2020 cụ thể như: Nhà ở: 3.471 căn (chỉ bằng khoảng 5,7% so với quý II/2020); Căn hộ du lịch: 0 căn (quý II/2020 là 0 căn); Biệt thự du lịch: 0 căn (quý II/2020 là 2.746 căn); Văn phòng kết hợp lưu trú (officetel): 0 căn (quý II/2020 là 672 căn). Như vậy, số lượng dự án bất động sản đặc biệt là nhà ở được thẩm định trước khi thực hiện đầu tư xây dựng giảm mạnh so với quý II/2020. Trong quý III/2020, có 45 dự án (gấp hai lần so với quý II/2020) được Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng với số lượng căn hộ.
Lượng sản phẩm (căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng) giao dịch thành công trong quý III/2020 bình quân trên cả nước bằng khoảng 110-125% so với quý II/2020 do các doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng, bám sát các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sau thời gian giãn cách xã hội. Tính đến tháng 10/2020, các bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã hoạt động trở lại cùng với các chính sách khuyến mãi để kích cầu du lịch trong nước, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đang trên đà phục hồi.
Bất động sản nhà ở có xu hướng giảm giá; Bất động sản công nghiệp tỷ lệ lấp đầy bình quân tại các Khu công nghiệp của 4 tỉnh và thành phố công nghiệp trọng điểm miền Nam đạt khoảng 84,5%, tại 5 tỉnh, thành phố công nghiệp chính tại miền Bắc khoảng 78%; Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn giảm mạnh (giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm 2019).
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến thời điểm hiện tại tổng dư nợ tín dụng với toàn nền kinh tế là 8,3 triệu tỷ đồng, riêng đối với lĩnh vực bất động sản vào khoảng 1,6 triệu tỷ đồng chiếm hơn 19% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Tính đến 30/6/2020, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 580.168 tỷ đồng.
Giá trị hàng tồn kho bất động sản đến hết năm 2019 ước tính khoảng 18.800 tỷ đồng; lượng hàng tồn kho bất động sản trong năm 2020 tính từ quý I đến quý III/2020 đang giảm dần. Lượng hàng tồn kho bất động sản chủ yếu nằm ở phân khúc căn hộ trung, cao cấp, căn hộ du lịch, nhà tái định cư… được đầu tư xây dựng tại các vị trí xa trung tâm, thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội…
Tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản tăng dần theo quý từ 0,264 tỷ USD lên 2,35 tỷ USD. Trong quý III/2020, thị trường vẫn có phản ứng tích cực thể hiện qua số liệu về tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản tăng mạnh 400% so với quý II/2020.
Các doanh nghiệp kinh doanh và doanh nghiệp phát triển bất động sản đã có những giải pháp để tiếp cận khách hàng, thay đổi khu vực phát triển để đón đầu xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI, xu thế đô thị hóa ở những địa phương ngoài các đô thị lớn. Ngoài ra, với những ưu đãi đặc biệt của thiên nhiên, hệ thống giao thông đi lại được cải thiện hơn, chính sách đầu tư thông thoáng và tạo nhiều điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Việt Nam đang có những lợi thế riêng hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư bất động sản trong và ngoài nước so với các nước trong khu vực về việc thu hút nguồn vốn cho ngành du lịch và phân khúc đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Mặc dù trải qua làn sóng Covid-19 lần 2, nhưng thị trường bất động sản trong quý III/2020 đang dần phục hồi và phát triển. Nhu cầu về nhà ở, trong đó có nhà ở giá rẻ vẫn rất lớn. Đặc biệt trong thời gian tới, bất động sản công nghiệp có thể coi là điểm sáng của thị trường bất động sản. Chính phủ đã và đang tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu ban hành nhiều chính sách mới hỗ trợ thị trường bất động sản, các Văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc tồn đọng đối với các dự án từ năm 2019 trở về trước.
Mộc Miên
Theo