(Xây dựng) – Về việc chuyển đổi dây chuyền sản xuất và bổ sung Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất vôi công nghiệp của Cty CP Xi măng Kiện Khê (tỉnh Hà Nam) vào Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp vôi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Mới đây, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 2255/BXD-VLXD gửi UBND tỉnh Hà Nam.
Ảnh minh họa.
Nhà máy Xi măng Kiện Khê là 1 trong 7 dây chuyền sản xuất xi măng bằng công nghiệ lò quay trên địa bàn tỉnh Hà Nam, công suất 120.000 tấn/ năm được đưa vào khai thác vận hành từ trước năm 2010. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Nam, các nhà máy xi măng đã đi vào hoạt động với tổng công suất khoảng 13 triệu tấn/ năm. Do đó, các dây chuyền sản xuất xi măng có quy mô công suất nhỏ phải chuyển hướng sản xuất là phù hợp với yêu cầu thực tế. Việc chuyển đổi sang sản xuất vôi công nghiệp bằng lò quay đảm bảo tiết kiệm được nguyên, nhiên liệu, năng lượng và đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; công suất lò nung theo đề xuất của Cty CP Xi măng Kiện Khê đảm bảo theo yêu cầu về Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp vôi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Để thu hút các dự án sản xuất vôi có công nghệ tiên tiến hiện đại, sản xuất các sản phẩm vôi có giá trị kinh tế cao, trên cơ sở sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Nhằm tạo điều kiện cho Cty phát triển sản xuất, Bộ Xây dựng có ý kiến sau: Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Nam, thì Nhà máy xi măng Kiện Khê của Cty CP xi măng Kiện Khê bằng công nghệ lò quay, công suất 120.000 tấn/năm được đưa vào khai thác vận hành từ trước năm 2010 và được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác mỏ đá vôi làm nguyên liệu xi măng thuộc khu vực thị trấn Kiện Khê và xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liên, tỉnh Hà Nam (theo Giấy phép khai thác số 1502/GP-BTNMT ngày 11/8/2012).
Do dây chuyển sản xuất xi măng có quy mô công suất nhỏ cần chuyển đổi phù hợp với tình hình thực tế sản xuất để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường, do đó UBND tỉnh Hà Nam và Cty cổ phần xi măng Kiện Khê đã đề nghị được chuyển đổi dây chuyền công nghệ sản xuất xi măng sang mục đích sản xuất vôi công nghiệp.
Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp vôi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, được phê duyệt tại Quyết định số 507/QĐ-BXD ngày 27/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, thì đến năm 2020 phải dừng toàn bộ lò thủ công sản xuất vôi trên phạm vi toàn quốc. Vì vậy, việc sản xuất vôi công nghiệp để thay thế lò vôi thủ công là cần thiết.
Trên cơ sở đề xuất của UBDN tỉnh Hà Nam và Cty CP xi măng Kiện Khê, Bộ Xây dựng thống nhất về chủ trương bổ sung Dự án Nhà máy sản xuất vôi công nghiệp của Cty CP xi măng Kiện Khê với công suất 100.000 tấn/năm đầu tư tại thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam vào Quy hoạch phát triển công nghiệp vôi được phê duyệt tại Quyết định số 507/QĐ-BXD ngày 27/4/2015, sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa Nhà máy xi măng Kiện Khê ra ngoài Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ).
Ngoài ra, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Hà Nam: Báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đưa Dự án Nhà máy xi măng Kiện Khê công suất 120.000 tấn/năm ra ngoài Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2017-2025 và định hướng đến năm 2035; điều chỉnh đưa ra ngoài quy hoạch khoáng sản làm xi măng đối với mỏ đá vôi thuộc khu vực thị trấn Kiện Khê và xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liên, tỉnh Hà Nam để bổ sung vào Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng làm cơ sở cấp phép khai thác mỏ đá vôi sản xuất vôi công nghiệp.
Chỉ đạo Cty CP xi măng Kiện Khê thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật liên quan đến Nhà máy xi măng Kiện Khê được đưa ra khỏi quy hoạch xi măng; Chỉ đạo Cty CP xi măng Kiện Khê triển khai đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất vôi công nghiệp với công nghệ tiên tiến hiện đại đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường.
Tuyết Hạnh
Theo