(Xây dựng) – Ngày 12/10, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà làm việc với tân Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk về một số vấn đề hợp tác giữa hai bên là cấp nước, xử lý nước thải, phát triển đô thị…
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà chủ trì cuộc tiếp tân Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam. |
Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã gửi lời cảm ơn chân thành và đánh giá cao sự giúp đỡ của Ngân hàng thế giới (World Bank) tại Việt Nam đối với Bộ Xây dựng. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định, World Bank đã hỗ trợ rất nhiều cho Bộ Xây dựng, từ hỗ trợ về chuyên gia, kỹ thuật, tổ chức các hội thảo, thực hiện các chương trình xây dựng luật pháp và tài trợ các dự án rất hiệu quả.
Sự giúp đỡ của World Bank đã giúp Bộ Xây dựng có thêm điều kiện mới và năng lực mới để hoàn thành tốt các nhiệm vụ do Chính phủ Việt Nam giao phó. Chính vì vậy, Bộ trưởng rất mong World Bank sẽ tiếp tục giúp đỡ Bộ Xây dựng trong nhiệm kỳ mới của tân Giám đốc Carolyn Turk.
Tiếp lời Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, Giám đốc Carolyn Turk khẳng định, World Bank tin tưởng sẽ trở thành đối tác quan trọng giúp đỡ Việt Nam giải quyết những vấn đề đô thị có rất nhiều thách thức khó khăn.
Tân Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk thảo luận một số vấn đề với Bộ Xây dựng. |
Nhân dịp này, tân Giám đốc quốc gia World Bank tại Việt Nam đã thảo luận với Bộ Xây dựng về một số lĩnh vực hợp tác giữa hai bên. Trước hết, World Bank mong muốn Bộ Xây dựng giúp đỡ tháo gỡ khó khăn trong dự án xử lý nước thải ở các thành phố Vinh, Phú Quốc và Bình Dương.
World Bank rất muốn khu vực tư nhân tham gia vào dự án này, nhưng đề nghị Việt Nam xây dựng kế hoạch cụ thể để chuyển đổi từ công sang tư chứ không phải chuyển đổi ngay lập tức.
Vấn đề thứ 2 mà World Bank muốn trao đổi liên quan đến xây dựng các giải pháp thoát nước, chống ngập lụt ở các đô thị.
Vấn đề thứ 3 liên quan đến việc World Bank hỗ trợ 4 trường Đại học thực hiện dự án nâng cao chất lượng giáo dục Đại học. Đó là các trường: Đại học Bách Khoa, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Đà Nẵng.
Vấn đề thứ 4 là chương trình phát triển đô thị quốc gia ở các tỉnh miền núi phía Bắc sắp kết thúc, nhưng World Bank mới giải ngân được 63% kinh phí của dự án. Do đó, World Bank muốn Bộ Xây dựng hỗ trợ thúc đẩy triển khai dự án càng nhiều càng tốt trước khi kết thúc.
Cuối cùng, World Bank muốn thảo luận lại với Bộ Xây dựng về dự án cấp nước cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Rất nhanh chóng, cả 5 vấn đề nêu trên đều được lãnh đạo Bộ Xây dựng giải trình, bắt đầu từ Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Mai Thị Liên Hương; Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng Hoàng Quang Nhu, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn và người kết luận là Bộ trưởng Phạm Hồng Hà.
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Trong đó, Bộ trưởng khẳng định, Chính phủ Việt Nam có khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào các dự án cấp thoát nước và xử lý nước thải, nhưng chưa nhận được sự tham gia rộng rãi. Bộ Xây dựng cũng đồng tình với World Bank về việc phải tính dần đến lộ trình tư nhân hóa một cách phù hợp.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu toàn diện về vấn đề cấp thoát nước và xử lý nước thải tại các đô thị, đặc biệt là các nội dung về giá và công nghệ xử lý nước thải.
Bộ Xây dựng cũng cam kết sẽ hướng dẫn tận tình và giải quyết nhanh nhất các vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường Đại học vì điều này liên quan trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.
Về dự án cấp nước cho Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Xây dựng đã xin phép Chính phủ và nhận được sự đồng tình về việc chuyển hướng triển khai dự án thành 2 giai đoạn.
Ở giai đoạn 1, World Bank sẽ làm việc trực tiếp với các tỉnh, thành phố khó khăn nhất như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng... Sang giai đoạn 2, World Bank sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng và các địa phương để nghiên cứu quy hoạch cấp nước an toàn liên vùng. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh, Bộ Xây dựng sẽ khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào dự án này.
Đối với chương trình phát triển đô thị ở các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ đóng vào tháng 6/2021, đã có 6/7 tỉnh gửi văn bản xin gia hạn thêm 18 tháng để dự án có thể kết thúc trọn vẹn.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà tặng hoa và quà cho Tân Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam. |
Về cơ bản, Giám đốc quốc gia của World Bank tại Việt Nam đồng tình với các ý kiến của Bộ Xây dựng và sẽ tiến hành trao đổi thêm với từng Cục, Vụ để có kế hoạch triển khai cụ thể.
Nhưng Giám đốc Carolyn Turk không đảm bảo chắc chắn sẽ gia hạn thời gian thực hiện chương trình phát triển đô thị quốc gia ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Hiện tại, World Bank đang triển khai 33 dự án tại Việt Nam và đã có 17 dự án đề xuất gia hạn.
World Bank cũng không thể gia hạn tất cả các dự án vì để gia hạn thì phải giải trình hết sức thuyết phục. Bởi vậy, World Bank vẫn đề nghị việc cần làm trước mắt là cố gắng triển khai càng nhiều công việc càng tốt cho đến khi dự án đóng lại vào tháng 6/2021.
Hữu Mạnh
Theo