- Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: Không chấp nhận sự chậm trễ trong công việc
- Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thăm Báo Xây dựng
(Xây dựng) - Như tin Báo Xây dựng đã đưa, chiều 12/8, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã có buổi làm việc với Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) và các doanh nghiệp hội viên. Tham dự buổi làm việc còn có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy, lãnh đạo Hiệp hội BĐS Việt Nam và đại diện nhiều doanh nghiệp BĐS.
Toàn cảnh buổi làm việc của lãnh đạo Bộ Xây dựng và Hiệp hội BĐS Việt Nam.
Buổi làm việc được tổ chức với mục đích thiết lập diễn đàn trao đổi giữa Bộ trưởng Bộ Xây dựng, lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các cơ quan, cục, vụ, viện của Bộ Xây dựng với Hiệp hội BĐS Việt Nam, qua đó tăng cường sự phối hợp, gắn kết giữa Hiệp hội với các cơ quan của Bộ, gắn kết sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Xây dựng với các hoạt động của Hiệp hội.
Thị trường hàng hóa BĐS còn mất cân đối
Theo báo cáo từ Hiệp hội BĐS Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2016, thị trường BĐS đã phát triển một cách ổn định. Lượng giao dịch tăng đều với tổng số giao dịch tại Hà Nội và TP HCM trong 6 tháng đầu năm 2016 khoảng 15.300 giao dịch, so với 18.000 giao dịch cùng kỳ năm 2015, song chất lượng, giá trị giao dịch cao hơn. Giá bất động sản tăng 3-7%, cao hơn so với cùng kỳ 2015 là 3-5%.
Hàng tồn kho hiện còn 37.489 tỷ đồng, so với cùng kỳ 2015 là 67.443 tỷ đồng. FDI vào thị trường BĐS có 25 dự án mới và giá trị vốn đầu tư tăng thêm 604,8 triệu USD, tăng hơn so với cùng kỳ năm 2015 là có 7 dự án và tổng vốn 465,5 triệu USD.
Hệ thống chính sách mới về BĐS đã bắt đầu phát huy tác dụng trên thực tế và từng bước đi vào cuộc sống. Các doanh nghiệp lớn vẫn đang dẫn đầu xu hướng thị trường.
Tuy nhiên, thị trường BĐS vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đó là cơ cấu hàng hóa trên thị trường có sự mất cân đối, thiếu vắng sản phẩm giá trung bình và thấp. Việc phát triển nhà ở xã hội có xu hướng chậm lại. Phân khúc nhà ở cho thuê chưa có điều kiện phát triển. Thông tin trên thị trường chưa thực sự đầy đủ, hệ thống và toàn diện. Năng lực phần lớn các chủ đầu tư còn yếu cả về tài chính, năng lực quản lý, triển khai các dự án…
Để phát triển thị trường BĐS theo hướng lành mạnh, bền vững và hiệu quả
Tại buổi làm việc, với mong muốn khắc phục những bất cập tồn tại hiện nay, VNREA đề xuất với Bộ Xây dựng một số nội dung để phát triển thị trường BĐS theo hướng lành mạnh, hiệu quả.
Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.
Thứ nhất, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ, các Sở Xây dựng địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến thị trường BĐS đã được ban hành, để nâng cao hiểu biết về pháp luật trong bộ máy quản lý cũng như trong cộng đồng doanh nghiệp BĐS.
Bên cạnh đó, Bộ cần ban hành các quy định việc soát xét thủ tục trước khi bán đối với nhà ở hình thành trong tương lai và có các biện pháp kiểm tra, kiểm soát đảm bảo thực hiện đầy đủ theo quy định của luật.
Việc bán nhà ở cho người nước ngoài, Bộ Xây dựng chủ trì làm việc với các cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể về việc thủ tục cấp visa cho người nước ngoài khi vào Việt Nam, thủ tục chuyển tiền vào, chuyển tiền ra khi mua bán BĐS, quy định cụ thể các khu vực hạn chế mua bán BĐS vì lợi ích, an ninh quốc gia…
Việc có các quy định, hướng dẫn cụ thể này tạo điều kiện cho thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch và thuận lợi cho các doanh nghiệp cũng như chuẩn hóa đối với hoạt động quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ 2, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo và ủng hộ để Hiệp hội phối hợp với các cơ quan của Bộ, các Sở Xây dựng địa phương trong hoạt động thu thập, tổng hợp thông tin dữ liệu thị trường BĐS hàng tháng, từ đó thiết lập cơ sở dữ liệu thông tin một cách hệ thống để cung cấp thường xuyên phục vụ công tác quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước, phục vụ nhu cầu thông tin của thị trường; giúp cho các chủ đầu tư có cơ sở định hướng hoạt động đầu tư chuẩn xác và tạo cơ sở dữ liệu để nghiên cứu điều hành, phát triển thị trường BĐS Việt Nam một cách chủ động, hiệu quả.
Thứ ba, Bộ Xây dựng tiếp tục ủng hộ và chỉ đạo Hiệp hội trong việc triển khai các hoạt động mà Hiệp hội chủ trì, như các Hội chợ về BĐS hằng năm; Diễn đàn BĐS Việt Nam thường niên; việc phát triển các dự án công trình xanh, đô thị xanh, các dự án, các vật liệu, thiết bị tiết kiệm năng lượng hiệu quả; việc ban hành các tiêu chuẩn thiết kế, thi công và nghiệm thu các vật liệu mới, tiết kiệm năng lượng. Các hoạt động trên của Hiệp hội được sự chỉ đạo của Bộ sẽ góp phần định hướng thị trường bất động sản Việt Nam phát triển minh bạch, bền vững.
Tại buổi làm việc, nhiều tham luận đã được các doanh nghiệp, Hội môi giới BĐS gửi đến lãnh đạo Bộ Xây dựng và VNREA:
Ông Tạ Văn Tố, Giám đốc TCy CP Tập đoàn CEO.
Hiện nay, CEO Group đưa vào khai thác sử dụng nhiều dự án. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thủ tục rất bất cập. Đặc biệt là công tác giá bán. Chúng tôi muốn xác định giá bán 1 lần để giảm thủ tục. Bên cạnh đó, công tác hướng dẫn làm sổ đỏ chưa cụ thể. Ngoài ra, còn một khó khăn đối với khách hàng là vay tiền mua NƠXH. Ở dự án BĐS nghỉ dưỡng, những vướng mắc trong việc xác định xây dựng dự án cách mép nước 100m chưa có hướng dẫn cụ thể.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Cty BĐS Toàn Cầu.
Hiện nay, có mâu thuẫn ở điều 57 Luật Kinh doanh ĐBS. Mâu thuẫn ở đây là khách hàng nộp 95% giá trị hợp đồng thì chưa thanh lý được hợp đồng, do đó, không cấp được sổ đỏ. Chúng tôi đang kiến nghị, chưa thu 5% còn lại nhưng khách hàng phải nộp cho ngân hàng để có cơ sở làm sổ đỏ cho người mua nhà. Ngoài ra, cơ quan nhà nước nên có văn bản hướng dẫn làm sao để 20% quỹ đất làm trường học hoặc NƠXH.
Vấn đề cải tạo chung cư cũ cũng nên có một hướng dẫn cụ thể về cải tạo chung cư cũ để có lối thoát cho vấn đề này. Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước giúp giải quyết thủ tục hành chính làm sao hệ thống quản lý bớt lằng nhằng.
Ông Trương Anh Tuấn, Cty Hoàng Quân.
Hiện nay, rất nhiều người dân được hưởng lợi ích từ NƠXH. Nhưng để phát triển NƠXH liên tục và bền vững, chúng tôi kiến nghị: Việc giải ngân gói vay vốn, Thông tư 25 của NHNN có nên giải ngân sau khi dự án hoàn thành.
Đối với văn bản 1013, NHCSXH cho vay 4,8%, nhưng trên thực tế chúng tôi đang khó khăn về nguồn vốn. Hiện nay, hầu hết các dự án đã khởi công hoặc cất nóc nhưng chủ đầu tư không lo được vốn, khách hàng không được giải ngân như vậy dự án rất dang dở.
Hiện nay, NƠXH đều quy định chủ đầu tư cam kết giá bán trước khi bán để tạo ổn định cho khách hàng nhưng giá cả VLXD có nhiều bấp bênh. Chúng tôi kiến nghị Bộ Xây dựng hỗ trợ chúng tôi ký kết nguồn cung ứng vật tư ổn định, tránh tăng giá.
Chúng tôi hưởng ứng chính sách cho thuê nhà, nhưng cũng có bất cập là tại TP HCM, dù cho thuê giá rất rẻ nhưng không ai đăng ký thuê, chỉ đăng ký mua.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam.
Kể từ khi có Luật kinh doanh BĐS, môi giới BĐS hiện có chục vạn hội viên, trong đó khoảng 3 vạn người đã có chứng chỉ hành nghề. Hiện nay, Hội môi giới BĐS (MGBĐS) tạo kết nối rất hiệu quả giữa các dự án BĐS và người tiêu dùng. Đồng thời, ở những giai đoạn thị trường khó khăn, Hội còn giúp chủ đầu tư các DA BĐS phá băng, giải phóng hàng tồn kho để thị trường BĐS hồi phục và ổn định trở lại. Các nhà môi giới BĐS VN hiện nay rất trưởng thành, có trình độ năng lực tốt, có bản lĩnh.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn những bất cập của nghề MGBĐS. Đó là, trình độ, năng lực chưa đồng nhất, chủ yếu là tự phát, tự đúc kết kinh nghiệm (chưa có 1 hệ thống quy chuẩn nào ở VN dành cho nghề MGBĐS). Và chất lượng nghề còn thấp hơn các nước trong khu vực.
Còn quá nhiều MGBĐS không có chứng chỉ hành nghề, thiếu hiểu biết pháp luật. Tự phát hoạt động, môi giới sai luật dẫn đến nhiều hệ quả xấu, gây mất ổn định ANXH, thiệt hại cho người tiêu dùng hàng nghìn tỷ đồng.
Phần lớn MGBĐS chưa có khái niệm về đạo đức kinh doanh khi hành nghề dẫn đến các hành vi xấu, với đối tác, với đồng nghiệp, với khách hàng, làm xấu hình ảnh của MGBĐS với thị trường, xã hội.
Những bất cập này cũng do quản lý nhà nước đối với hoạt động này còn lỏng, chế tài xử phạt chưa ban hành, chưa có hệ thống chất lượng về kỹ năng nghề đạt chuẩn và đồng bộ trên cả nước, chưa xây dựng các bộ quy tắc về đạo đức hành nghề MGBĐS. Hoạt động đào tạo nghề MGBĐS thực trạng đang rất lộn xộn, tự phát, dễ bị lợi dụng. Triển khai thực hiện quy định của luật về cấp chứng chỉ hành nghề MGBĐS tại các địa phương còn rất chậm.
Do đó, chúng tôi kiến nghị cần thiết phải tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động MGBĐS theo đúng quy định pháp luật. Sớm ban hành chế tài xử phạt. Cần thiết phải tổ chức nghiên cứu xây dựng hệ thống chất lượng nghề MGBĐS đồng bộ trên cả nước, đạt chuẩn quốc tế. Xây dựng quy tắc đạo đức, nếu có thể được xin giao cho Hội MGBĐS.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện và hỗ trợ Hội MGBĐS Việt Nam trong công tác đào tạo, sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề, đánh giá chứng nhận chất lượng nghề. Đối với việc xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin, giúp thị trường BĐS minh bạch hơn.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục cập nhật nội dung buổi làm việc.
Ngọc Hà - Đoàn Huyền
Theo